Đề xuất: KOLs, mẹ bỉm sữa... muốn livestream Facebook, Youtube phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông
Nếu muốn sử dụng dịch vụ livestream hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức, các tài khoản mạng xã hội Facebook, Youtube và cả các mạng xã hội trong nước phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là một phần nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72...
Mới đây, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ (về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng) cùng Nghị định 27 năm 2018 (về sửa đổi, bổ sung Nghị định 72) đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến rộng rãi nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp hơn với thực tế, khắc phục những tồn tại, hạn chế; bắt kịp xu thế phát triển của Internet và các dịch vụ nội dung thông tin trên mạng.
Theo dự thảo, các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có 10.000 Followers/Subscribers trở lên phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông qua hình thức: Gửi báo cáo trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử.
Các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thực hiện thông báo. "Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông", dự thảo quy định.
Dự thảo này cũng yêu cầu các mạng xã hội chỉ cho phép các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được sử dụng dịch vụ livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.
Chủ tài khoản, chủ trang cộng đồng, chủ kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người sử dụng).
Đồng thời, có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình chậm nhất là 3 giờ kể khi có yêu cầu từ người sử dụng hoặc cơ quan quản lý.
Theo thống kê, một số mạng lớn của nước ngoài như Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, Youtube có khoảng 60 triệu và TikTok khoảng 20 triệu.