Đến tự giác kỉ luật còn không làm được, bạn dựa vào đâu muốn tự do trong nghề nghiệp? Việc đầu tiên cần làm là bớt ba hoa và nhìn lại mình!

28/06/2019 10:45 AM | Sống

Yohji Yamamoto, nhà thiết kế nổi tiếng của Nhật Bản từng nói: "Tôi không bao giờ tin vào sự tự do lười biếng. Sự tự do mà tôi khao khát là một chân trời rộng lớn hơn nhờ sự siêng năng và chăm chỉ, tự do như vậy mới là quý giá và có giá trị”

Tự do trong nghề nghiệp hay nghề nghiệp tự do chỉ một nghề nghiệp không phải chịu sự quản lý hành chính của các doanh nghiệp và công ty, tự mình quản lý mình, nói vui chính là kiểu "công ty một thành viên mô hình nhỏ", chẳng hạn các nghề như luật sư, nhà văn tự do, nhà thiết kế… Ngoài ra còn một "biến thể" khác của nghề nghiệp tự do đó là những người không thỏa mãn với "một nghề chuyên môn", thay vào đó họ chọn một cuộc sống đa dạng với nhiều nghề nghiệp và bản sắc, như sáng làm nhà tư vấn, tối làm DJ...

Có nhiều lý do tại sao một người muốn làm việc tự do, chẳng hạn như cuộc sống ép buộc, tự lựa chọn, xu thế… nhưng, những người có thể làm tốt "tự do nghề nghiệp" thường có những điểm sau:

Năng lực cạnh tranh cốt lõi: có thể được hiểu là có kỹ năng chuyên môn, hoặc kinh nghiệm được tích lũy sau nhiều năm bôn ba.

Khả năng chịu áp lực mạnh mẽ: 99,99% trong chúng ta đều sẽ không "thuận buồm xuôi gió", muốn trở thành một người làm việc tự do, phải chấp nhận rằng sẽ không có thu nhập ổn định trong một tháng, nửa năm, thậm chí là cả năm trời.

Kỷ luật tự giác nghiêm ngặt: nghĩ rằng một công việc tự do có thể đem lại cho bạn sự tự do về mặt thời gian, vậy thì bạn đã sai rồi, bởi làm việc tự do lại càng không được tự do, hoặc có thể nói là chỉ khi tự giác và kỷ luật bạn mới có được nhiều tự do hơn.

Và không bất ngờ khi kỷ luật tự giác vẫn luôn là điều khó khăn nhất.

Đến tự giác kỉ luật còn không làm được, bạn dựa vào đâu muốn tự do trong nghề nghiệp? Việc đầu tiên cần làm là bớt ba hoa và nhìn lại mình!  - Ảnh 1.

Khi còn trẻ, Steve Jobs luôn thức dậy lúc 4h sáng, trước 9h kết thúc công việc. Ông nói: "Tự do đến từ đâu? Từ sự tự tin, còn tự tin đến từ kỷ luật tự giác. Trước tiên hãy học cách không chế bản thân và kiểm soát cuộc sống với một lịch trình nghiêm ngặt, có vậy mới có thể không ngừng rèn luyện được sự tự tin trong quá trình tự giác này. Tự tin là năng lực khống chế đối với sự việc, nếu bạn ngay cả kiểm soát thứ cơ bản nhất là thời gian cũng không làm được, thì còn nói gì đến tự tin?

Một người bạn của tôi, là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh đám cưới, trong khi làm việc, cô ấy tuyệt đối không trả lời messenger, lúc làm việc luôn tập trung 100%. Mỗi cuối tuần đều sẽ lên lịch đi học cách cắm hoa, học phác thảo, luôn duy trì trạng thái học tập để nâng cao kĩ năng tay nghề. Ngày nào cũng đều đặn tập thể dục 2 tiếng, để não được nghỉ ngơi, tỉnh táo và giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.

Khi mới bắt đầu kinh doanh, tôi thậm chí còn không thể thức dậy mỗi sáng, buổi tối thì luôn thức tới rất khuya. Kết quả thì ai cũng đoán được, cơ thể mệt mỏi, tinh thần không tốt, hay cáu gắt. Tôi bắt đầu nhìn lại chính mình, đây là sự tự do mà tôi muốn?

Thực ra tôi chỉ thực sự thay đổi khi biết mình mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Vì vậy, tôi cố gắng kiểm soát công việc của mình, sáng thức dậy trước 7:30, tối đi ngủ trước 12:30. Khi làm việc, luôn cố gắng tập trung, làm việc nghiêm túc để nâng cao hiệu suất. Hàng ngày, dành 1 tiếng để tập thể dục. Tôi cảm nhận đươc sự thay đổi ở bản thân, nhưng tôi đồng thời cũng phát hiện ra rằng, tự giác quả thực rất khó.

Kỷ luật tự giác hay được hiểu là kiểm soát bản thân, thường đòi hỏi mọi người phải kiềm chế, chẳng hạn như cần phải làm việc, sinh hoạt theo đúng kế hoạch, thậm chí còn phải kiểm soát những ham muốn, tham lam, lười biếng… của mình, từ đó hình thành nên thói quen.

Tuy nhiên, kỷ luật tự giác, thay vì nói là tự mình kiểm soát, hiểu là khả năng chấp hành sẽ phù hợp hơn, khả năng chấp hành sẽ quyết định liệu chúng ta có thể trở thành một người tốt hơn hay không.

Đến tự giác kỉ luật còn không làm được, bạn dựa vào đâu muốn tự do trong nghề nghiệp? Việc đầu tiên cần làm là bớt ba hoa và nhìn lại mình!  - Ảnh 2.

Có người thấy tự do và kỷ luật tự giác dường như là hai khái niệm đối lập nhau, nhưng trên thực tế, khi bạn bắt đầu tự quản lý mình, bạn mới có thể giải phóng được nhiều thời gian và năng lượng hơn, từ đó làm nhiều được việc mình thích hơn, đây chính là sự tự do mà kỷ luật tự giác mang lại!

Lấy bản thân tôi ra làm dẫn chứng, sau khi bắt đầu quản lý thời gian, tôi thấy rằng mỗi tuần, mình đã có thời gian để bắt đầu đọc sách, còn có thể vẽ ra được bản đồ tư duy để đúc kết lại những gì mình đã đọc qua, thậm chí còn có thể chia sẻ chúng với những người khác.

Nó cũng đúng với việc tập thể dục mỗi ngày vậy, nó không chỉ đem đến cho tôi một cơ thể khỏe mạnh, chất lượng giấc ngủ được nâng cao, mà tinh thần cũng trở nên tỉnh táo, bớt cáu gắt hơn rất nhiều.

Tất cả những điều này chỉ có được khi tôi tự giác và kỷ luật. Vậy thì, nếu bạn thậm chí còn không thể tự giác, thì nói gì đến tự do trong nghề nghiệp?

Muốn tự do trong công việc? Không khó, hãy nhìn lại mình, suy nghĩ rồi sau đó, hãy hành động!

Yohji Yamamoto, nhà thiết kế nổi tiếng của Nhật Bản từng nói: "Tôi không bao giờ tin vào sự tự do lười biếng. Sự tự do mà tôi khao khát là một chân trời rộng lớn hơn nhờ sự siêng năng và chăm chỉ, tự do như vậy mới là quý giá và có giá trị. Tôi tin vào định luật 10.000 giờ, tôi không bao giờ tin vào những linh cảm từ trên trời rơi xuống hay những thành tựu đến từ sự chờ đợi. Tôi muốn trở thành một người tự do và tự giác, sống nghiêm túc với quyết tâm sẽ hiện thực hóa mọi việc."

Regina

Cùng chuyên mục
XEM