‘Đế chế’ Thành Thành Công sẽ ra sao nếu Chủ tịch Đặng Văn Thành trở về Sacombank?

12/04/2017 11:03 AM | Kinh doanh

5 năm sau biến cố, Chủ tịch TTC, Đặng Văn Thành đang đứng trước cơ hội rất lớn để trở lại ghế Chủ tịch Sacombank. Liệu đây có là bước ngoặc tạo nên bàn đạp giúp TTC tiếp tục mở rộng M&A và trở thành một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam?

Cửa Sacombank rộng mở…

Gần đây, thông tin về 2 nhóm nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông lớn tham gia vào đề án tái cơ cấu ngân hàng Sacombank. Trong đó, một là phía liên quan đến Tập đoàn kinh doanh địa ốc Novaland và phía còn lại liên quan đến ông Đặng Văn Thành - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank.

Đáng chú ý nhất là thông tin được đưa ra hồi cuối tháng 3/2017, Novaland xin tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank thông qua đề xuất mua 20% cổ phần hiện hữu của Sacombank cũng như chuẩn bị ứng cử nhân sự quản trị, điều hành…Thông tin trên đã khiến cổ phiếu STB đang niêm yết trên sàn chứng khoán Tp. HCM (HOSE) dậy sóng.

Tuy nhiên, thông tin từ VnEconomy hôm 06/4 tiết lộ, Novaland đã có quyết định rút lại kế hoạch trên, không xin tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank nữa. Quyết định trên được ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Novaland Group giải thích là do nhận thấy quá phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và rất nhiều vấn đề khó khăn khác.

Sau khi Novaland chính thức rút lui, sự lựa chọn cho đề án tái cơ cấu Sacombank trước mắt tập trung về nhóm nhà đầu tư thứ hai là ông Đặng Văn Thành và bên liên quan gồm nhà đầu tư nước ngoài Evercore Group và Redsun Capital Limited. Nguồn tin của TBKTSG cho biết, theo văn bản gửi NHNN, trước tiên nhóm này sẽ ‘bơm’ vào Sacombank số tiền lên đến 20.600 tỷ đồng theo hình thức vốn góp mới để trở thành cổ đông chi phối. Ông Thành và các đối tác cũng được cho là có cơ hội hơn so với phía Novaland vì có kinh nghiệm trong ngành này.

Lớn nhanh cùng sự hậu thuẫn của Sacombank

Nói đến sự trở lại của ông Thành lần này, cùng với 2 đối tác nước ngoài là Evercore Group và Redsun Capital Limited. Hiện vẫn chưa rõ là ông Thành sẽ góp bao nhiêu vốn trong đề án lần này. Tuy nhiên, tỷ lệ bao nhiêu thì đó cũng lệ thuộc vào tiềm lực tài chính của gia đình mà cụ thể là ‘Đế chế’ Thành Thành Công (TTC) mà ông cùng gia đình tập trung gầy dựng từ nhiều năm.

Tập đoàn TTC ra đời từ những năm 1979 với ngành nghề kinh doanh ban đầu là chuyên sản xuất kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ đường dùng trong sản xuất bột ngọt, cồn, men thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc.

Tuy nhiên, TTC chỉ tăng trưởng mạnh kể từ giai đoạn 2006-2007 đúng vào giai đoạn hoạt động ngân hàng Sacombank ở thời kỳ đỉnh cao. Lúc đó, cổ phiếu Sacombank cũng được đưa lên sàn chứng khoán giao dịch với sự chào đón rất nồng nhiệt từ các nhà đầu tư.

Trong vòng 4 năm, từ 2006 đến 2010, TTC tăng vốn từ 50 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Năm 2010 cũng là thời điểm mà các công ty thuộc TTC Group mua lại gần 97 triệu cổ phần CTCP Mía Đường Bourbon Tây Ninh (SBT), một doanh nghiệp hàng đầu ngành mía đường tại Việt Nam của tập đoàn Bourbon đến từ nước Pháp, đánh dấu tham vọng của TTC trong việc chiếm lĩnh ngành mía đường.

TTC bằng sự hỗ trợ của nguồn tín dụng đã đi lên như diều gặp gió. Sự phát triển nhanh chóng của TTC trong thời kỳ đó có phần nhờ sự hỗ trợ đắc lực của nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt là Sacombank, nơi ông Thành giữ chức chủ tịch.

Quyết không từ bỏ ngân hàng

Tuy nhiên, đến năm 2013, một sự kiện bất ngờ đã diễn ra chính là việc ông Thành bị buộc rời khỏi ghế chủ tịch Sacombank nhường chỗ cho thế lực khác. Thậm chí, ông và con trai là Đặng Hồng Anh mất luôn cả 80 triệu cổ phần, tương đương 7,4% vốn của Sacombank.

Nguyên nhân được ban điều hành mới đưa ra là để cấn trừ vào các khoản cho vay, đầu tư cổ phiếu và các khoản khác mà nhóm công ty thuộc nhóm TTC đang thiếu tại Sacombank. Cụ thể, có khoảng gần 172 tỷ đồng từ công ty Tín Việt; trên 678 tỷ đồng tại Sacomreal; hơn 329 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Sacomreal; 18 tỷ đồng cho vay Thành Thành Công; khoảng 192 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Thành Thành Công; hơn 148 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu công ty Đặng Huỳnh; gần 59 tỷ đồng cho vay công ty Thành Ngọc.

Đổi lại, TTC đã chuyển hóa các khoản nợ đó tài sản. Tạo ra một khởi đầu mới cho sự phát triển sự nghiệp của ông cùng gia đình.

Sau khi bị chiếm mất ghế Chủ tịch Sacombank, có vẻ như khát khao trở lại ngành ngân hàng của gia đình nhà họ Đặng có vẻ như chưa bao giờ dứt. Và dĩ nhiên, muốn trở lại phải có một thực lực, TTC chính là trọng tâm để ông nuôi dưỡng tham vọng đó.

Điều đó phần nào thể hiện qua sự gia tăng hiện diện của TTC trên khắp các mặt trận chỉ một thời gian ngắn sau khi rời Sacombank. TTC cùng với hệ thống của mình đã liên tục tăng vốn và mở rộng hoạt động đầu tư. TTC không đơn thuần chỉ hoạt động trong ngành mía đường mà phân bổ nguồn lực vào 5 lĩnh vực chính bao gồm: Bất động sản, Năng lượng, Mía đường, Giáo dục, Du lịch, Nông sản. Theo thông tin từ TTC, tính đến 31/12/2015, tập đoàn này có vốn điều lệ 11.371 tỷ, quy mô doanh số năm 2015 là 15.405 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.114 tỉ đồng.

Hiện TTC có 26 công ty thành viên, 01 công ty hạt nhân là Đầu tư Thành Thành Công và 03 công ty liên kết. Trong đó, chỉ một số DN đang niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán như: Sacomreal (SCR), Du lịch Thành Thành Công (VNG), Đường Biên Hòa (BHS), Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), CTCP Điện Gia Lai (GEG),…

Các khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của TTC thông qua những công ty lớn như Sacomreal, Toàn Thịnh Phát, Đặng Huỳnh, Toàn Hải Vân, Thành Thành Nam, In Thanh Niên…Trong năm 2016, TTC rót khoảng gần 600 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược, sở hữu 35% vốn của Tổng công ty Tín Nghĩa.

Ngoài ra, TTC cũng được cho là đã đàm phán mua lại mảng mía đường của HAGL trong năm ngoái, thương vụ này theo TBKTSG vào khoảng 2.200 tỉ đồng. Đến đầu năm 2017, công ty thành viên là VNG cũng vừa tăng vốn từ 130 tỷ đồng lên hơn 750 tỷ đồng từ nguồn phát hành thêm. Đó là những căn cứ cho thấy sự sốt sắng của TTC trong việc thúc đẩy tăng trưởng, làm bàn đạp để trở về với ngành ngân hàng.

Mối quan hệ tương sinh - TTC sẽ thịnh vượng khi Chủ tịch về lại Sacombank?

Hiện nay, vốn điều lệ của tập đoàn này hiện đã tăng gấp hơn 11 lần so với 6 năm trước. Tuy nhiên, song song với sự tăng trưởng thần tốc qua tăng đầu tư trong thời gian ngắn, và mặc dù không công bố báo cáo tài chính, nhưng thông qua hàng loạt thương vụ đầu tư và các công ty trên sàn cho thấy TTC đang gia tăng nợ vay đáng kể.

Trong một cuộc nói chuyện với 500 doanh nhân trẻ tại sự kiện “Chiến lược đến thực thi và trải nghiệm thương trường”, ông Thành cho rằng: “Muốn doanh nghiệp lớn nhanh thì mua bán và sáp nhập (M&A) là một chiến lược được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi sự chuyển động nhịp nhàng của dòng tiền để có thể điều khiển toàn hệ thống một cách trơn tru…”

“Làm ăn mà không vay tiền mới là lạ, chờ tích lũy vốn để phát triển thì lâu lắm,” ông Thành nói.

Thực tế cũng cho thấy rằng, tín dụng đóng vai trò như là huyết mạch đối với sự vận động của TTC. Hiện nhiều công ty thành viên chủ chốt của TTC đang nợ vượt qua vốn CSH. Trong nhóm ngành đường, SBT đã có mức tăng nợ/vốn chủ sở hữu từ mức 0,55 lần trong năm 2012 đã lên 1,48 lần trong năm 2016 (nợ vay ngân hàng hơn 3.750 tỷ đồng, chiếm khoảng 86% tổng nợ).

Một công ty khác là BHS cũng không khác so với SBT, BHS mặc dù tăng vốn hơn gấp chục lần so với 5 năm trước nhưng tỷ lệ nợ trên vốn vẫn ở mức 1,65 lần. Tổng nợ vay của TTC đến gần 3.300 tỷ đồng, chiếm gần 88% tổng nợ.

Trong khi đó, VNG dù gây tiếng vang khi đầu tư lớn vào du lịch nhưng hiệu quả thì chưa thấy rõ, nợ cũng đã vượt vốn chủ sở hữu. Đối với Sacomreal, dù đã qua giai đoạn khó khăn những năm trước nhưng theo báo cáo tài chính năm 2016, nợ vay ngắn và dài hạn của công ty này đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015 lên gần 1.300 tỷ đồng.

TTC đã tăng trưởng thần tốc trong những năm qua. Nhưng đâu đó vẫn cho thấy vấn đề riêng họ khi đầu tư vốn quá lớn và nhiều công ty trong thời gian quá nhanh. Theo nhận định của của một chuyên gia kinh tế, rủi ro đến với các tập đoàn đa ngành như TTC chính là dùng đòn bẩy tài chính quá lớn phân tán vào những hoạt động chậm thu hồi vốn. Trong khi, những lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp hay hạ tầng không phải là khoản đầu tư một sớm một chiều có thể hoàn vốn ngay. Còn đối với thị trường bất động sản, khi hưng phấn có thể thu tiền nhanh nhưng rủi ro là rất lớn nếu sử dụng vốn vay lớn.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những dự báo mang tính học thuật. Cục diện có thể hoàn toàn khác nếu Chủ tịch TTC về lại mái nhà xưa, giống như giai đoạn TTC được Sacombank tài trợ nguồn vốn lớn trước lúc ông Thành mất ghế.

5 năm sau biến cố, Chủ tịch Đặng Văn Thành đang đứng trước cơ hội rất lớn để trở lại Sacombank hơn bao giờ hết. Liệu đây có thể là bước ngoặt giúp TTC tiếp tục con đường M&A và là bàn đạp giúp TTC trở thành một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam?

Theo Huy Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM