Đề xuất giá sàn vé máy bay nội địa: Hành khách sẽ chịu thiệt

04/10/2021 08:44 AM | Kinh doanh

Đề xuất chính sách giá sàn vé máy bay nội địa của Cục Hàng không đang gây những tranh luận trái chiều khi chính các hãng hàng không cũng không đồng nhất quan điểm. Với hành khách, chính sách này sẽ làm vé máy bay giá rẻ biến mất.

Mập mờ giá - phí

Theo quy định hiện hành về khung giá vé máy bay nội địa (Thông tư 17/2019 của Bộ GTVT), giá vé máy bay đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, trừ thuế, khoản thu hộ bên thứ 3 (như dịch vụ nhà ga, an ninh) và giá dịch vụ tăng thêm (nếu có). Theo đó, với dịch vụ tăng thêm, khách có quyền lựa chọn trả phí hoặc không. Trong đó, giá sàn là 0 đồng, giá trần tùy theo độ dài chặng bay và mục đích đường bay, tối đa từ 1,6 triệu đồng đến 3,75 triệu đồng/vé/chiều.

Thực tế, các hãng hàng không vẫn niêm yết giá vé máy bay bán ra trên thị trường với cách tính khác nhau, và khách phải bỏ ra cho hãng một khoản nhất định dù mua vé với bất kể giá nào. Trong giá vé các hãng đang công bố, tuỳ theo hãng, cơ bản có 3 phần, gồm giá vé máy bay và phí quản trị hệ thống (thuộc doanh thu hãng hàng không); phí thu hộ bên thứ 3 (thu hộ đơn vị khai thác sân bay, như phục vụ khách, an ninh, khoảng 100-120 nghìn đồng/vé/chiều); và thuế giá trị gia tăng (10%).

Mập mờ lâu nay nằm ở giá vé máy bay và phí quản trị hệ thống (hoặc quản lý hành khách) đều là phần tiền khách trả cho hãng hàng không ở mức tối thiểu để được bay, chưa chọn thêm dịch vụ khác tăng thêm. Trong khi theo Thông tư 17, phí quản trị hệ thống được tính cấu thành giá vé máy bay và các hãng bắt buộc khách phải trả khi mua vé, nên đây không phải là khoản dịch vụ tăng thêm khách có quyền lựa chọn hoặc không.

Để hút khách, các hãng thường công bố khuyến mại vé giá rẻ dưới 300 nghìn đồng/chiều, vài chục nghìn, thậm chí vé 1 đồng, 0 đồng. Tuy nhiên, khi khách chọn vé và thanh toán, số tiền khách trả phải lên tới trên 500 nghìn đồng/vé. Ngoài thuế cho nhà nước và thu hộ bên thứ 3, còn có phí quản trị hệ thống các hãng thu về cho mình ở mức 400-500 nghìn đồng/vé/chiều. Theo giải thích của các hãng hàng không, phí quản trị hệ thống là chi phí trả cho việc duy trì các hệ thống quản trị dữ liệu liên quan tới hành trình của hành khách, áp dụng cho tất cả khách mua vé qua kênh trực tiếp hay qua đại lý. Do không phải dịch vụ tăng thêm nên khách không có quyền chọn dùng hoặc không, mà bắt buộc phải trả. Vì thế, theo Thông tư 17, khoản phí quản trị hệ thống này phải được tính là giá vé máy bay. Do “mập mờ” không công bố hết giá vé như vậy, nên dù mua vé với giá nào và chưa cần tới giá sàn, khách vẫn phải trả 1 khoản “phí sàn”, và các hãng hưởng lợi từ khoản phí này. Vì sao tình trạng trên chưa được cơ quan quản lý nhà nước xử lý để minh bạch giá vé máy bay? Lãnh đạo Cục Hàng không cần sớm có câu trả lời.

Cần minh bạch trước khi có giá sàn

Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không tiết lộ, đằng sau câu chuyện vé khuyến mại là câu chuyện lợi nhuận. Với hàng không, vé khuyến mại đồng nghĩa với các điều kiện không (hoặc hạn chế) hoàn, đổi, trả. Vé khuyến mại thường được bán cách xa thời điểm chuyến đi, nên khách rất dễ bị thay đổi lịch, dẫn tới phải hoãn, đổi, huỷ và không được trả lại tiền, hoặc đổi phải mất thêm phí cao gần bằng mua vé mới. Với cách bán vé như vậy, các hãng sẽ hưởng lợi rất lớn từ vé khuyến mại (thực chất chưa hoàn toàn là khuyến mại). Với mỗi vé khuyến mại 0 đồng, khách phải bỏ ra hơn 500 nghìn đồng trả trước, vé khứ hồi khoảng 1 triệu đồng/khách, thêm tiền thu hộ nhưng khách không đi cũng không phải trả cho bên thứ 3. Do đó, trong điều kiện dịch COVID-19 vừa qua, mỗi khi bay được, các hãng hàng không đều chạy đua bán vé giá rẻ, vì nếu không bay được cũng chỉ trả lại tiền vé cho khách sau 90 ngày (vốn không lãi suất), hoặc bay được nhưng khách lo dịch bệnh không đi xem như “mất trắng” tiền.

Xâm phạm lợi ích của hành khách?

Theo Cục Hàng không, chi phí bình quân mỗi ghế chặng Hà Nội-TPHCM năm 2019 khoảng 1,5 triệu đồng (bằng 47% giá trần), nên đề xuất lấy giá sàn bằng 20% giá trần hiện hành. Với mức giá sàn này, đường bay Hà Nội - TPHCM/ Đà Lạt có giá sàn 640 nghìn đồng/chiều (chưa gồm thuế, phí); đường bay Hà Nội - Cần Thơ/Phú Quốc/Côn Đảo có giá tối thiểu 750 nghìn đồng/chiều (chưa gồm thuế phí)… Cục Hàng không cho rằng, giá sàn vé máy bay là giải pháp mang tính chất tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn do ảnh hưởng dịch COVID-19, đã được cân nhắc trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người tiêu dùng - các hãng hàng không - nhà nước.

Góp ý với đề xuất của Cục Hàng không, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Bamboo Airways ủng hộ phương án có giá sàn vé máy bay, mang lại lợi ích cho hãng. Trong khi đó, Vietjet và Vietravel Airlines không đồng thuận và cho rằng, giá sàn sẽ tác động tiêu cực tới hãng, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng, ảnh hưởng khả năng phục hồi của ngành hàng không và du lịch nội địa.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (Vaba) cho rằng, thực tế ở Việt Nam hay thông lệ hàng không quốc tế hiện không có vé giá 0 đồng vì còn các khoản thuế, phí, thu hộ. Tuy nhiên, các hãng của Việt Nam công bố giá vé khác nhau, có doanh nghiệp công bố giá gồm cả phí quản trị hệ thống/hành khách, có doanh nghiệp lại tách riêng chỉ khi thanh toán mới thấy, nhưng tổng tiền thanh toán như nhau.

“Để minh bạch điều này cần bàn tay điều tiết của Cục Hàng không. Dù công bố hình thức nào phải nói rõ, các hãng đều phải áp dụng như nhau để cạnh tranh công bằng, hành khách cũng biết rõ để không bị mua nhầm. Nên thống nhất quản lý về công bố giá vé máy bay, giá vé đã gồm phí hay chưa, khách phải trả gồm những gì. Lâu nay, vì mập mờ nên người dân mua vé 0 đồng cứ tưởng được lợi, nhưng hoá ra không phải vậy. Chưa có giá sàn nhưng đã có phí sàn, nên trước khi tính tới giá sàn, Cục Hàng không hãy minh bạch giá hiện nay”, ông Dũng nói.

Theo Chủ tịch Vaba, hiện giá vé máy bay vẫn chưa rõ quy chiếu, nên khó nói là cao hay thấp, cần giá sàn hay không. Còn về phía hành khách, không có giá sàn khách sẽ được lợi.

Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM