Đề án dạy ngoại ngữ 10.000 tỷ đồng: Đi được 2/3 chặng đường nhưng kết quả mới được 20%

21/09/2016 16:49 PM | Xã hội

Đề án dạy và học ngoại ngữ 2008-2020 đặt ra mục tiêu năm 2020, 100% học sinh lớp 3 được học chương trình Tiếng Anh 10 năm. Thế nhưng, tính đến năm 2016, chỉ có 1,6 triệu học sinh lớp 3, 4, 5 trong tổng số 7,7 triệu được học tiếng Anh 4 tiết/tuần.

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 về Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020".

Mục tiêu của đề án, là tới năm 2020, ngoại ngữ sẽ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh phí cho đề án lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn 4 năm nữa là kết thúc đề án nhưng kết quả đạt được không mấy khả quan.

Cụ thể, theo kế hoạch, năm 2020, 100% học sinh lớp 3 được học chương trình Tiếng Anh 10 năm. Thế nhưng, tính đến năm 2016, chỉ có 1,6 triệu học sinh lớp 3, 4, 5 trong tổng số 7,7 triệu được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Phần lớn số còn lại mới chỉ được học ngoại ngữ 2 tiết/tuần. Thời gian thực hiện đề án đã đi được 2/3 chặng đường nhưng kết quả chỉ đạt được 20%.

Theo thống kê của Ban quản lý đề án, ở cả hai cấp THCS và THPT, chỉ 33,14% giáo viên đạt chuẩn, trong đó THPT mới có 26,12%. Đến hết năm 2015, gần 49% giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, hơn 51% giáo viên chưa đạt chuẩn.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng đã đưa ra mục tiêu quá cao so với điều kiện thực tế tại Việt Nam, trong khi chất lượng dạy và học ngoại ngữ của chúng ta còn quá thấp.

Do đó, cần nghiên cứu rất kỹ để thống nhất đưa ra chuẩn của người dạy và học. Theo đó, việc giám sát chặt chẽ chất lượng để sinh viên tốt nghiệp B1 phải đúng B1, phải trung thực, khảo thí phải làm tốt để chất lượng tương tích.

Bên cạnh đó, cần tạo môi trường tốt, hình thành câu lạc bộ để học sinh phổ thông, sinh viên và cả những người không phải HSSV cũng có nhu cầu học tiếng Anh để có thể tham gia. Cần thúc đẩy phong trào toàn dân học tiếng anh để tiếng anh trở thành động lực để người học cảm thấy có ý nghĩa.

Nếu chúng ta dạy tiếng Anh ở phổ thông tốt thì 10 năm sau vào đại học sẽ không mất công dạy tiếng Anh như hiện nay. Các em sẽ học được những môn khoa học bằng tiếng anh, đây là những mục tiêu tôi tin là có lý”, người đứng đầu ngành giáo dục cho hay.

TS Phạm Văn Hùng - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thừa thiên Huế cho rằng, phần lớn học sinh chưa có động cơ và ý thức học tập môn ngoại ngữ. Thậm chí, nhiều học sinh và phụ huynh còn ngại chương trình tiếng Anh.

Ngoài ra, việc thi và kiểm tra khiến việc đánh giá chưa tương thích trong quá trình dạy học. Bởi các em được dạy 4 kỹ năng nhưng chỉ thi 2 kỹ năng nên có tâm lý học đối phó.

Dù đã đi được một chặng đường khá xa, song kết quả của đề án dạy và học ngoại ngữ chưa đạt được như mong muốn, theo TS Nguyễn Thị Minh Hồng - Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM còn do chương trình sách giáo khoa, giảng dạy chưa thực sự đổi mới, còn nhiều bất cập và các nhiệm vụ do Đề án 2020 giao qua từng năm thiếu tính kế thừa, thống nhất qua các năm.

Tường Vy

Cùng chuyên mục
XEM