Đến Việt Nam, người nước ngoài "vỡ òa" trước quà tặng của dòng Mê Kông - huyết mạch của Trái đất

07/04/2023 10:10 AM | Sống

Có rất nhiều cách để đi du lịch ở Việt Nam. Bạn có thể khám phá một thành phố có lịch sử lâu đời, tận hưởng biển xanh sóng vỗ dưới nền trời nhiệt đới nóng bỏng hay đến thăm vùng cao để cảm nhận cuộc sống của người dân tộc thiểu số.

Một cách khác là tận hưởng cuộc sống của người dân miền Tây dọc bờ sông Mê Kông chở nặng phù sa. Chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia, sông Mê Kông uốn lượn qua các thành phố ở miền Nam Việt Nam trước khi đổ ra biển.

Người dân ở các địa phương ven sông đang vun đắp cuộc sống của họ bằng sự trù phú của dòng sông.

Buổi sáng ở chợ nổi

Cách Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của Việt Nam, khoảng 170 km về phía Nam, là thành phố Cần Thơ. Cần Thơ nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, là thành phố lớn nhất khu vực đồng bằng sông Mê Kông với dân số hơn 1 triệu người.

Cần Thơ có chợ Cái Răng, chợ nổi lớn nhất khu vực đồng bằng sông Mê Kông. Phiên chợ bắt đầu lúc 4h00 sáng, vì vậy nên đi sớm, bởi nó sẽ kết thúc vào trước buổi trưa.

5 giờ sáng. Quãng thời gian giao thoa giữa ngày và đêm. Sao và trăng vẫn lấp lánh trên bầu trời. Tôi vội vã lên một chiếc ghe nhỏ. Chiếc ghe chạy với tiếng tách tách vượt qua những con sóng lớn do những chiếc ghe phía trước gây ra.

Chiếc ghe từ từ xuyên qua bóng tối, bầu trời bên kia sông bắt đầu hửng sáng. Bình minh ở đâu cũng đẹp nhưng đón bình minh từ trên ghe cho tôi cảm giác phấn khích hơn cả.

Sau hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đến chợ Cái Răng. Mới hơn 6 giờ sáng nhưng có vẻ đã lỡ mất thời điểm đông đúc nhất. Các giao dịch vẫn diễn ra nhưng khoan thai hơn. Chiếc ghe xuôi theo những con sóng lắc lư rồi hòa vào phiên chợ.

Đến Việt Nam, người nước ngoài "vỡ òa" trước quà tặng của dòng Mê Kông - huyết mạch của Trái đất - Ảnh 1.

Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: asiatouradvisor.

Rau củ quả được chuyển từ ghe này sang ghe khác, tiếng mặc cả rộn ràng, nét mặt người dân phấn khởi, bàn tay tất bật chuyển hàng, xếp hàng. Khung cảnh mà chỉ có một chuyến đi đến sông Mê Kông mới có thể làm cho Việt Nam trở nên đặc biệt hơn.

Những chiếc ghe mua bán hàng hóa lênh đênh trên sông Mê Kông đều cắm một chiếc sào dài trước mũi ghe. Nếu bạn nhìn kỹ, có một cái gì đó treo ở đầu sào. Một số ghe treo bí ngô, một số dưa hấu và số khác thì dứa.

Việc này giúp bạn có thể nhìn thấy món đồ được bán dù đang ở phía xa. Đó là một bảng hiệu sống động và tươi mới. Chắc hẳn đó là một ý tưởng nảy sinh khi những chiếc ghe chật kín và rất khó để tiếp cận. Tuy nhiên, chính điều này lại tạo nên một bầu không khí độc đáo chỉ có ở chợ Cái Răng.

Cây sào vươn cao lên trời giống như cây sotdae để cầu cho một mùa đánh bắt bội thu. Trong số đó có những chiếc ghe bán bánh mì, bún đi ngang qua, thỏa mãn cơn đói của những người bán hàng rong. Buổi sáng mưu sinh trên ghe dường như đã đi vào cuộc sống của người dân dọc sông Mê Kông.

Khi đi theo dòng chính sông Mê Kông, ghe chạy bằng máy nhưng khi qua các nhánh sông nhỏ, nước cạn thì chỉ còn cách tắt máy. Người lái ghe chèo bằng những động tác tay quen thuộc. Tôi gần như nằm xuống ghe để tránh chiếc cầu nhỏ và thấp, chầm chậm băng qua nhánh nhỏ của sông Mê Kông và nhìn những ngôi nhà thưa thớt ven sông.

Mặt trời tỏa nắng nhưng nó dịu đi trong chốc lát khi bạn đi qua đám dừa nước. Những khoảng sân ngập nước thỉnh thoảng lại hiện ra. Trước cửa nhà có một khoảng trống giống như một gara nhỏ để đậu ghe. Đó là nơi để cất giữ chiếc ghe giá trị. Chiếc ghe quý giá biết bao đối với những người vùng sông nước. Hai mẹ con nhà nọ dừng ghe mua hàng ở một cửa hàng. Buổi sáng êm đềm trên sông Mê Kông trôi qua như thế.

Thành phố ngàn hoa và pháo đài chiến tranh

Sa Đéc cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 145 km, được mệnh danh là 'thành phố ngàn hoa'. Mất khoảng 3 giờ đi xe buýt. Đây là một làng hoa nhỏ. Những ngày cận Tết, lượng người đến mua hoa cây cảnh rất đông.

Đến Việt Nam, người nước ngoài "vỡ òa" trước quà tặng của dòng Mê Kông - huyết mạch của Trái đất - Ảnh 2.

Làng hoa Sa Đéc. Ảnh: Báo Chính phủ

Chỉ cần nhìn những bông hoa được đóng gói và tưới nước để bán ở chợ thôi cũng thấy lòng xao xuyến bồi hồi. Ở vùng lân cận Sa Đéc, bạn có thể nhìn thấy những cánh đồng sen dài bất tận.

Sa Đéc trở nên nổi tiếng với người nước ngoài vì đây là bối cảnh của bộ phim Người tình.

Ngôi nhà cổ kiểu Pháp cuối chợ Sa Đéc được xây dựng từ năm 1895 là nơi khởi đầu tình yêu của hai nhân vật chính. Một dòng sông chảy trước ngôi nhà cũ, làm tôi nhớ đến hình ảnh nhân vật nữ chính vượt dòng Mê Kông, dấy lên xúc cảm lãng mạn.

Gần Sa Đéc có một di tích lịch sử đặc biệt mang tên Xẻo Quýt. Nó giống như địa đạo Củ Chi, một pháo đài bí mật ở thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng trong chiến tranh.

Tôi không ngờ mình lại gặp dấu vết chiến tranh nơi dòng sông Mê Kông thăm thẳm này. Trong chiến tranh, một cơ sở quân sự bí mật được giấu ở Xẻo Quýt, Đường thủy ở đây đóng vai trò kết nối các đường hầm dưới lòng đất. Một nhà bếp, một hội trường và một lối đi ngầm bí mật vẫn còn bên cạnh đường thủy. Người ta nói rằng trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã không thể tìm thấy nơi này.

Cảnh đẹp Xẻo Quýt ngày này hoàn toàn có thể xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Ánh nắng xuyên qua rừng rậm, tiếng ghe lướt trên mặt nước, thỉnh thoảng lại có tiếng chim hót sảng khoái. Động vật quý hiếm, lục bình hoa tím và các chiến hào ẩn giấu. Một khu rừng rậm rạp kết bằng dây leo che phủ hoàn toàn các chiến hào.

Nằm bên dòng Mê Kông, ẩm thực Cần Thơ đặc trưng với rất nhiều hải sản. Bánh canh ghẹ là món ăn có cả một con ghẹ được đặt lên trên. Bún mắm với sợi bún dày ăn kèm thịt cá, mực tươi... Ngoài ra, bánh tằm bì rưới nước cốt dừa ngọt ngào, là món ăn vặt tuyệt vời vào những buổi trưa nắng nóng.

Món ăn đặc trưng của Cần Thơ là bánh cống cũng rất ngon. Bánh cống với phần nhân là đậu xanh và tôm hấp dẫn, chỉ cần ăn 2-3 chiếc đã no bụng. Vì vậy đừng đánh giá thấp chúng vì chúng nhỏ. Cua nước ngọt Ba Khía cũng nổi tiếng, bạn có thể nếm thử món này vào buổi tối trên đường Đinh Tiên Hoàng hay còn gọi là 'đường Ba Khía'.

Theo An An

Cùng chuyên mục
XEM