Đến 2030, châu Âu dự định chấm dứt thời trang nhanh, chỉ cho nhập quần áo từ sợi tái chế được

31/12/2022 09:13 AM | Kinh doanh

Thời trang hiện nay đang đi theo đường thẳng với điểm đến cuối cùng là bãi phế thải. Châu Âu đang muốn thời trang vận hành theo đường tròn tuần hoàn: tất cả đều phải tái chế được.

Năm 2023 sẽ đánh dấu tròn 10 năm thảm họa sập nhà máy dệt may Rana Plaza ở Bangladesh. Kể từ sự kiện tiết lộ những góc tối của ngành may mặc ấy, báo chí đã liên tục nói về tính bền vững của thời trang. Đã có rất nhiều dữ liệu cho thấy tác động to lớn của sản xuất và tiêu dùng hàng may mặc lên môi trường và xã hội, bao gồm sự quản lý yếu kém trong sản xuất và tình trạng thải bỏ quần áo khi sử dụng.

Thời trang đang vận hành theo ‘đường thẳng’

Thời trang là một trong những ngành hủy hoại môi trường nhất, thải ra lượng khí CO2 ngang ngửa với ngành hàng không.

Theo Ủy ban châu Âu, mỗi năm có khoảng 5,8 triệu tấn hàng dệt may, tương đương với 11 kg/người bị vứt bỏ ở các nước Liên minh châu Âu (EU). Cứ mỗi giây lại có một lượng quần áo tương đương với một chiếc xe tải được chôn lấp hoặc đốt ở một nơi nào đó trên thế giới. Trong những năm 1995-2020, số lượng quần áo được mua đã tăng gấp đôi nhưng chất lượng và tuổi thọ lại giảm tới 36%.

Ngành thời trang toàn cầu hiện đang vận hành theo một hệ thống đường thẳng: sản xuất, mua, mặc, nhanh chóng vứt bỏ. Trong đó, lượng quần áo được tái chế chiếm chưa đầy 1%. Khoảng 87% trong số đó được chôn lấp hoặc đốt ngoài bãi rác.

photo-1672399814454

Tác động tiêu cực của ngành dệt may ngày càng gia tăng. Theo Cơ quan Môi trường Châu Âu, việc sản xuất quần áo, giày dép và hàng dệt gia dụng trở thành ngành phát thải lớn thứ năm trong tiêu dùng cá nhân. Mỗi năm, ngành này sử dụng hết 79 tỉ lít nước, tương đương với 20% mức tiêu thụ của cả thế giới.

EU muốn thời trang phải vận hành theo ‘đường tròn’

Vào năm 2022, Ủy ban Châu Âu đã thông qua một chiến lược chung về tính bền vững và tái chế được của hàng may mặc. Mục tiêu của chiến lược là đến năm 2030, quần áo đưa vào thị trường EU phải ‘bền vững’ và ‘tái chế được’. Thay vì chỉ đi theo đường thẳng với điểm kết thúc là ngoài bãi phế liệu, thời trang ở châu Âu sẽ phải đi theo vòng tuần hoàn để được tái chế và tái sản xuất.

Vải vóc phải tái chế được

Phần lớn quần áo phải được làm từ sợi tái chế, không chứa các chất độc hại và được sản xuất trên nguyên tắc tôn trọng môi trường và quyền lợi của người lao động. Chiến lược chung này nhằm giúp người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm quần áo chất lượng cao, dễ sửa chữa, giá cả phải chăng trong thời gian dài, đồng thời nâng cao phổ biến các dịch vụ sửa quần áo cũng như các hoạt động tái chế.

photo-1672399823753

Các nhà sản xuất quần áo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong suốt chuỗi giá trị, kể cả khi chúng đã trở thành phế liệu. EU kỳ vọng hệ sinh thái ngành dệt may ở đây sẽ phát triển mạnh, có đủ năng lực để tái chế và giảm thiểu tối đa việc đốt và chôn lấp quần áo. Theo đó, EU đề xuất các chương trình EPR (‘extended producer responsibility’, hay ‘trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất’) để hỗ trợ chi phí thu gom và tái chế hàng dệt may.

Quần áo cũng sẽ có ‘hộ chiếu’

Các quốc gia EU sẽ có thể đưa ra các sáng kiến như ‘hộ chiếu sản phẩm’ dưới dạng thông tin mã hóa để truy xuất quy trình sản xuất của quần áo một cách minh bạch. Tính minh bạch ở đây được coi trọng vì đến nay ngành dệt may vẫn sử dụng lao động giá rẻ ở các nước châu Á nghèo trong điều kiện lao động tồi tàn và nguy hiểm. Tại đây, nhà sản xuất tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí, ví dụ như thuê các tòa nhà không đủ tiêu chuẩn để chạy máy móc hạng nặng. Điển hình là trường hợp sập nhà máy dệt may ở Bangladesh vào năm 2013, khiến hơn một nghìn người thiệt mạng và hơn hai nghìn người bị thương. Sau thảm họa này, các phong trào như ‘Who made my clothes’ đã xuất hiện và lan tỏa khắp thế giới nhằm tìm hiểu, đào sâu nguồn gốc và đánh giá tính đạo đức của các sản phẩm thời trang.

Theo: Euractiv, Bankier

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM