Đây là nơi nhiều tỷ phú ở Thung lũng Silicon đã chọn để làm chỗ trú ẩn trước đại dịch Covid-19

21/04/2020 15:40 PM | Xã hội

Những người giàu có nhất trong xã hội, bao gồm cả ở Thung lũng Silicon, đã lựa chọn New Zealand như một điểm đến an toàn để trú ẩn cho những thời điểm như ngày tận thế hoặc đại dịch toàn cầu.

Theo báo cáo của Bloomberg, một số người trong nhóm này có thể đã trốn đến nơi ẩn náu xa xỉ của họ ở nước ngoài để trốn tránh đại dịch Covid-19, đang ngày càng lan rộng ở Mỹ.

Doanh nhân Mihai Dinulescu, chủ một công ty khởi nghiệp về tiền ảo, đã cùng vợ mình bắt được một chuyến bay tới New Zealand vào đầu tháng 3, chỉ bốn ngày trước khi quốc gia này đóng cửa biên giới với người nước ngoài. Dinulescu nói rằng anh đã kết nối với khoảng 10 người khác, cũng kịp trốn thoát khỏi đất nước trong đại dịch.

Tổng giám đốc của Rising S Co, một đơn vị cung cấp nơi trú ẩn cho ngày tận thế ở Texas, cho biết ông đã nhận được một cuộc gọi vào đầu tháng 3 từ một nhà lãnh đạo cấp cao, thuộc một công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon. Người này muốn hỏi cách mở cánh cửa bí mật để vào hầm ngầm của mình ở New Zealand, vì chưa bao giờ sử dụng boongke này trước đó. Sau đó, ông ta cũng đặt thêm một số câu hỏi liên quan đến bộ lọc nước và không khí, cũng như máy nước nóng và hệ thống điện. Doanh nhân này đã tới New Zealand để trốn đại dịch đang xảy ra tại Mỹ và hiện vẫn đang ở đó.

 Đây là nơi nhiều tỷ phú ở Thung lũng Silicon đã chọn để làm chỗ trú ẩn trước đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Boongke trú ẩn là lựa chọn của nhiều người giàu có.

Trong những năm gần đây, giới thượng lưu có xu hướng đầu tư vào việc chuẩn bị cho ngày tận thế, vì một số lý do. Nhưng lời giải thích đơn giản nhất được đưa ra là có thể bởi sự giàu có và những nỗi lo lắng riêng biệt của họ.

Trong nhiều năm qua, New Zealand đã được coi là vùng đất lý tưởng cho những người giàu có lựa chọn để trú ẩn trong trường hợp xảy ra thảm kịch. Bởi quốc gia này nằm tách biệt ngoài rìa Trái Đất, cách Australia khoảng 1.600 km về phía Nam, và chỉ có 4,9 triệu dân. Quốc gia này cũng sở hữu một vẻ đẹp tự nhiên ấn tượng, cùng hệ thống y tế tốt và tình hình chính trị ổn định.

"Các nhà đầu tư công nghệ không nhất thiết nghĩ rằng sự sụp đổ của thế giới có thể xảy ra. Họ coi đó là một sự kiện trong tưng lai xa, nhưng là một vấn đề rất nghiêm trọng, vì vậy nhiều người đã chi tiền, thậm chí một phần giá trị tài sản ròng của họ để chống lại điều này", cựu CEO Reddit, Yishan Wong, từng chia sẻ với tờ The New Yorker.

Những nhân vật đáng chú ý khác ở Thung lũng Silicon cũng đã chuẩn bị cho ngày tận thế bao gồm cựu chủ tịch của Y Combinator và hiện là CEO của OpenAI - Sam Altman, và CEO Reddit Steve Huffman. Nhà đầu tư mạo hiểm kiêm tỷ phú Peter Thiel, người đồng sáng lập PayPal cũng tham gia trào lưu nào. Ông trở thành công dân New Zealand vào năm 2011 và sở hữu hai tài sản ở nước này. Đạo diễn phim Hollywood James Cameron cũng đã dành tiền mua bất động sản tại đây.

"New Zealand là Utopia - vùng đất không tưởng", Thiel chia sẻ hồi năm 2011.

Ngoài Thung lũng Silicon thì các ông trùm phố Wall cũng đã được biết đến là những người đã chăm chỉ mua đất ở New Zealand. Xu hướng này bùng nổ mạnh đến nỗi đất nước này đã phải thông qua luật cấm hầu hết người nước ngoài mua nhà hoặc đất vào năm 2018.

 Đây là nơi nhiều tỷ phú ở Thung lũng Silicon đã chọn để làm chỗ trú ẩn trước đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

New Zealand là một quốc gia xinh đẹp và khá tách biệt với thế giới.

Còn với Mihai Dinulescu, khối tài sản hiện tại của anh ở Mỹ đang được bạn bè trông hộ. Anh cho biết mình không có ý định quay trở về Mỹ cho đến khi dịch bệnh có dấu hiệu giảm. Hiện tỷ phú này đang sống tại một ngôi nhà 2 tầng với 3 phòng ngủ trên đảo Waiheke, với số tiền thuê lên tới 2.400 USD mỗ tháng. Tuy nhiên chi phí này chỉ bằng 1/3 so với số tiền thuê mà gia đình anh phải trả mỗi tháng cho căn hộ 2 phòng ngủ ở San Francisco.

New Zealand đang vượt qua sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tương đối tốt. Nước này chỉ báo cáo 12 trường hợp tử vong và có tỷ lệ tử vong trên đầu người thấp hơn 50 lần so với Mỹ.

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM