Đề xuất lập Ban chỉ đạo cấp cao phát triển logistics
Đề xuất lập cơ quan chỉ đạo cấp cao về phát triển logistics, các chuyên gia kỳ vọng xóa bỏ những rào cản...
Đề xuất lập cơ quan chỉ đạo cấp cao về phát triển logistics, các chuyên gia kỳ vọng xóa bỏ những rào cản nội tại, phân định rõ trách nhiệm các bộ, ngành trong việc hoàn thành cơ sở hạ tầng và mạng lưới dịch vụ đa phương thức.
Mất lợi thế vận tải thủy vì yếu logistics
Theo nghiên cứu khả thi cho Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam do đơn tư vấn Egis International thực hiện, tổng khối lượng vận tải hàng hóa năm 2015 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - TP.HCM - Đông Nam bộ đạt 125 triệu tấn, trong đó vận tải bằng đường thủy chiếm 73%, còn lại là đường bộ. Hiện, hàng hóa nơi đây tập trung vào 5 nhóm: Sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, vật liệu xây dựng, sản phẩm cây công nghiệp, sản phẩm công nghiệp nhẹ (dệt, da giày, gỗ...), thép và năng lượng.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc khu vực có lợi thế nhất cả nước về đường thủy lại đánh mất lợi thế này. “Vận tải bằng đường thủy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có phần phát triển kém hơn, dễ bị thay đổi bởi không có sự tập trung sản xuất hàng hóa và phát triển logistics”, ông Edwin Lock, Tư vấn trưởng Egis International nhận định.
Dự báo đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi hoặc gần gấp 3 lần nếu kinh tế phát triển tốt và hàng hóa vận tải bằng đường thủy sẽ vẫn chiếm tỷ lệ cao gấp đôi so với đường bộ. Tuy vậy, đến năm 2040 “cán cân” có thể sẽ thay đổi. Dự kiến đường bộ sẽ vận chuyển nhiều hơn đường thủy ở 3 nhóm hàng: Công nghiệp nhẹ (đường bộ đảm nhận hơn 9 lần), cây công nghiệp (hơn 4 lần), nông nghiệp và thủy sản (hơn 2 lần)...
Nguyên nhân của tình trạng này do sự phát triển của cơ sở hạ tầng nội địa chưa đáp ứng được sự tăng trưởng vận tải dự kiến. Quy hoạch các cảng chuyển tải nội địa ở khu vực phía Nam không đồng bộ với phát triển cảng biển. Các đề xuất mở rộng cảng cạn ICD mới chỉ tính đến kết nối với đường bộ, phụ thuộc vào mạng lưới đường bộ mà chưa tính đến vai trò tiềm năng của luồng hàng hóa vận tải thủy chuyên dụng hoặc đường sắt.
Bên cạnh đó, có nhiều loại chi phí ẩn đối với chủ hàng, như khi áp dụng điều kiện FOB (người bán hoàn thành trách nhiệm sau khi giao hàng qua lan can tàu) cho hàng từ cảng cạn ICD; có sự khác biệt về thuế và phụ phí xếp dỡ container 20 và 40 feet...
Đề xuất lập cơ quan chỉ đạo cấp cao
Theo ông Edwin Lock, khung chính sách về phát triển logistics hiện tại quá rộng, dễ bị thay đổi hoặc vướng mắc khi triển khai trong thực tế. Nguyên nhân cơ bản do có sự phân công vai trò và trách nhiệm cho nhiều bộ, ngành và các cấp hành chính theo chiều dọc.
“Cần có sự tập trung để tạo đầu mối chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Cụ thể, cần một cơ quan chỉ đạo cấp cao tạm thời, có thể trong 3 năm, để hoàn thành cơ sở hạ tầng và mạng lưới dịch vụ đa phương thức, để đảm bảo phát triển chiến lược logistics rõ ràng, hiệu quả”, ông Edwin Lock đề xuất.
Một giải pháp “mềm” khác được ông Edwin đề xuất là Nhà nước xem xét khuyến khích khởi nghiệp kinh doanh vận tải đa phương thức bằng chia sẻ rủi ro trong giai đoạn khởi nghiệp, khuyến khích hợp tác giữa các công ty logistics.
Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia trong nước đặt ra, bởi các hạn chế nội tại đối với doanh nghiệp trong nước đều đã được nhận diện, như thiếu sự kết nối cơ sở hạ tầng, chuỗi giá trị logistics khiến chi phí tăng cao. Doanh nghiệp logistics VN phần lớn là vừa và nhỏ, lại thiếu liên kết với nhau, với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; chưa có sự gắn bó để thúc đẩy chung cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, logistics là loại hình dịch vụ tổng hợp, mang tính liên ngành, việc quản lý đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành. Vì vậy, để bảo đảm sự thống nhất trong quản lý cũng như nhất quán giữa các quy định của pháp luật, cần thành lập Ủy ban Logistics quốc gia với các thành viên từ các bộ: Công thương, GTVT, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Thông tin và truyền thông, Khoa học và công nghệ…
Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải logistics VN nêu con số: Chỉ khoảng 25% thị phần logistics do doanh nghiệp nội chiếm lĩnh, còn lại là doanh nghiệp ngoại. Chủ tịch hiệp hội này cũng cho biết, gần 20 năm qua các doanh nghiệp logistics VN đã “tự bơi”, tự phát triển và hiện mới có một vài doanh nghiệp mạnh.
Nhấn mạnh quyết định của Thủ tướng về kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics VN đến năm 2025 (Quyết định số 200 ngày 14/2/2017) cho thấy, lĩnh vực này đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, ông Hiệp cũng cho rằng, cần tập trung nghiên cứu phát triển vào một đầu mối (có thể gọi là Ban logistics hoặc Trung tâm Phát triển logistics) gồm các công chức, chuyên gia để tư vấn hợp lý và sâu sát hơn cho các cấp quản lý trong chiến lược phát triển.
Theo Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt, có 60 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các hiệp hội doanh nghiệp chủ trì hoặc phối hợp thực hiện. Mục tiêu đến năm 2025, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.