Đây là những vùng đất mới mà hàng loạt ông lớn như Novaland, VinGroup, FLC, Sunshine, Hưng Thịnh, Crystal Bay...đang đổ bộ
Bên cạnh xu hướng dịch chuyển vào thị trường đất nền các tỉnh thì hiện tại các ông lớn cũng “tấn công” mạnh vào những thị trường mới tiềm năng để phát triển BĐS nghỉ dưỡng.
Theo các chuyên gia, hoạt động này đang trở thành một xu hướng rõ nét những tháng gần đây trước bối cảnh thị trường truyền thống đang chững lại. Tìm cơ hội mới ở thị trường mới nổi trở thành bước đi chiến lược của nhiều doanh nghiệp địa ốc.
BĐS nghỉ dưỡng: Hồ Tràm, Phan Thiết, Mũi Né, Quy Nhơn, Ninh Thuận… gọi tên các “ông lớn” địa ốc
Có lẽ thời gian gần đây, nhắc đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng không thể không nhắc đến các ông lớn BĐS như Novaland, Crystal Bay, Hưng Thịnh, Sunshine, Vietpearl, FLC…cùng lúc đổ bộ vào các thị trường có tiềm năng phát triển BĐS du lịch.
Điều đáng nói, điểm chung của hầu hết các doanh nghiệp này là thay vì đổ tiền vào các thị trường truyền thống như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc vốn đang rất phát triển thì lại hướng đến các thị trường “đang ngủ quên” hoặc mới giai đoạn đầu phát triển. Những quỹ đất lên đến 1.000 ha được các “ông lớn” BĐS phát triển dự án tầm cỡ thế giới, ngay lập tức tạo nên làn sóng đầu tư trên thị trường nghỉ dưỡng.
Đầu tiên, phải kể đến Tập đoàn Novaland với 2 siêu dự án đang được chào sân là NovaWorld Phan Thiết và NovaWorld Hồ Tràm. Được biết, đây là 2 dự án mở đầu cho chiến lược phát triển giai đoạn 2 của doanh nghiệp này.
Những thị trường nằm trong chiến lược đô thị du lịch nghỉ dưỡng bao gồm Phú Quốc, Cần Thơ, Tp.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Bình Thuận, Ninh Thuận, Cam Ranh - Khánh Hòa, …
Nhiều doanh nghiệp tìm cơ hội ở các thị trường nghỉ dưỡng còn nhiều tiềm năng như Phan Thiết, Hồ Tràm, Quy Nhơn....Ảnh: Hạ Vy
Trong đó, với quỹ đất 1.000 ha tại Phan Thiết và khoảng 100 ha (giai đoạn 1) tại Hồ Tràm với đa dạng sản phẩm ngôi nhà nghỉ dưỡng (second home) đã và đang thu hút lượng lớn NĐT cá nhân đổ về tìm hiểu.
Một ông lớn khác là Tập đoàn Hưng Thịnh đang tấn công thị trường nghỉ dưỡng Bình Định với dự án quy mô Medoly tại Quy Nhơn. Hay Vietpearl Group với Gia Hưng Land đang triển khai dự án Enda Resort với quy mô hơn 5ha tại Mũi Né - Bình Thuận.
“Ông lớn” Phát Đạt cũng nhắm đến các thị trường Quảng Nam, Quy Nhơn trong chiến lược phát triển dự án của mình trong thời gian tới. Còn Crystal Bay của đại gia Nguyễn Đức Chi lại chọn Ninh Thuận là điểm đến chiến lược phát triển các dự án của mình. Tập đoàn này đang tham vọng xây khoảng 10.000 phòng khách sạn cao cấp 4-5 sao tại đây. Dự án đầu tiên đang được giới thiệu ra thị trường là Sunbay Park Hotel & Resort với quy mô 3.300 phòng, tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, sự chuyển dịch vào thị trường mới nổi như Quy Nhơn, Mũi Né, Phan Thiết, Hồ Tràm, Quảng Nam, Phú Yên…đang trở thành hướng đi của hầu hết các doanh nghiệp BĐS hiện nay khi mà các thị trường truyền thống như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc áp lực về nguồn cung đã lớn, giá cao, không còn hấp dẫn.
Theo các doanh nghiệp, những lợi thế về giao thông kết nối hoàn thiện và tiềm năng du lịch tăng cao ở các địa điểm du lịch mới là lợi thế để BĐS nghỉ dưỡng khai thác dư địa ở các thị trường này.
Quỹ đất lớn lại có dải bờ biển đẹp và trải dài tại một số địa phương có nhiều tiềm năng du lịch như Ninh Thuận, Bình Thuận, Hồ Tràm...đang là điểm đến của nhiều ông lớn BĐS
Đất nền tỉnh lân cận: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bình Phước…là những “điểm ngắm” mới của doanh nghiệp BĐS
Đến thời điểm hiện tại, đất nền vẫn là phân khúc hút giới đầu tư địa ốc. Việc mở rộng thị trường ở các tỉnh xa xôi Tp.HCM cũng nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của các doanh nghiệp BĐS.
Những thị trường được nhắc tên nhiều nhất ở giai đoạn này là Long Thành (Đồng Nai); Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu - nơi còn nhiều dư địa để phát triển cả về quỹ đất lẫn giá bán.
Về thị trường Long Thành, thông tin Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để khởi công dự án Sân bay Long Thành trong năm 2020 ngay lập tức củng cố niềm tin của cả doanh nghiệp địa ốc và NĐT cá nhân. Nhiều doanh nghiệp tiến về đây “săn” quỹ đất và đã manh nha một số dự án ra thị trường ở thời điểm này. Phải kể đến các doanh nghiệp như Yeshouse, Cát Linh, Asian Holding….chưa kể, trước đó, thị trường Đồng Nai đã có sự góp mặt của nhiều ông lớn trong lĩnh vực BĐS như Hưng Thịnh, Eximrs, DRH…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng tìm kiếm quỹ đất nền tại các tỉnh lân cận Tp.HCM. Ảnh: Hạ Vy
Theo ghi nhận, khoảng vài tháng nay, trước thông tin sân bay sắp triển khai, rất nhiều khách hàng từ TP.HCM để về đây tìm hiểu đất nền. Giá đất nơi đây ghi nhận tăng trung bình từ 20% so với thời điểm đầu năm. Mức giá trung bình phổ biến vào khoảng 15 - 25 triệu đồng/m2, khu vực gần các trục đường lớn giao dịch ở mức 35 - 40 triệu đồng/m2.
Cùng khu vực, BĐS Nhơn Trạch cũng đang rục rịch ở giai đoạn này khi thông tin cây cầu Cát Lái nối Q.2 (Tp.HCM) với Nhơn Trạch đã lên phương án triển khai. Trước thông tin này NĐT cá nhân cùng lúc đổ về săn đất nền, chờ thời điểm bán ra. Trong khi đó, dù chưa có dự án “mới tinh” nào của doanh nghiệp địa ốc manh nha ra thị trường này nhưng theo tiết lộ của một số doanh nghiệp tư nhân, hiện đã có quỹ đất tại Nhơn Trạch để làm dự án nhưng chưa phải là thời điểm thích hợp để chào sân.
Bà Rịa - Vũng Tàu được doanh nghiệp địa ốc tìm đến bởi lợi thế kết nối vùng với Tp.HCM cộng hưởng những điều kiện thiên nhiên ưu đãi từ biển. Một số doanh nghiệp bắt đầu tiến mạnh về thị trường này để tìm kiếm quỹ đất phát triển các dự án BĐS liền thổ. Mặc dù xu hướng đổ về chưa thể hiện rõ nét bằng các thị trường khác nhưng nơi đây đang được xem là thị trường còn nhiều dư địa để phát triển.
Bình Phước là thị trường tiếp theo trong danh sách “điểm ngắm” của doanh nghiệp địa ốc và giới đầu tư cá nhân. Ở giai đoạn này, đây là thị trường được nhắc tên khá nhiều do được hưởng lợi thế của thông tin thị xã Đồng Xoài lên Thành phố. Bước đầu phát triển hạ tầng đô thị đã và đang khiến một số ông lớn BĐS tìm đến để “khai phá” vùng đất tiềm năng này. Thị trường này hiện đang gọi tên các “đại gia” BĐS như: Cát Tường Group, FLC, Vingroup…với các dự án quy mô từ 100-200ha.
Theo các chuyên gia, khi mà thị trường nhà ở Tp.HCM chững lại, pháp lý khó khăn thì tiến về vùng tỉnh lân cận là giải pháp để xây dựng bộ máy, phát triển doanh nghiệp trong lâu dài.