Đề xuất bỏ điều kiện kinh doanh 36 ngành nghề

10/10/2016 11:27 AM | Xã hội

Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh...

Sau nhiều đốc thúc từ phía các cơ quan của Quốc hội , Chính phủ vừa hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư , kinh doanh .

Tại tờ trình dự án luật, Chính phủ cho biết luật này sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan trực tiếp đến đầu tư, kinh doanh được quy định tại 12 luật hiện hành. Gồm các luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Quản lý thuế, Quảng cáo, Nhà ở, Khoáng sản, Điện ảnh, Đấu thầu, Quy hoạch đô thị.

Ba nhóm quy định được tập trung sửa đổi, gồm: ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các quy định có liên quan; thủ tục hành chính đang gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh; các quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Ở nhóm quy định thứ nhất, Chính phủ đề xuất bãi bỏ một số ngành, nghề không cần thiết, cập nhật, chuẩn xác tên gọi và hệ thống hóa một số ngành, nghề. Đồng thời bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phù hợp với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Theo đó, dự thảo luật bãi bỏ 36 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, hợp nhất 25 ngành, nghề vào 7 ngành, nghề, chuẩn hóa tên gọi của 36 ngành, nghề và bổ sung 12 ngành, nghề.

Như vậy, tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn 218 (giảm 49 ngành, nghề so với danh mục hiện hành).

Trong số 36 ngành nghề Chính phủ muốn bãi bỏ có các ngành nghề như: kinh doanh dịch vụ tổ chức lễ hội, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, kinh doanh thực hiện kỹ thuật mang thai hộ...

Đáng chú ý là kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã không còn được đề xuất bãi bỏ như tại dự thảo luật được công bố hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Tham gia xây dựng dự án luật, khi đề xuất bỏ ngành nghề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, các giao dịch mua bán nợ cũng như dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan tới các chủ thể tham gia, và hoàn toàn không có ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng.

Mà theo Luật Đầu tư thì điều kiện kinh doanh được áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng".

Phân tích từ VCCI cũng cho thấy, khung khổ pháp luật hiện tại đã đủ để điều chỉnh hoạt động mua bán nợ và dịch vụ mua bán nợ.

Nhưng, Hội đồng thẩm định dự án luật đề nghị cân nhắc không bãi bỏ các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vừa mới được Chính phủ ban hành nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó có kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Tại dự thảo luật mới nhất, kinh doanh mua bán nợ đã không còn được đề nghị bãi bỏ nữa.

Một số ngành nghề khác đã từng được cơ quan soạn thảo đề xuất bãi bỏ nay cũng đã trở lại vị trí ban đầu như, kinh doanh dịch vụ sát hạch lái xe; kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi ô tô, xe máy...

Đây cũng là những ngành nghề được hội đồng thẩm định đề nghị cân nhắc không bãi bỏ.

Bên cạnh các ngành nghề đề nghị bải bỏ, một số ngành nghề được chuẩn hoá tên gọi như kinh doanh trò chơi trên mạng sửa thành kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, hay kinh doanh dịch vụ đặt cược sửa thành kinh doanh đặt cược...

12 ngành nghề kinh doanh có điều kiện Chính phủ muốn bổ sung vào danh mục có kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư, kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hoả táng, kinh doanh dịch vị đăng ký, duy trì tên miền ".vn"....

Được Uỷ ban Kinh tế thẩm tra sơ bộ để trình uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 8/10, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh vẫn nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, từ chính các bộ có liên quan.

Sau cuộc tranh luận kéo dài đến tận gần 19h này, nhiều khả năng sẽ chỉ có danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện có thể được trình Quốc hội sửa đổi tại kỳ họp thứ hai tới đây mà thôi.

Theo Nguyên Vũ

Cùng chuyên mục
XEM