Đây là lý do vì sao 'made in China' vẫn sẽ là vua bất chấp chiến tranh thương mại

04/09/2018 10:22 AM | Xã hội

Theo tờ New York Times, Trung Quốc sẽ xây dựng thành công một nền công nghiệp kỹ thuật cao bất chấp rủi ro chiến tranh thương mại với Mỹ. Dấu hiệu đó có thể được nhìn thấy rõ ràng tại thành phố Dongguan, nơi từng nổi tiếng với ngành sản xuất công nghệ thấp và nạn mại dâm.

Thị trường nơi đây vốn tràn ngập người lao động cho các nhà máy giá rẻ nhưng sự gia tăng chi phí nhân công cùng sự suy giảm sức hút từ nhà đầu tư với ngành này đã thay đổi tất cả. Hiện nay, Dongguan ngập tràn những nhà máy được hiện đại hóa với hệ thống tự động, những dây chuyền sản xuất tiên tiến với chỉ khoảng 15-20 nhân công để điều hành.

Trên các trang tin, sự thay đổi về công nghệ được báo cáo là hưởng ứng tầm nhìn "Made in China 2025" của chính quyền Bắc Kinh nhằm cải cách các mảng công nghiệp liên quan đến tự động, sản xuất chip hay ô tô tự động… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng động lực chính thúc đẩy phong trào hiện đại hóa này đến từ chính các doanh nghiệp bởi họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc thay đổi hay là phá sản.

Những quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump là có cơ sở khi các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc được ưu ái hơn so với những tập đoàn nước ngoài. Dẫu vậy, nhiều hãng Trung Quốc hiểu rằng họ không thể dựa dẫm mãi vào bảo hộ.

Ví dụ như Dongguan Mentach Optical & Magnetic Company hiểu rằng chi phí lao động đang tăng cao và họ cần tìm hướng đi mới cho tương lai. Đây chính là lý do mà công ty này cho tự động hóa hầu như hoàn toàn dây chuyền sản xuất.

Thậm chí chính quyền địa phương và các học giả Trung Quốc cũng hiểu được điều này và cùng hợp tác để tìm ra hướng đi mới cho nền kinh tế nước nhà. Tại Dongguan, quá trình tự động hóa diễn ra trước cả khi "Made in China 2025" được công bố và nguyên nhân chính là chính quyền địa phương đã có tầm nhìn rất sớm về phát triển công nghệ cao.

Đây là lý do vì sao made in China vẫn sẽ là vua bất chấp chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Hàng loạt những thành phố lớn như Suzhou, Wenzhou, Xuzhou, Thượng Hải… đều tăng cường phát triển công nghệ cao cũng như tự động hóa dây chuyền sản xuất. Có thể Trung Quốc không kịp hoàn thành mục tiêu tự động hóa vào năm 2025 nhưng sớm muộn nền kinh tế thứ 2 thế giới cũng đạt được mục đích bởi họ không có con đường khác để đi.

"Nếu Made in China 2025 là một chiếc xe thì tình hình hiện nay là động cơ đã khởi động và dù sớm hay muộn chúng tôi sẽ đến đích", Giám đốc Zhang Guojun của Guangdong Intelligent Robotics Institute tại Dongguan nói.

Câu chuyện Dongguan

Dongguan là một trong những thành phố thuộc trung tâm kinh tế, công nghệ của vùng Pearl River Delta. Thành phố 8 triệu dân này chuyên về sản xuất giày dép, đồ chơi, thiết bị điện tử để xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu. Theo nhiều khía cạnh, đây có thể được coi là công xưởng sản xuất cần nhiều nhân lực, một mô hình kinh tế trước đây của Trung Quốc với hàng loạt nhà máy san sát nhau với lượng lớn công nhân.

Tuy nhiên cuộc khủng hoảng 2008 nổ ra, số đơn hàng giảm mạnh đã khiến nền kinh tế Dongguan lâm vào khủng hoảng nặng nề. Nạn mại dâm, tệ nạn xã hội, trộm cắp, ma túy ở đây bùng nổ dữ dội bất chấp nhiều đợt truy quét của chính quyền địa phương.

Không những vậy, mức lương công nhân đòi hỏi cũng cao hơn trước do vật giá leo thang. Chi phí nhân công bình quân tại đây đã tăng gấp 4 lần trong vòng 10 năm qua và ngày càng nhiều bạn trẻ không muốn chôn vùi tuổi thanh xuân trong những nhà máy bụi bặm và đầy khắc nghiệt. Thay vào đó, những công việc như giao hàng thương mại điện tử hay bán hàng online, qua đó cho phép họ tiếp xúc với nhiều người hơn lại đang trở thành xu thế.

Đây là lý do vì sao made in China vẫn sẽ là vua bất chấp chiến tranh thương mại - Ảnh 2.

Trước tình hình này, một số nhà máy đã phải di chuyển sang những quốc gia có chi phí nhân công thấp hơn hoặc đóng cửa phá sản. Nhận định được vấn đề, chính quyền Dongguan đã nhanh chóng đề ra phương hướng hiện đại hóa sản xuất nhằm vực dậy nền kinh tế.

Chính điều này đã khiến Dongguan triển khai chiến lược thay thế nhân công bằng máy móc trước cả khi "Made in China 2025" xuất hiện. Những doanh nghiệp chứng minh được đang đầu tư vào các dự án công nghệ cao, robot, tự động… sẽ được chính quyền hỗ trợ tài chính hay miễn thuế. Đổi lại doanh nghiệp sẽ trích khoảng 10-20% lợi nhuận lại cho chính phủ. Nhờ đó, hàng loạt các nhà máy sản xuất điện thoại, đồ gia dụng, máy móc hay thậm chí là làm bánh có sử dụng công nghệ cao nơi đây phát triển thành công.

Ví dụ như Mentech, công ty chuyên cung cấp thiết bị viễn thông đã từng có hàng trăm nhân công trong nhà máy cho các công đoạn kiểm tra, đóng gói… Doanh nghiệp này luôn muốn tuyển thêm nhân công do quá nhiều đơn hàng và phải tăng ca liên tục. Dẫu vậy giới trẻ Trung Quốc ngày nay chả còn mặn mà với những công việc nặng nhọc như vậy.

Vào mùa Tết Nguyên đán vừa qua, khoảng 500 lao động, bao gồm cả quản lý công ty đã phải liên tục tăng ca 3 tiếng mỗi ngày để duy trì sản xuất bất chấp đây là ngày nghỉ lễ quốc gia. Nhận thức được vấn đề, Mentech đã cố gắng tự động hóa dây chuyền sản xuất nhưng điều này đòi hỏi sự thay đổi về tiêu chuẩn sản phẩm cũng như hàng loạt các vấn đề liên quan.

Đây là lý do vì sao made in China vẫn sẽ là vua bất chấp chiến tranh thương mại - Ảnh 3.

"Chúng tôi hiểu rằng tự động hóa là tương lai, nhưng để nâng cấp lên được đến đó không phải điều dễ dàng", Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển Zhang Ziaodong của Mentech ngậm ngùi nói.

Giờ đây, nhà máy với 300 công nhân của Mentech hiện chỉ cần 100 người. Hơn một nửa hệ thống sản xuất của công ty đã được tự động hóa và máy móc đang dần thay thế con người.

Để đạt được thành công này, chính quyền Dongguan đã cho Mentech vay 1,5 triệu USD. Chính phủ cũng giúp Mentech liên hệ với các startup và những trung tâm nghiên cứu để có thể tự động hóa hoàn toàn dây truyền sản xuất.

Ngoài ra, do những bộ phận tự động hóa này đều là "Made in China" nên việc lắp ráp, bảo dưỡng chúng rẻ hơn rất nhiều so với việc nhập máy móc từ Nhật hay Mỹ về.

Hiện Dongguan đã thành lập khoảng 30 trung tâm nghiên cứu có liên kết với những trường đại học lớn. Chính quyền sẽ cấp một số vốn ban đầu nhất định cho những trung tâm này nhưng sau đó họ phải tự tìm đến các doanh nghiệp hoặc có thành phẩm để bán nếu muốn tiếp tục tồn tại.

Một công ty nữa cũng được hưởng lợi từ các trung tâm này là Guangdong Janus Intelligent Group Corporation, một hãng chuyên sản xuất điện thoại với nhiều nhân công. Nhờ tự động hóa, nhà máy chỉ cần 16 công nhân vận hành cho một tổ máy thay vì 103 người làm cùng công việc như trước đây.

Rõ ràng, việc hoàn thành Made in China 2025 có thể không đạt được do một số mảng như sản xuất chip điện tử hay ô tô tự động vẫn chưa có nhiều tiến triển ở Trung Quốc. Tuy vậy, ví dụ tại Dongguan cho thấy tầm nhìn này vẫn sẽ thành công không phải chỉ do quyết định của chính quyền Bắc Kinh mà còn do sức ép của nền kinh tế, xã hội mới. Đối với các công ty Trung Quốc hiện nay, đổi mới đồng nghĩa với sống sót.

Đây là lý do vì sao made in China vẫn sẽ là vua bất chấp chiến tranh thương mại - Ảnh 4.

AB

Cùng chuyên mục
XEM