Để gánh nặng ngừa thai không đè lên vai phụ nữ, Mỹ sáng chế ra loại thuốc giúp đàn ông "vô sinh tạm thời", ngăn chặn hiệu quả 1,2 tỷ "tinh binh" mỗi lần "xuất xưởng"

17/02/2023 15:58 PM | Sống

Loại thuốc này không chỉ giúp tránh thai ngắn hạn ở nam giới mà còn không gây ra các tác dụng phụ như thuốc nội tiết tố.

Tờ Science Line dẫn chứng kết luận từ Đại học New York cho thấy, đàn ông trưởng thành và có sức khỏe tốt trung bình sẽ giải phóng được 40 triệu đến 1,2 tỷ tinh trùng đối với mỗi lần xuất tinh. Vì vậy, để tìm ra một loại thuốc có khả năng tránh thai ở cánh mày râu luôn trở thành đề tài thách thức giới y khoa.

Theo một nghiên cứu được công bố hôm thứ Ba (15/2) bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Weill Cornell ở Thành phố New York, một loại thuốc tránh thai thử nghiệm có hiệu quả trong việc tạm thời vô hiệu hóa tinh trùng ở chuột đực, đưa khoa học tiến một bước gần hơn đến việc phát triển một loại thuốc tránh thai tác dụng nhanh, ngắn hạn. cho nam giới.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học cho chuột đực uống một liều hợp chất tạm thời ức chế adenylyl cyclase hòa tan (sAC) - enzym cần thiết để kích hoạt khả năng bơi và trưởng thành của tế bào tinh trùng để nó có thể di chuyển qua đường sinh dục nữ và thụ tinh cho trứng.

Nghiên cứu cho thấy những con chuột đực được điều trị bằng hợp chất này thể hiện hành vi giao phối bình thường nhưng con cái không mang thai, trong khi những con chuột đực được cho dùng giả dược lại khiến bạn tình của chúng có thai 30%.

Để gánh nặng ngừa thai không đè lên vai phụ nữ, Mỹ sáng chế ra loại thuốc giúp đàn ông "vô sinh tạm thời", ngăn chặn hiệu quả 1,2 tỷ "tinh binh" mỗi lần "xuất xưởng" - Ảnh 2.

Nghiên cứu hi vọng một ngày nào đó đàn ông sẽ có thể dùng thuốc tránh thai để mang lại sự bình đẳng trong sinh sản cho cả hai đối tác

Được biết, chuột đực được uống chất ức chế sẽ duy trì "tình trạng vô sinh tạm thời" trong vòng 2,5 giờ. Các tinh trùng khôi phục khả năng vận động sau 3 giờ. Trong vòng 24 tiếng, các con chuột đực đã có thể lấy lại khả năng sinh sản, không có tác dụng phụ.

Trong một email gửi cho Yahoo News, các đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Lonny Levin, Tiến sĩ Jochen Buck và Tiến sĩ Melanie Balbach, cho biết có một số điểm chính từ nghiên cứu của họ.

"Đầu tiên là biện pháp tránh thai dành cho nam giới là một mục tiêu có thể đạt được. Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng về khái niệm rằng một ngày nào đó một người đàn ông sẽ có thể dùng thuốc tránh thai để mang lại sự bình đẳng sinh sản cho cả hai đối tác", tiến sĩ Levin nói.

Theo cơ quan sức khỏe sinh sản và tình dục của Liên Hợp Quốc, gần một nửa số ca mang thai là ngoài kế hoạch, với gánh nặng ngăn ngừa mang thai đè lên vai phụ nữ một cách không cân xứng. Nghiên cứu lưu ý rằng trong nhiều năm, bao cao su và thắt ống dẫn tinh là những lựa chọn ngừa thai duy nhất của nam giới, nhưng phương pháp tránh thai mới có khả năng mang lại sự bình đẳng giữa hai giới và giống như sự ra đời của biện pháp tránh thai bằng thuốc uống cho phụ nữ - cuộc cách mạng hóa kế hoạch hóa gia đình.

Đặc biệt, các tác giả lưu ý nghiên cứu không sử dụng nội tiết tố. Như vậy, thuốc không có tác dụng phụ như các loại thuốc tránh thai thông thường. Theo tiến sĩ Levin, đàn ông dè dặt với thuốc tránh thai đường uống bởi họ lo ngại tác dụng phụ ảnh hưởng chất lượng tinh trùng.

Để gánh nặng ngừa thai không đè lên vai phụ nữ, Mỹ sáng chế ra loại thuốc giúp đàn ông "vô sinh tạm thời", ngăn chặn hiệu quả 1,2 tỷ "tinh binh" mỗi lần "xuất xưởng" - Ảnh 3.

Thuốc tránh thai ở đàn ông luôn là bài toán thách thức các nhà khoa học thế giới

Thuốc nội tiết tố có hiệu quả ngừa thai khoảng 94% trong các thử nghiệm lâm sàng, nhưng bị loại bỏ do tác dụng phụ, chẳng hạn mụn trứng cá và thay đổi tâm trạng.

Các chuyên gia đang tiếp tục thử nghiệm chất ức chế sAC ở thỏ, loài có hệ thống sinh sản tương tự như con người.

"Chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở người sau hai đến ba năm nữa. Thông thường, giai đoạn đầu tiên của thử nghiệm sẽ chỉ tập trung vào tính an toàn. Lợi thế của chúng tôi là có thể kiểm tra xem chất ức chế sAC có ngăn chặn khả năng di chuyển của tinh trùng ở người hay không ngay ở giai đoạn đầu", tiến sĩ Melanie Balbach, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Cũng theo Balbach, giả sử mọi việc suôn sẻ, "Chúng tôi hy vọng sẽ có một viên thuốc trên kệ sau sáu đến tám năm nữa."

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM