Để "tung cánh lên bầu trời", Công Phượng phải tự cắt "đôi cánh thiên thần" của mình thôi!
Công Phượng đã từng một lần rời vòng tay bầu Đức để "tung cánh" trên "bầu trời" Nhật Bản. Thất bại. Nhưng hơn bao giờ hết, đã đến Phượng phải "tập bay" thêm lần nữa!
1. Trên đất UAE, Công Phượng nói về ước mơ được "bay cao" của mình, rằng kha khá CLB Nhật Bản và châu Âu có lời mời, nhưng HAGL không đồng ý để anh ra đi. Nếu quả tình điều đó là sự thật, thì chắc hẳn bầu Đức vẫn muốn "đứa con" mà mình hết mức yêu quý nằm lại trong vòng tay mình, sau lần rời xa đầy sóng gió. Có thể bầu Đức yêu quý Công Phượng thật lòng, nhưng như thế liệu có là tốt cho Phượng, liệu có là công bằng cho Phượng?
Theerathon Bunmanthan - ngôi sao lớn của bóng đá Thái Lan đang chơi bóng ở Vissel Kobe cạnh siêu sao thế giới Iniesta, tâm sự rằng ngày mới đặt chân đến Nhật Bản, sau trận đấu, đôi chân anh không còn cảm giác nữa bởi quá mệt, không còn đủ sức. Ở Thái Lan Theerathon có thể chạy ngon lành cả trận, nhưng ở J.League, 60, 70 phút đã khiến đôi chân của ngôi sao Thái Lan rã rời đến suýt gục ngã.
Theerathon cũng tâm sự câu nói mà anh nhớ nhất của Iniesta với mình, câu nói đã làm vỡ ra nhiều thứ trong anh, khiến anh quyết tâm, nỗ lực để thành công, và đã thành công trên đất Nhật. Lần ấy, cầu thủ Thái Lan hỏi siêu sao Tây Ban Nha: "Anh có muốn tôi làm gì cho anh trong trận đấu không?". Iniesta đáp lại: "Tôi không muốn cậu phải làm gì đó cho tôi. Nhiệm vụ của cậu là thể hiện đúng phong cách của mình".
Điều mà Iniesta nói với Theerathon, đấy chính là sự chuyên nghiệp trong bóng đá. Trên sân, không cần ai phải làm gì cho ai, dù có là siêu sao đi nữa. Cách tốt nhất để giúp đồng đội, giúp đội bóng là làm tốt nhất công việc của mình, ở vị trí của mình và xuất sắc nhất có thể ở điều được HLV và cả đội kỳ vọng. Đấy mới là sự chuyên nghiệp.
Vẫn còn một điều rất đáng chú ý nữa trong những tâm sự của Theerathon với báo chí Thái Lan về những ngày đầu nhọc nhằn trên đất Nhật Bản của anh. Với anh, điều khiến anh bàng hoàng nhất khi đặt chân đến J.League không phải là lối đá với thể lực kinh hồn, hay sức ép trên sân khi phải chơi cạnh những siêu sao thế giới như Iniesta hay Lucas Podolski, mà chính là "Ở Nhật Bản, tôi không là gì cả. Không ai biết tới tôi".
Là một ngôi sao ở Thái Lan, là trung tâm của mọi sự chú ý ở quê nhà, nhưng trên đất Nhật, Theerathon là con số không tròn trĩnh cho đến lúc anh chứng minh được khả năng của mình. Theerathon nói rằng cú sốc ấy không làm anh gục ngã, nó chỉ khiến anh tự thiết lập lại bản thân, bắt đầu học hỏi tử tế về chiến thuật và kỹ thuật, cũng như lao vào tập luyện thể lực điên cuồng.
2. Công Phượng cũng đã từng đến Nhật, nhưng chắc hẳn chưa bao giờ có được cái cảm giác như của Theerathon, khi đôi chân mềm nhũn, chỉ chực gục ngã trong một trần cầu đỉnh cao, cũng chưa bao giờ được chơi bóng cạnh những siêu sao thế giới. Và đặc biệt, tiền đạo con cưng của bầu Đức chưa bao giờ nếm cú sốc của Theerathon - cú sốc "chẳng là gì cả".
Bởi Theerathon đến Nhật Bản theo một bản hợp đồng sòng phẳng, chỉ có duy nhất chuyên môn quyết định. Còn với Công Phượng, bản hợp đồng mà bầu Đức ký với đội bóng Nhật Bản sặc mùi thương mại. Công việc chính của Công Phượng trên đất Nhật không phải là đổ mồ hôi trên sân đấu, mà là khoác áo vest làm "đại sứ", tập luyện và... bán vé.
Bởi thế, dẫu có bơ vơ trên đất Nhật, nhưng Công Phượng vẫn được cưng nựng, được ưu ái như một ngôi sao, nhưng là ngôi sao nhuốm mùi showbiz, xúc tiến thương mại, chứ chẳng phải trong danh phận một cầu thủ, đến Nhật để học tập, để tìm kiếm cơ hội đào luyện, để vỡ ra những bài học mà "vùng trũng Đông Nam Á" cần phải tiếp xúc với những nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn để học hỏi, cảm nhận.
Trên"bầu trời" Nhật Bản, Công Phượng "bay" bằng "đôi cánh thiên thần" mà bầu Đức chắp cho anh. Nó kéo Phượng lên trên tầm cao mà anh có thể "đập cánh" tự nâng mình lên được.
Có lẽ bản thân Công Phượng cũng nhận ra điều đó. Đó cũng là lý do mãi cho đến tận Asian Cup, tiền đạo người Nghệ An này mới lại tỏa sáng, bởi dưới bàn tay của HLV Park Hang-seo, Công Phượng bắt đầu thoát ra khỏi "vũng lầy" là lối chơi được cả đội phục vụ như ở HAGL, như bầu Đức muốn. Trong tay HLV Park Hang-seo, Phượng biết chỉ có bản thân mình mới giúp anh vươn lên, chứ không phải những đồng đội bên cạnh.
Chẳng phải tự nhiên Công Phượng hé lộ câu chuyện mình rất muốn được rời HAGL để tìm kiếm thử thách. Ở tuổi 24, và với sự sắc sảo của mình, chắc hẳn Phượng hiểu hơn ai hết rằng nếu không thể thoát khỏi "vòng tay" của HAGL, của bầu Đức, anh sẽ mãi mãi chỉ là "chú bé vàng" của bóng đá Việt Nam, với danh hiệu duy nhất: "Cầu thủ được yêu thích nhất" từ bình chọn của người hâm mộ, bởi cái hình ảnh từ ngày U19 còn sót lại.
Mà cũng chẳng phải nhìn sang Thái Lan hay Nhật Bản, nhìn Chanathip hay Theerathon, cứ nhìn Quang Hải, Văn Hậu, ắt hẳn Công Phượng cũng đã phải chạnh lòng lắm rồi.
Công Phượng đã sẵn sàng để cắt đi "đôi cánh thiên thần" của mình, để chấp nhận những thử thách gian khổ phía trước để trưởng thành. Còn bầu Đức, liệu ông có thể mở rộng vòng tay để "đứa con cưng" được vỗ cánh chấp chới trên bầu trời mà nó đã chọn không?