ĐBQH đề xuất ngân hàng trích dự phòng rủi ro để… xây nhà ở xã hội cho khách hàng

07/06/2017 16:03 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong buổi thảo luận về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu sáng nay, đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Nguyên cho rằng ông hoàn toàn đồng tình với những nội dung cụ thể trong dự thảo Nghị quyết do cơ quan soạn thảo đưa ra sau 2 lần tiếp thu ý kiến của Ủy ban kinh tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Vị đại biểu này điểm lại, suốt một thời gian dài từ năm 2007 đất nước ta bị ảnh hưởng khá sâu bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng với sự yếu kém tồn tại của nền kinh tế khiến nợ xấu ngành ngân hàng đến tháng 10 năm 2012 lên tới gần 510.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khá lớn trên giá trị sổ sách.

Điều đáng mừng là từ 2012-2016 ngành ngân hàng đã nỗ lực xử lý để đưa nợ xấu nội bảng của cả hệ thống xuống dưới mức 3%. Phải khẳng định có được kết quả này do sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ và ngành ngân hàng trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập cản trở nhiều tới quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

"Tuy vậy chúng ta cần thực chất mổ xẻ quá trình xử lý trên để tham khảo. Chỉ có 34% được xử lý thông qua hình thức bán phát mại tài sản đảm bảo và các tài sản khác, 25% thông qua quỹ dự phòng rủi ro; 41% bán nợ thông qua VAMC trong khi nợ xấu VAMC thu hồi được chỉ có 21% trong tổng số nợ đã mua. Như vậy nếu tính toán sòng phẳng đưa cả nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý được xấp xỉ 5,8%. Theo tôi tỷ lệ này khá cao", ông Thân quan ngại.

Theo đại biểu Thân, cần phải có cơ chế kịp thời điều chỉnh lại cơ chế chính sách đang tồn tại, nằm trong nhiều luật chồng chéo để giải quyết nhanh và dứt điểm. Với tính chất cấp bách như trên, về xử lý nợ xấu hình thức ban hành Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu của Quốc hội là rất phù hợp và khả thi.

Nợ xấu luôn tồn tại trong ngành ngân hàng và ở mọi nơi mọi lúc, nó phát sinh nhiều nơi do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan liên quan tới nhiều chủ thể: Ngân hàng, khách hàng vay, cơ quan quản lý,…

Tỷ lệ nợ xấu là chỉ số phản ánh nền kinh tế phát triển hay không phát triển. Nợ xấu đã phát triển đến mức nghiêm trọng thì cần cơ chế xử lý nhanh và dứt điểm nhằm hạn chế thấp nhất tác động của nợ xấu đến nền kinh tế nói chung và sự an toàn của hệ thống ngân hàng nói riêng. Từ đó mới có thể tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng cung ứng vốn nhiều hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, lãi suất cho vay hợp lý. Đối tượng được hưởng phần lớn là doanh nghiệp sau đó mới là khách hàng vay vốn để tiêu dùng.

Để giảm tỷ lệ nợ xấu, ông Thân xin đề xuất các nội dung như sau:

Một, nợ xấu được phát sinh ngay bước đầu từ thủ tục vay vốn. Các quy trình thủ tục vay vốn của các TCTD là giống nhau. Phần lớn tài sản đảm bảo là đất và tài sản trên đất. Để giảm tải thiểu chi phí, sổ hồng sổ đỏ mà nhà nước phải xuất bản để xác nhận quyền sử dụng đất của chủ thể, chúng ta có thể chuyển sang đăng ký tại tòa án nơi gần nhất, lệ phí do tòa án thu. Việc vay vốn của khách hàng, chứng minh tài sản của mình từ trước đến nay có thể đưa ra mã số đăng ký lên tòa án là có thể xác minh được ngay. Điều này hoàn toàn tránh được sự gian dối của khách hàng với ngân hàng khi đưa các tài sản thế chấp nhiều lần và ở nhiều nơi. Điều này còn giảm thời gian chi phí thẩm định.

"Tôi thiết nghĩ nếu chúng ta khảo sát tỉ mỉ sẽ giảm rất nhiều chi phí về tiền, thời gian", ông Thân cho biết.

Hai, dự thảo quy định phạm vi xử lý nợ xấu hiện tại và số phát sinh trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực là hợp lý nhưng việc tồn tại 2 cơ chế xử lý nợ xấu phát sinh ở 2 thời điểm khác nhau sẽ tạo ra sự không nhất quán và khó trong thực tế.

Ba, phát triển thị trường mua bán nợ là rất cần thiết trong xử lý nợ xấu do vậy những cơ chế xử lý quy định tại điều 5, 6, 9, 10 của dự thảo là rất cần thiết. Trong các quy định có quy định các TCTD, VAMC được bán khoản nợ, tài sản đảm bảo theo giá thị trường và VAMC được bán nợ cho mọi tổ chức cá nhân bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng mua bán nợ là 2 điều rất quan trọng nhất để gỡ nút thắt xử lý nợ xấu đã mua của VAMC.

Bốn, về nguyên tắc đã có vay thì phải có trả nhưng pháp luật hiện hành còn chưa hoàn toàn đảm bảo quyền chủ động chính đáng hợp pháp của các TCTD, VAMC. Đây là nguyên nhân khiến nợ xấu chưa được xử lý triệt để. Theo ông, những quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo tại điều 7 và áp dụng thủ tục rút gọn tranh chấp trong tài sản đảm bảo tại điều 8 trong dự thảo là hợp lý.

Năm, để đảm bảo tính ưu việt của nhà nước ta, ngành ngân hàng nên tính một phần dự phòng rủi ro để xây dựng một khu nhà ở xã hội dành cho sau công việc thu hồi nợ và phát mại tài sản cho khách hàng không đủ điều kiện nơi ăn chốn ở trong thời gian nhất định.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM