Dạy vẽ tranh cho người chưa từng cầm cọ với học phí 400 ngàn đồng/buổi, startup này thu hồi vốn chỉ sau 2 tháng đầu tư
Trong khi phần lớn startup hiện nay tập trung vào lĩnh vực kinh tế, giáo dục, tài chính… thì có một startup đã lặng lẽ ra đời trong lĩnh vực nghệ thuật và tạo chỗ đứng vững chắc tại hai thành phố lớn của Việt Nam.
Theo Bùi Thu Ngân, đồng sáng lập mô hình Tipsy Art, “tispy” là say, còn “art” là nghệ thuật. Tipsy Art chỉ cảm giác “phiêu” khi vẽ tranh cũng như khi tận hưởng bất kỳ hoạt động nghệ thuật nào khác.
Với chi phí 400.000 đồng/buổi học 3 tiếng, người tham gia sự kiện của Tipsy Art sẽ có cơ hội trải nghiệm hoạt động vẽ tranh nghệ thuật trong không gian có âm nhạc du dương và đồ uống đi kèm.
Điểm đặc biệt ở chỗ, Tipsy Art không chỉ dành cho những người biết vẽ, có kiến thức hội họa mà bất cứ ai, dù chưa từng cầm cọ vẽ, vẫn có thể tham gia. Mỗi buổi học đều có một họa sĩ hướng dẫn cùng các trợ giảng, học viên sẽ được trực tiếp chọn màu, pha màu, biến một tấm toan trắng tinh thành một bức tranh treo tường hoàn chỉnh.
Nhiều học viên đã bày tỏ cảm giác ngạc nhiên, thích thú khi được tự tay cầm cọ vẽ và sáng tạo những bức tranh của riêng mình. Facebooker có tên Jennie Doan cho biết: “Lần đầu tiên đến Tipsy Art, bỡ ngỡ, lo lắng, căng thẳng. Nhưng chỉ sau khoảnh khắc ngắn, mình đã tìm lại được cái cảm giác được cầm cọ, sơn phết, tay lấm lem màu sơn, tranh thì đầy nét chấm phá của riêng mình. Thật thú vị khi mình như được trở về ngày còn bé thơ, được cô giáo chỉ vẽ và tô nghịch đủ màu trên trang giấy trắng”.
Bên trong một lớp học vẽ của Tipsy Art.
Người tham gia tự tay pha màu, chọn màu để sáng tạo bức tranh của riêng mình.
Tác phẩm nghệ thuật dần hiện rõ.
Một vị khách nước ngoài hào hứng chia sẻ tác phẩm của mình.
Trao đổi với chúng tôi, Bùi Thu Ngân cho biết trước khi thành lập Tipsy Art, cô đã từng có khoảng thời gian 4 năm theo học chuyên ngành kinh tế tại Mỹ. Tình cờ một lần tham gia một buổi tiệc tại nhà người bạn, sau khi đã hết hoạt động, mọi người rủ nhau giở một bức tranh ra rồi cùng vẽ. “Lúc ấy mình thấy rất vui vì cứ người này biết gì lại nói cho người kia. Mọi người trao đổi, học hỏi lẫn nhau trong một không gian vô cùng thoải mái, thư giãn”, Ngân nhớ lại.
Trở về Việt Nam, nhận thấy các bạn trẻ ở đây cuối tuần thường chỉ tụ tập đi xem phim, uống cà phê, mua sắm,… mà thiếu các hoạt động thiên về tinh thần nên cô gái 9x cùng một người bạn nung nấu ý định mở các buổi học vẽ như đã tham gia bên Mỹ. Tháng 9/2015, hai người cùng nhau lên ý tưởng và đến tháng 12/2015 lớp học đầu tiên của Tipsy Art được ra mắt.
Ngân cho biết khó khăn nhất với một dự án nghệ thuật là làm thế nào để mọi người cảm thấy hay, cảm thấy muốn tham gia nên để bắt đầu, các buổi học của Tipsy Art đều dành cho bạn bè, người quen. Sau khi thu được sự ủng hộ và tin tưởng của mọi người, Tipsy Art mới mở rộng dần ra qua hình thức truyền miệng.
Đến tháng 6/2016, ngoài thị trường Hà Nội, đội ngũ Tipsy Art tiếp tục triển khai tại Sài Gòn. Đến nay, mỗi tuần, Tipsy Art tổ chức khoảng 8-10 buổi học vào tối thứ 6, sáng - chiều thứ 7 và Chủ nhật tại Hà Nội và TPHCM. Mỗi buổi học có khoảng 20-30 học viên tham gia.
Chia sẻ về vấn đề quản lý và giữ vững chất lượng khi mô hình mở rộng hơn, cô gái sinh năm 1991 cho biết, tại Tipsy Art, ngay từ đầu, mọi người đã tập trung xây dựng văn hóa công ty thật mạnh, trong đó luôn lấy khách hàng làm gốc. Trường hợp có vấn đề xảy ra làm khách hàng không hài lòng, người điều hành phải tìm cách giải quyết ngay thay vì loay hoay truy cứu xem trách nhiệm thuộc về ai. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi nhiều học viên đã tham gia tới hơn 10 buổi của Tipsy Art, với một số thành viên đi từ những ngày đầu, con số có thể lên tới 16-20 lần.
Dù không tiết lộ cụ thể nhưng Ngân cho biết vốn đầu tư ban đầu của Tipsy Art không quá lớn. Sau hai tháng hoạt động, những người sáng lập đã thu hồi vốn và từ đó đến nay luôn có doanh thu ổn định để tiếp tục duy trì và phát triển mô hình.
Trong tương lai, Ngân cùng các cộng sự có ý định mở rộng thêm tại thị trường Đà Nẵng cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, “không phải ai muốn đầu tư đều nhận mà mình phải tìm hiểu xem người ta có phù hợp không, người ta muốn thêm những giá trị mới nào vào công ty. Nếu phù hợp thì mình mới tiến hành bước tiếp theo”, Ngân chia sẻ.