Đến thăm người chú trong viện dưỡng lão, bất ngờ được cho hơn 300 triệu đồng, đến khi hiểu sự thật tôi đã bật khóc

01/03/2024 18:30 PM | Sống

Người đàn ông này không nghĩ rằng phong bao đỏ có nhiều tiền đến thế. Song chính bức thư bên trong mới thực sự khiến anh hiểu ra nhiều chuyện.

Tôi tên là Lý Khương (35 tuổi, Nam Ninh, Trung Quốc), đang làm việc trong lĩnh vực bất động sản. Sau khi lên thành phố học tập, tôi quyết định bám trụ lại để tìm công việc với hy vọng có thể đổi đời.

Trong suốt những năm tháng đi làm xa nhà, tôi có rất ít có cơ hội để đến thăm người chú thân thiết của mình. Tuy nhiên, một ngày nọ, tôi được mẹ kể rằng ông cụ đã vào viện dưỡng lão địa phương. Tôi vô cùng sốc trước thông tin này nên quyết định sắp xếp công việc để vào thăm.

Có 3 người con trai nhưng cụ ông vẫn bị bỏ lại

Sáng sớm hôm đó, tôi dậy từ sớm để chuẩn bị và bắt 1 chiếc taxi để đi thẳng đến viện dưỡng lão. Dọc đường đi, tâm trí tôi tràn ngập những hình ảnh về 1 người chú đáng kính. Do bố mẹ đi làm ăn xa, ông cụ đã chăm sóc tôi như con ruột. Lần gặp này, tôi có chút áy náy bởi đã lâu lắm rồi mới về thăm lại chú nhưng không phải ở nhà mà lại trong viện dưỡng lão.

Theo chỉ dẫn của nhân viên tại đây, tôi được đưa đến phòng của chú. Ngay khi nhìn thấy tôi, mắt ông cụ sáng lên. Chú nắm tay tôi và dẫn vào phòng.

Ngay khi vừa ngồi xuống, ông cụ đã nóng lòng hỏi về cuộc sống hiện tại của tôi và hỏi tôi sao không dẫn vợ đến. Tôi không ngần ngại chia sẻ về cuộc sống hiện tại của mình. Vẫn luôn là 1 người có suy nghĩ tích cực, chú đã an ủi tôi rằng cuộc đời luôn có những thăng trầm nên phải tin rằng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn đang chờ ở phía trước.

Sau đó tôi hỏi về việc lý do ông cụ bị đưa vào đây dẫu có đến 3 người con trai. Cụ ông bắt đầu chia sẻ những thăng trầm trong suốt 25 năm qua. Chú cho biết sau khi cậu con trai lớn đi du học và làm việc tại nước ngoài thì rất hiếm khi về. Thậm chí, ông cụ cũng không nhận được những cuộc điện thoại hỏi thăm từ người con của mình. Còn 2 người con trai của ông cũng từng đón bố lên thành phố chăm sóc. Tuy nhiên, sau thời gian ở lần lượt nhà các con, ông cảm thấy mình như người thừa trong gia đình.

Đến thăm người chú trong viện dưỡng lão, bất ngờ được cho hơn 300 triệu đồng, đến khi hiểu sự thật tôi đã bật khóc- Ảnh 1.

Ông giải thích rằng các con bận công việc nên ông chỉ có thể quanh quẩn trong căn hộ nên càng cảm thấy cô đơn. Thêm nữa, ông cảm thấy nhịp sống sinh hoạt của các thế hệ cũng có sự khác nhau nên quyết định vào viện dưỡng lão.

Chú tôi kể rằng thời gian đầu vào đây các con cũng thường xuyên đến thăm. Tuy nhiên, những lần gặp gỡ như vậy thưa dần. Trong suốt 1 năm qua, 3 người con của ông không 1 lần vào thăm. Đến 1 cuộc điện thoại, ông cũng không nhận được. Thực tế đó khiến ông vô cùng cô đơn và khao khao khát có người bầu bạn và chia sẻ những niềm vui hay nỗi buồn trong cuộc sống.

Sau nhiều năm không gặp, 2 chú cháu tôi đã ôn lại hàng loạt kỷ niệm năm xưa. Tôi nhìn thấy niềm vui trong mắt ông cụ khi nghe nhắc đến các câu chuyện quá khứ.

Lá thư trong chiếc phong bao đỏ

Sau gần 4 tiếng đồng hồ trò chuyện đã đến lúc tôi phải đi về. Khi chuẩn bị ra xe, chú liền rút trong túi ra 1 chiếc phong bao đỏ và nói tôi hãy cầm lấy.

Đến thăm người chú trong viện dưỡng lão, bất ngờ được cho hơn 300 triệu đồng, đến khi hiểu sự thật tôi đã bật khóc- Ảnh 2.

Sau khi trở về nhà, phải 1 tuần sau đó, tôi mới bóc phong bao đỏ ra. Tôi nghĩ trong đây chỉ có khoảng vài chục NDT. Thực tế, tôi đếm được tổng cộng 100.000 NDT (khoảng 342 triệu đồng). Kèm theo số tiền này, chú tôi còn viết 1 lá thư tay.

“Lý Khương à, chú vô cùng biết ơn vì con đã dành thời gian vào đây thăm ta. Thấy mọi người trong đây được con cái và người thân đến thăm chú cũng ước được như vậy. Nhưng các con của chú có lẽ đã không làm được. Chúng luôn nói lý do bận công việc hay đang đi công tác.

Đây là số tiền mà chú tiết kiệm được sau nhiều năm. Chú muốn cho con khoản tiền này như của để dành để sử dụng nếu lúc nào cuộc sống khó khăn. Nếu con ngại thì hãy nghĩ đơn giản rằng, chú muốn trả tiền công cho con vì đã vào đây thăm và nói chuyện với ta. Cảm ơn con rất nhiều, mong sẽ sớm được gặp con”, chú tôi viết trong lá thư.

Sau khi đọc xong toàn bộ bức thư, tôi đã bật khóc như 1 đứa trẻ. Sự việc này khiến tôi hiểu ra rằng ở những năm tháng cuối đời điều người cao tuổi cần nhất chính là sự đồng hành của gia đình. Được con cái gần gũi chăm sóc là một tài sản quý giá đối với họ. Sự đồng hành, chia sẻ của các con sẽ giúp các cụ ông, cụ bà bớt đi nỗi cô đơn và tâm lý bị bỏ rơi.

Hiểu được mong muốn của người chú, chỉ cách 1 tuần sau đó, tôi lại dẫn vợ con vào thăm chú lần nữa. Cứ như vậy, việc vào thăm chú đã trở thành 1 phần trong kế hoạch mỗi tháng của gia đình tôi. Mỗi lần như vậy, tôi thấy niềm vui trong ánh mắt của ông cụ. Thậm chí, các nhân viên của viện dưỡng lão còn nói rằng dạo này chú tôi khỏe ra và không còn buồn bã như trước.

Theo Đinh Anh

Cùng chuyên mục
XEM