Dạy làm giàu trá hình, Phạm Thanh Hải có thể bị phạt tù 12-20 năm, nặng nhất là chung thân
Phạm Thanh Hải lập trang web hoclamgiau, tự giới thiệu là tiến sỹ rồi huy động vốn với lãi suất từ 40 đến 50%/năm khiến hàng nghìn người sập bẫy.
Phạm Thanh Hải sinh năm 1966, tự giới thiệu là người tốt nghiệp Đại học và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại trường Đại học Tổng hợp Belarus (Minsk, Liên Xô cũ) năm 1994. Ông cũng tự giới thiệu mình là người có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Nga, từng làm việc tại Trung tâm Thông tin Khoa học Kỹ thuật Quốc tế (Maxcơva, Liên bang Nga) và Tập đoàn MASAN (Nga), một trong những thành viên sáng lập, ủy viên Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Masan (Liên bang Nga).
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội, ông Hải tổ chức các cuộc hội thảo, lập trang mạng hoclamgiau.vn, kêu gọi hàng trăm cá nhân gửi vốn đầu tư với lãi suất cao để chiếm đoạt.
Từ năm 2008, Phạm Thanh Hải tổ chức hoạt động huy động vốn từ các cá nhân. Các hợp đồng góp vốn, ủy thác đầu tư có mức lãi suất 40 – 50%/năm, cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng và được cắt lãi ngay khi nộp tiền dù chưa có hoạt động kinh doanh.
Mặc dù huy động vốn cá nhân nhưng mọi hoạt động giới thiệu, quảng bá để thu hút nhà đầu tư đều được thực hiện qua Công ty IDT do Hải làm chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Cơ quan điều tra xác định, trong 1 năm, từ tháng 10/2014 – tháng 10/2015, có hơn 2.500 cá nhân ký hơn 8.300 hợp đồng với tổng số tiền huy động theo phiếu thu hơn 2.725 tỷ đồng.
Phần lớn số tiền được ông Hải sử dụng vào mục đích cá nhân, chủ yếu là cho vay, thanh toán gốc và lãi cho các hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối, chi phí tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan, du lịch quảng bá dự án.
Bị can Phạm Thanh Hải.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng Luật sư Gia đình, căn cứ theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009 thì hành vi của bị can có dấu hiểu cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, với hành vi chiếm đoạt tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng thì có thể Phạm Thanh Hải sẽ phải đối diện với mức án cao nhất của điều luật này.