Đế chế DHL - 50 năm nhìn lại : Nơi cất lên "tiếng nói tân kỳ" cho ngành chuyển phát, ba chàng ngự lâm sáng lập từng cưỡi xe Plymouth Duster đi du thuyết khắp nơi và bị FBI theo dõi do "nghĩ điên làm chất" !
Khi ai đó cần chuyển phát nhanh thư từ hay hàng hóa quốc tế, họ thường nghĩ: "Gửi DHL đi". Thành công lớn nhất của DHL sau 50 năm gây dựng thương hiệu chính là sự lan truyền của câu nói quen thuôc đó.
Ba chàng ngự lâm khai sinh thương hiệu "người vận chuyển" toàn cầu
DHL là công ty đầu tiên trong lĩnh vực chuyển phát nhanh toàn cầu. Công ty được thành lập năm 1969 bởi Adrian Dalsey, Larry Hillblom và Robert Lynn. Riêng người đàn ông đóng góp chữ "H" trong tên mình vào thương hiệu toàn cầu này đã tử nạn máy bay và con riêng của ông với một phụ nữ Phan Thiết nhận thừa kế.
Larry Hillblom từng theo học ngành Luật tại Đại học California vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX. Ông vừa học vừa làm part-time tại công ty bảo hiểm Michael’s, Poe&Associates (MPA). Việc thường ngày của ông là vận chuyển hàng hóa hành khách liên tục giữa sân bay quốc tế Oakland và sân bay quốc tế Los Angeles từ sáng sớm đến tối muộn.
Dịch vụ của MPA giúp giảm thiểu gánh nặng hành lý đối với hành khách trên các chuyến bay, đồng thời cũng giúp chuyển phát nhanh các hàng hóa không vận từ Hoa Kỳ đi các nước hoặc trong nội địa Hoa Kỳ. Kiến thức về mảng logistics hàng không của Larry Hillblom dần được tích lũy theo năm tháng.
Sau khi tốt nghiệp, Hillblom nuôi ý định khởi nghiệp và rủ rê thêm hai nhân viên kinh doanh của MPA là Adrian Dalsey và Robert Lynn. Ba người cùng lập kế hoạch mở công ty mới mang tên DHL - ba chữ cái đầu tên của Hillblom, Dalsey và Lynn, với kỳ vọng mở rộng hơn nữa ngành kinh doanh từ xuất phát điểm của MPA.
Cách "chơi trội" trong lĩnh vực vận tải vốn thường bảo thủ gây ra biết bao chú ý cho cộng đồng. Đặc biệt, chính phủ Hoa Kỳ từng biệt phái một số nhân viên FBI "nằm vùng" trong DHL để điều tra hoạt động gián điệp hay làm ăn phi pháp.
Cất lên "tiếng nói tân kỳ" cho ngành vận tải - chuyển phát và từng bị FBI theo dõi do thích "chơi trội"
Ngành vận tải hàng hóa ở Hoa Kỳ bấy giờ phát triển khá nhanh nhờ những phát minh mới trong ngành đóng tàu, container và chính sách thuế quan. Tuy nhiên thủ tục phối hợp vẫn chưa đồng bộ, các thương thuyền thường cập cảng trước, sau đó bộ chứng từ từ người gửi mới đến cảng. Độ trễ có khi đến cả tuần, làm phát sinh thêm chi phí cho bên gửi lẫn bên nhận.
Trước nan đề của ngành ngành vận tải - chuyển phát, DHL xuất hiện và cất lên một "tiếng nói tân kỳ" . Ba nhà sáng lập bắt đầu rong ruổi khắp San Francisco trên chiếc Plymouth Duster để chào mời khách hàng và tiếp nhận các chứng từ hàng hóa, sau đó gửi chúng đến các cảng và thành phố khác bằng máy bay.
Khoản chi phí đầu tư không quá lớn nhưng tính thanh khoản lại cao vì vé máy bay được họ mua bằng các tài khoản tín dụng và khách hàng của họ thường thanh toán ngay sau khi nhận chứng từ.
Tuyến vận chuyển đầu tiên DHL khai thác là đường bay từ San Francisco đến Honolulu (Hawaii – Hoa Kỳ). Đây là một trong những tuyến thương hải nhộn nhịp nhất của Hoa Kỳ được áp dụng những tiêu chuẩn vận tải container trên biển nghiêm ngặt.
DHL sẵn sàng mua lại các vé máy bay từ hành khách nếu họ muốn hủy chuyến hoặc đổi chuyến bay. Giấy tờ chứng từ sẽ vận chuyển theo các suất bay nhượng lại đó. Điều này giúp tiết kiệm chi phí cho DHL trong khoảng thời gian dài và giảm lãng phí cho các hãng hàng không.
Cách "chơi trội" trong lĩnh vực vận tải vốn thường bảo thủ gây ra biết bao chú ý cho cộng đồng, đến mức mà chính phủ Hoa Kỳ phải biệt phái một số nhân viên FBI "nằm vùng" trong DHL để điều tra hoạt động gián điệp và làm ăn phi pháp.
Năm 1990, DHL ký kết hợp đồng quốc tế với các hãng bay tầm cỡ như Lufthansa Cargo, Japan Airlines và Nissho Iwai, lập nên liên minh đầu tiên về vận chuyển trên toàn cầu Global Transport Allience
Thái dương không bao giờ tắt trên "đế quốc" chuyển phát DHL
DHL hiện có trụ sở chính ở Bonn, thủ phủ cũ của chính quyền Tây Đức. Số nhân viên toàn cầu vào năm 2019 là 500.000 người. Trong nửa thế kỷ hoạt động, DHL luôn tạo ra những bước đột phá về chính sách lẫn khoa học kỹ thuật. Có nhiều đối tác đồng hành cùng DHL từ lúc khai cơ lập nghiệp cho đến ngày hôm nay
Giữa thập niên 1970, DHL góp phần thúc đẩy cuộc cải cách ngành bưu chính viễn thông ở Hoa Kỳ, nhấn mạnh các dịch vụ mang giá trị gia tăng.
Trước khi hệ thống chuyển tiền điện tử ra đời, khách hàng phải sử dụng DHL trong việc chuyển những ngân phiếu trị giá hàng triệu USD. Mạng lưới của DHL phát triển nhanh chóng trải dài từ Hawaii đến vùng Viễn Đông và vùng ven Thái Bình Dương, sau đó lan tỏa ra vùng Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Năm 1979, công ty cho ra đời máy xử lý văn bản đầu tiên trên thế giới (tên là DHL 1000), tạo ra cuộc cách mạng trong việc xử lý các đơn yêu cầu và dữ liệu. Năm 1983, DHL cũng là công ty đầu tiên giới thiệu hệ thống theo dõi "track and trace", giúp khách hàng có thể theo sát lộ trình của hàng hóa đang chuyển phát. Năm 1986, DHL đặt chân lên thị trường Trung Quốc.
Như vậy, tương tự Đại Anh Đế quốc của thế kỷ XVIII - XIX, thay vì sở hữu hệ thống thuộc địa, các văn phòng của DHL cũng chứng kiến niềm tự hào "ánh thái dương không bao giờ tắt".
Năm 1990, DHL ký kết hợp đồng quốc tế với các hãng bay tầm cỡ như Lufthansa Cargo, Japan Airlines và Nissho Iwai, lập nên liên minh đầu tiên về vận chuyển trên toàn cầu Global Transport Allience. Từ vị trí tiên phong trong lĩnh vực chuyển giao tài liệu khẩn đến mọi nơi trên thế giới, công ty mở rộng sang những hàng hóa khác.
DHL bắt đầu hợp tác với những sàn thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian gần đây
Sáp nhập để mạnh hơn và góp mặt vào cuộc chiến thương mại điện tử toàn cầu ở "mặt trận châu Á - Thái Bình Dương"
Năm 1998, Deutsche Post AG của Đức trở thành cổ đông chính của DHL và điều này dẫn đến việc DHL được Deusche Post World Net (DPWN) sở hữu hoàn toàn. Năm 2003, DPWN sáp nhập tất cả mọi dịch vụ chuyển phát và giao nhận của mình (trong đó có Danzas và Securicor Omega) vào trong thương hiệu DHL quốc tế.
Tại Việt Nam, DHL hoạt động trên cơ sở hợp đồng đại lý với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam – nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) từ năm 1988.
Năm 2007, VNPT và DHL thành lập liên doanh DHL - VNPT Express với thị phần hoạt động chiếm khoảng 40% toàn thị trường vận chuyển nhanh hàng hóa. DHL sở hữu nhiều trung tâm tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và sở hữu đội xe vận chuyển vượt xa so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Gầni đây nhất là vào giữa năm 2018, DHL Express bổ sung chiếc máy bay mới Airbus A330-300, có tải trọng 61 tấn, vào mạng lưới châu Á – Thái Bình Dương, phục vụ cho các thị trường phát triển nhanh của Malaysia, Việt Nam và Hồng Kông với sức tải vận chuyển thêm 33% trên mỗi chuyến bay.
Ông Ken Lee - Giám đốc điều hành của DHL Express Châu Á-Thái Bình Dương đã phát đi thông điệp đậm tính thị trường ngay sau đó : "Thương mại điện tử dự kiến sẽ tạo ra tổng doanh số bán lẻ khoảng 1,365 nghìn tỉ USD trong năm 2018 trên toàn châu lục. Việc đưa vào khai thác máy bay A330-300 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cải tiến các tiêu chuẩn dịch vụ của chúng tôi nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp thương mại điện tử và các doanh nghiệp khác đang bước vào tăng trưởng thương mại ở khu vực Châu Á"