Đẻ hai đứa cách nhau thật xa, sau này đứa lớn nuôi đứa nhỏ là suy nghĩ "không thể nuốt nổi"?
Câu chuyện "nuôi em" của một Gen Z vừa chia sẻ trong một group khiến cư dân mạng tranh cãi dữ dội.
Mới đây trong một hội nhóm của Gen Z, một cô bạn có tên viết là L.H.U đã chia sẻ bài đăng, kể lại chuyện bản thân thường xuyên bị bố mẹ nhà ở nhà nói về việc sau này lớn lên sẽ phải nuôi em. Ngoài bố mẹ, anh chị của Gen Z trong bài viết cũng có quan điểm tương tự, đồng thời khuyên rằng sau này khi đi làm cần phải nuôi em thay bố mẹ.
Về phía L.H.U, cô bạn Gen Z này lại khá mạnh mẽ, sẵn sàng đáp trả lại người lớn trong nhà về chuyện "Không phải nuôi, mà là hỗ trợ". L.H.U cũng đưa ra hàng loạt những dẫn chứng, quan điểm về việc không nhất thiết "chị" là phải "nuôi em" vì mỗi người có mỗi con đường riêng.
Tác giả bài viết cho biết: Tôi không thể xách đứa em ruột đi cùng tôi được. Tôi và em ấy, 2 người sẽ tự tạo dựng cho mình 2 cuộc đời khác nhau. Giả sử tôi nuôi em ấy, chúng tôi sống chung một nhà, tôi không muốn vì phải đưa em đi học xa mà lỡ công việc quan trọng ở công ty hay thay vì dự một sự kiện lớn tôi lại loanh quanh đi kiếm em nó về nhà vì lí do "giận dỗi gia đình".
Đây chắc chắn không phải trường hợp ít ở tuổi mới lớn và nó sẽ còn nghiêm trọng hơn khi em xem tôi là bia đỡ cho mọi công chuyện cá nhân của em.
Ảnh minh hoạ
Bài đăng nhanh chóng trở nên viral trên MXH với hàng loạt ý kiến trái chiều. Nhiều người dành lời khen cho L.H.U vì còn trẻ nhưng đã dám mạnh dạn thể hiện suy nghĩ, quan điểm của mình trước người lớn. Một số khác thì lại cho rằng có lẽ L.H.U cần thêm thời gian để hiểu chuyện thì mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Toàn bộ chia sẻ của L.H.U như sau:
"ĐẺ HAI ĐỨA CÁCH TUỔI THẬT XA, RỒI SAU NÀY ĐỨA LỚN SẼ NUÔI ĐỨA NHỎ"
Sau này có việc, có tiền rồi thì nuôi em con nhé!
Đây chính xác là những gì mẹ cố nói với một học sinh cấp ba như tôi trong những bữa cơm gia đình thường ngày. Tôi thấy rất khó chịu, còn bạn thì sao?
Nhà tôi có 2 chị em, tôi và đứa em cách tôi 11 tuổi. Gia đình tôi đủ ăn đủ mặc, có thể nợ nần nhưng không bao giờ là gánh nặng. Bên nội, ba tôi là con út. Gia đình tôi được các chú bác trong nhà thương dữ lắm, đặc biệt là hai chị em tôi - 2 cá thể ruột thịt cách nhau 11 năm duy nhất của nhà họ Lê. Con em *** **** của tôi được xem là nhỏ nhất họ, đó cũng là lí do cho những câu nói bắt nguồn từ tư tưởng phụ huynh: Đứa lớn nuôi đứa nhỏ. Nó thậm chí còn được nới rộng ra cho thế hệ anh chị em Gen Z nhà tôi, nhất là 2 ông anh sắp lấy vợ: "Đẻ 2 đứa thôi, xa tuổi một tí, sau này đứa lớn nuôi đứa nhỏ, mày đỡ cực con ạ". Không biết hai anh nghĩ gì nhưng thật sự tôi không thể nuốt nổi.
"Không phải là nuôi, mà là hỗ trợ" - tôi vẫn đang cố giải thích để ba mẹ hiểu ý này. Đem tư tưởng "nuôi em" vào đầu tôi để làm gì trong khi một cô bé 16 tuổi như tôi còn chưa ra trường, chưa kiếm được vài đồng bạc lẻ để nuôi thân? Tương lai, những bước đầu vào đời tôi sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cần thiết và đảm bảo nó không phải đổ nợ. Năm nó 25, 30 tuổi, tôi sẵn sàng giúp em nó 30 triệu, 300 triệu nếu em nó thực sự có thiện chí kinh doanh, đó tất thẩy là việc một người chị như tôi phải làm nếu thực sự có đủ khả năng. Nhưng, nó vẫn phải đi trên con đường của nó.
"Tôi không cho phép em ỷ lại vào kinh tế của tôi để có đủ một ngày ba bữa nếu em thừa khả năng làm điều đó".
Đây chắc chắn là câu nói đầu tiên mà tôi nói với đứa em ruột của mình nếu bản thân tôi kiếm được tiền. Thật vậy, cho dù có dư sức nuôi em nó tôi cũng không để em dựa dẫm quá nhiều vào đồng tiền của tôi. Ngay cả khi tôi có nhà riêng, tôi cũng không để em ở nhà tôi được. Vì nếu khi sự đủ đầy che mờ mắt em khiến em làm ra những điều tồi tệ thì khi đó phải trách tôi đã cho em một vỏ bọc quá an toàn chứ không thể trách em sao lại hư hỏng như thế.
Mặt khác, ai cũng có cuộc sống riêng, tôi không thể xách đứa em ruột đi cùng tôi được. Tôi và em ấy, 2 người sẽ tự tạo dựng cho mình 2 cuộc đời khác nhau. Giả sử tôi nuôi em ấy, chúng tôi sống chung một nhà, tôi không muốn vì phải đưa em đi học xa mà lỡ công việc quan trọng ở công ty hay thay vì dự một sự kiện lớn tôi lại loanh quanh đi kiếm em nó về nhà vì lí do "giận dỗi gia đình". Đây chắc chắn không phải trường hợp ít ở tuổi mới lớn và nó sẽ còn nghiêm trọng hơn khi em xem tôi là bia đỡ cho mọi công chuyện cá nhân của em. Dù cho tình chị em vĩ đại bao nhiêu, tôi cũng không thể ở cạnh bao dung và che chở cho em suốt được, em cũng có thể xem tôi là đồ ích kỉ. Nhưng tôi muốn, cả em và tôi đều sẽ có thể thoải mái phát triển con đường riêng mà không phải dè dặt vướng bận vì đối phương.
—---------------------
Biết sao giờ? Bố mẹ có thể không hiểu nhưng bạn có thể trao đổi vấn đề nhạy cảm trên với đứa em của mình. Nhưng trước hết, hãy kết nối và yêu thương nhiều hơn đứa em của mình đã nhé.
Một vài bình luận của cư dân mạng:
- Mình có đứa em trai nhỏ hơn 5 tuổi, và mẹ luôn nói với mình rằng sau này khi mẹ lớn tuổi hơn, không còn đủ sức kiếm tiền nữa thì mình sẽ là người thay mẹ nuôi nấng em mình. Đây là trách nhiệm của một người chị và cũng là cách để mình báo hiếu ba mẹ, không để 2 người phải vất vả tiếp nữa nên mình thấy chuyện này cũng bình thường. Chắc vấn đề nằm ở chỗ cách mẹ bạn truyền đạt điều này cho bạn nhỉ?
- Tôi tự nói với mẹ là sau này con sẽ nuôi em. Khi xin bố mẹ mua 1 khoá học 1 mình gần 1 triệu và bảo mẹ bố mẹ ráng đầu tư chất xám cho con đi, sẽ không hối hận đâu. Sau này nhờ chất xám đó con sẽ nuôi em. Mình không thấy áp lực, mình thấy trách nhiệm và rõ hơn về mục tiêu sống của mình thôi. Bạn nghĩ thoáng hơn nhé.
- Quan điểm cá nhân thôi nhé, mẹ cũng hay nói với mình như thế. Nhưng mà, cậu có nghĩ, đấy là lời động viên cậu cố gắng không nhỉ. Mình thì coi đó là động lực. Bởi mình sẽ không vì xuất phát điểm của mình thấp hơn các bạn khác mà để 2 đứa em mình phải chịu thiệt thòi.
- Anh mình hơn mình 11 tuổi, giờ mình cũng là sinh viên năm 2 rồi. Gia đình mình thì nghèo, nghèo hơn cả chữ nghèo, Mỗi lần xin tiền ba mẹ thì đều nói thiếu gì cứ hỏi anh. Rồi anh mình cũng nói để anh nuôi mình. Nhưng mình đã nói là mình không cần anh nuôi. Ba mẹ có thể cố gắng đảm đương cho mình được vì mình học 1 ngành không mất học phí. Mình đủ hiểu sự vất vả và gánh nặng của anh mình khi anh ấy có vợ, có con, sống ở nơi phố thành xa hoa, cái gì cũng đắt đỏ. So với việc mỗi tháng gửi cho mình 2 triệu rưỡi thì mình mong anh mình có một ngôi nhà của riêng mình hơn.
- Mình cách em mình 6 tuổi, không chỉ là người lớn nói mà đôi khi mình cũng tự đứng trước cả nhà, trước mặt em và bảo là "sau này nuôi em". Mình không có nghĩ sâu xa như bạn, cái suy nghĩ hình thành trong đầu mình để mình nói ra được lời này đơn giản chỉ là bớt cho ba mẹ một phần gánh nặng thôi. Nói gánh nặng cũng không phải, em cũng là máu mủ ruột thịt của mình nên việc chăm sóc và nuôi em cũng chỉ là bổn phận của một người chị đi trước nó gần 1 chục năm thôi à.
Về phần mình, bạn có đồng ý "nuôi em" hay không?
Nguồn: Tổng hợp