Để chấm dứt cơn khủng hoảng mang tên 'thiếu thời gian', thay vì 'cố làm thêm', hãy 'ngồi nghĩ lại' nào bạn trẻ!
Bạn có bao giờ cảm thấy quỹ thời gian của mình luôn ở mức báo động, cảm thấy mình làm thật nhiều nhưng lại chẳng được bao nhiêu? Bạn không cô đơn đâu, vì đó là tâm lý chung của một xã hội hiện đại.
Hiếm có ai trong xã hội này tự nhận mình là người rảnh rỗi
Cuộc cách mạng công nghiệp với sự cải tiến trong công nghệ đã làm cho năng suất lao động của con người đã tăng lên đáng kể. Nhưng cũng từ đó, một "nghịch lý thời gian" xuất hiện. Khi công nghệ và máy móc trở thành một cánh tay trợ giúp đắc lực, khiến chúng ta có nhiều thời gian hơn, nhưng chúng ta lại ngày càng cảm thấy bận rộn hơn. Chúng ta không còn đủ thời gian sống cho riêng mình – nấu ăn, nghỉ ngơi, giải trí…
Vậy nghịch lý này từ đâu mà có?
Chúng ta đang “gồng gánh” nhiều hơn mình nghĩ
Với sự trợ giúp của công nghệ, con người ngày càng trở nên đa năng hơn. Bạn có thể tự mình gửi và nhận email, sắp xếp những cuộc họp, soạn thảo và kí hợp đồng… Nói cách khác, bạn đang là trợ lí hành chính của chính mình.
Ngoài ra, bạn còn là một kế toán, bạn gửi hóa đơn, theo dõi các khoản thanh toán và số dư trong ít nhất là 3 tài khoản ngân hàng. Bạn cũng kiêm luôn vai trò luật sư và người kê khai thuế cho bản thân mình.
Hãy thử nghĩ xem, nếu ở những thời đại trước, bạn đã phải thuê riêng một nhân viên trợ lí hành chính, một nhân viên kế toán và một luật sư.
Ngày nay, cùng sự hỗ trợ của công nghệ, một mình bạn có thể đảm đương việc của ba người. Và vì gồng gánh nhiều trách nhiệm như vậy, không quá khó hiểu nếu một lúc nào đó bạn cảm thấy mình kiệt sức và luôn trong tình trạng khủng hoảng thời gian.
Chúng ta vô thức bắt mình phải đa năng nhất có thể
Chúng ta đang đo lường năng suất không chính xác
Lí do thứ hai khiến chúng ta luôn nghĩ mình làm chưa "đủ" nằm ở cách chúng ta đo lường năng suất. Chúng ta vẫn áp dụng phương pháp đánh giá năng suất của thời kì cách mạng công nghiệp, trong khi ta đang sống và làm việc trong một thế giới mà thành phẩm lao động là sự sáng tạo. Thật khó để đo lường được năng suất khi thứ mà ta tạo ra không phải là một thứ có thể cân đong đo đếm. Vậy thực ra chúng ta nên đo lường điều gì?
Khi cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tổ chức Ủy ban Đo lường Hiệu quả Kinh tế và Tiến bộ Xã hội, họ nhận thấy rằng, đã đến lúc nên thay đổi trọng tâm từ đo lường sản xuất kinh tế sang đo lường phúc lợi con người. Sự nhìn nhận về năng suất của một xã hội nên được thay đổi. Năng suất không chỉ là số xe hơi, máy tính… được tạo ra, năng suất còn có thể tính đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
Do đó, nếu bạn thấy mình làm hùng hục nhưng vẫn như không làm được gì, có thể là vì những thứ bạn tạo ra không thể cân đo theo cách thông thường.
Chúng ta làm việc quần quật, nhưng giá trị cuối cùng ta mong muốn là gì?
Công nghệ cũng có những giới hạn
Chúng ta đều biết, dù tuyệt vời đến đâu, công nghệ cũng không thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những công việc sáng tạo. Chúng ta vẫn mất nhiều năm, hay hàng thập kỉ để viết một cuốn tiểu thuyết, mất hàng tháng để làm một phóng sự, mất nhiều ngày để vắt óc nghĩ ra câu khẩu hiệu cho một chiến dịch quảng cáo. Sự tự thân vận động khiến ta mất nhiều thời gian, cũng là lẽ thường tình.
Làm sao để thoát khỏi khủng hoảng thời gian?
1. Đừng cố gánh vác tất cả mọi việc. Có thể bạn sẽ cảm thấy mình có ích hơn nếu làm được thật nhiều việc cùng một lúc, nhưng thực sự không cần thiết phải như vậy. Điều này làm bạn căng thẳng trong một thời gian dài, thậm chí gây tổn thương não.
2. Tăng cường sự tập trung bằng những phương pháp ngăn chặn phiền nhiễu từ bên ngoài. Các công cụ như KeepMeOut, SelfControl hoặc Cold Turkey là những gợi ý hiệu quả.
3. Nếu công việc đó không nhất thiết phải thực hiện ngay bây giờ, đừng làm. Hãy ưu tiên cho những gì quan trọng và cấp bách hơn, để sử dụng thời gian hiệu quả nhất.
4. Thay vì quản lí thời gian, hãy nghĩ đến việc quản lí sự chú ý của bạn.
5. Lập kế hoạch hằng ngày cho bản thân. Mỗi ngày chúng ta đều có 24 giờ, thay vì cố làm thêm thật nhiều, hãy chọn lọc, cân nhắc xem mình nên làm những gì.