Đến 2020 Nhà nước mới công khai báo cáo tài chính như doanh nghiệp, và chỉ công khai một phần

26/10/2016 11:50 AM | Xã hội

Theo Kho bạc Nhà nước, theo dự thảo nghị định ban đầu, thời gian thực hiện báo cáo tài chính Nhà nước là năm 2018, tức lập báo cáo theo năm ngân sách 2017. Tuy nhiên, thời gian này khá gấp gáp. Đại diện Kho bạc Nhà nước kiến nghị sẽ thực hiện báo cáo tài chính này vào năm 2020.

Theo dự thảo nghị định về báo cáo tài chính Nhà nước, Nhà nước sẽ công khai tình hình tài chính cũng giống như việc các doanh nghiệp đại chúng công khai báo cáo tài chính hàng năm.

Đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết việc lập và công khai báo cáo tài chính Nhà nước phải đến năm 2020 mới thực hiện được.

Theo dự thảo nghị định ban đầu, thời gian thực hiện báo cáo là năm 2018, tức lập báo cáo của năm ngân sách 2017. Kho bạc Nhà nước – một trong hai đơn vị chịu trách nhiệm lập báo cáo – cho rằng sẽ không kịp, đồng thời kiến nghị thực hiện báo cáo này vào năm ngân sách 2018. Tức là đến năm 2020 mới thực hiện việc lập và công khai báo cáo tài chính Nhà nước.

“Sau khi nghị định được thông qua, còn rất nhiều việc, từ việc đào tạo, tổ chức triển khai, thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm… Nếu thực hiện ngay trong năm ngân sách 2017 sẽ không kịp”, đại diện Kho bạc Nhà nước giải thích.

Liên quan đến việc công khai báo cáo tài chính Nhà nước, Kho bạc Nhà nước cho rằng: Theo kinh nghiệm các nước hiện nay, toàn bộ thông tin trên báo cáo tài chính Chỉnh phủ được công khai trên các ấn phẩm và mạng Internet.

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế của Việt Nam, hiện nay mới đang bắt đầu triển khai thực hiện lập báo cáo tài chính Nhà nước, việc công khai toàn bộ thông tin trên báo cáo có thể chưa phù hợp.

“Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định theo hướng công khai các thông tin chủ yếu trong báo cáo tài chính Nhà nước liên quan đến tài sản, công nợ, nguồn vốn, kết quả hoạt động và lưu chuyển tiền tệ của Nhà nước”, Kho bạc Nhà nước cho biết.

Theo dự thảo nghị định về báo cáo tài chính Nhà nước, báo cáo tài chính Nhà nước sẽ bao gồm 3 nội dung:

- Tài sản Nhà nước, bao gồm toàn bộ tài sản ngắn hạn và dài hạn do Nhà nước và các cơ quan quản lý, thực hiện thu, chi ngân sách Nhà nước các cấp; cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước các cấp… nắm giữ, quản lý và sử dụng: Tiền và các khoản tương đương tiền; các khoản phải thu; hàng tồn kho; đầu tư tài chính; cho vay; tài sản kết cấu hạ tầng; bất động sản, nhà xưởng, thiết bị…

- Nợ và các khoản phải trả khác của Nhà nước bao gồm toàn bộ các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn mà Nhà nước và các đơn vị trên có nghĩa vụ phải trả: Nợ phải trả của Chính phủ, nợ phải trả của các chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác.

- Nguồn vốn của Nhà nước bao gồm các quỹ; thặng dư thâm hụt lũy kế từ hoạt động tài chính Nhà nước, các khoản chênh lệch được ghi nhận trực tiếp vào nguồn vốn Nhà nước.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM