Đây là ngành đã giúp nhiều người trở thành tỷ phú thế giới trước tuổi 40

07/03/2018 10:06 AM | Kinh doanh

34 người là các tỷ phú tự thân. 26 người khởi nghiệp từ lĩnh vực công nghệ. Một số có được khối tài sản 10 chữ số từ ứng dụng nhắn tin và thương mại điện tử, một số khác là từ nền kinh tế chia sẻ và drone.

Trong số 2.208 tỷ phú được liệt kê trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2018 vừa được Forbes công bố, chỉ có 63 người ở độ tuổi dưới 40. Kể từ tháng 3/2017, khi danh sách tỷ phú thường niên lần thứ 31 được công bố, nhóm các tỷ phú trẻ tuổi đã tăng trưởng khá nhanh so với con số 56 khi đó. Họ đến Mỹ từ 17 quốc gia khác.

Trong số này, 34 người là các tỷ phú tự thân. 26 người khởi nghiệp từ lĩnh vực công nghệ. Một số có được khối tài sản 10 chữ số từ ứng dụng nhắn tin và thương mại điện tử, một số khác là từ nền kinh tế chia sẻ và drone. Tất cả các tỷ phú tự thân dưới 40 tuổi là nam, và tất cả 16 nữ tỷ phú tự thân dưới 40 tuổi đều là nhờ thừa kế tài sản.

Năm thứ 3 liên tiếp, ngôi vị tỷ phú trẻ nhất thế giới thuộc về Alexandra và Katharina Andresen (21 và 22 tuổi). Hai chị em là những người thừa kế đến từ Na Uy. Năm 2007, người cha Johan H. Andersen chuyên giao quyền sở hữu công ty đầu tư Ferd của gia đình cho hai người con gái nhưng phải đến năm 2016 Forbes mới thống kê họ là danh sách tỷ phú thế giới. Mỗi người có tài sản 1,4 tỷ USD.

Trong khi đó tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất thế giới là John Collison (27 tuổi), nhà đồng sáng lập của Stripe. Tháng 11/2016, startup này được định giá 9,2 tỷ USD, giúp 2 nhà đồng sáng lập là 2 anh em nhà Collison mỗi người có tài sản 1 tỷ USD. John Collison chỉ trẻ hơn vài tháng so với CEO Evan Spiegel của Snap. Với tài sản 4,1 tỷ USD, Spiegel đã trải qua toàn bộ năm ngoái để thiết kế lại ứng dụng Snapchat.

Có 1 "lính mới" đặc biệt trong danh sách năm nay: Pavel Durov – người được mệnh danh là Mark Zuckerberg của nước Nga (cả 2 đều 33 tuổi). Durov thành lập nên Vkontakte, mạng xã hội lớn thứ 2 nước Nga, từ năm 2007, khi mới 22 tuổi. Hiện Vkontake có hơn 400 triệu người dùng. Năm 2015, Durov bán 12% cổ phần ở đây và thu về 300 triệu USD, sau đó chuyển tới sống ở Dubai sau khi từ chối hợp tác với tình báo Nga và cung cấp những dữ liệu đã được mã hóa về người dùng của Vkontakte. Hầu hết tài sản của anh hiện nằm ở Telegram, ứng dụng nhắn tin mã hóa có hơn 100 triệu người dùng trên toàn thế giới và rất phổ biến trong thế giới tiền số.

Tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất thế giới chính là Mark Zuckerberg, người đang có 71 tỷ USD. Anh đặt mục tiêu cho năm 2018 là sửa chữa Facebook để hướng về bạn bè và gia đình nhiều hơn.

Đứng thứ 2 là Yang Huiyan, nữ thừa kế của đế chế bất động sản có trụ sở ở Trung Quốc. Năm nay 36 tuổi, cô sở hữu 21,9 tỷ USD gồm 57% cổ phần ở công ty bất động sản Country Garden Holdings mà cô thừa kế từ cha mình năm 2007. Năm vừa qua cổ phiếu này tăng giá 145%, giúp tài sản của Yang tăng thêm 12,9 tỷ USD. Yang cũng là Chủ tịch của tập đoàn giáo dục quốc tế Bright Scholar Education Holdings.

Tổng cộng 63 tỷ phú này có khối tài sản 265 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 208 tỷ USD của năm ngoái. Forbes sử dụng giá cổ phiếu và tỷ giá ngày 9/2/2018 để tính toán tài sản của các tỷ phú.

Công nghệ cũng là ngành đóng góp tới 206 tỷ phú trong danh sách của Forbes năm nay, tăng 23 người so với năm ngoái. Trong top 20 người giàu nhất thì cũng có tới 8 người làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Họ có tổng tài sản 1.300 tỷ USD, tăng 30% so với năm ngoái. 58% tỷ phú đã chứng kiến tài sản tăng lên, trong khi chỉ có 13% người bị sụt giảm tài sản.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết các tỷ phú công nghệ đền từ Mỹ Trung Quốc (tỷ lệ lần lượt là 38% và 26%). Trung Quốc lần đầu tiên có 2 người lọt vào top 20 là Chủ tịch Ma Huateng của Tencent (thứ 17) và nhà sáng lập Alibaba Jack Ma (thứ 20). Trong số 79 tỷ phú công nghệ của Mỹ, có 55 người sống ở California. Đây cũng là nơi ở của 7 tỷ phú khác không phải là công dân Mỹ.

Theo Forbes

Cùng chuyên mục
XEM