Đây là lý do tại sao đôi khi bạn chẳng biết, chẳng hiểu người khác đang nói gì nhưng vẫn cực lực phản đối
“Tôi không chắc nó là cái gì, nhưng tôi phản đối”.
Tại sao trong cuộc sống, có những thứ chúng ta không nắm rõ, nhưng phản ứng đầu tiên và ngay lập tức của chúng ta đó lại là phản đối? Kể cả ở thế giới phương Tây, nơi mọi người được dạy nhiều hơn về tư duy logic và tư duy phản biện, tình trạng này vẫn xảy ra.
Sự phản đối - giống như một hành động vô thức của con người vậy. Seth Godin vốn là bậc thầy trong giới marketing, đã đưa ra lý lẽ phân tích về nguồn gốc của "sự bất đồng mù quáng" này.
Theo đó, Seth cho rằng thật sai lầm khi mọi người luôn tin rằng ai cũng tìm hiểu hết mọi sự thật trước khi đưa ra quyết định. Thay vào đó, họ kiên định với lối suy nghĩ: “Tôi không chắc nó là cái gì, nhưng tôi phản đối”.
Trên thực tế, hầu như con người chúng ta ra quyết định trước sau đó mới tìm hiểu xem liệu có cần điều gì đó để biện minh cho quyết định mang tính bản năng trước đó của mình hay không.
Hiện tượng kể trên được Seth gọi là "sự bất đồng mù quáng" và nó do 2 nguyên nhân chính gây nên:
- Đầu tiên là bởi tâm lý sợ thay đổi hay do họ quá hạnh phúc với trạng thái hiện tại. Những người này không phải đọc báo cáo, làm toán hay lắng nghe các chuyên gia. Với họ, bất kỳ câu hỏi ở dạng nào thì cũng chỉ là đề xuất thay đổi và câu trả lời luôn sẵn có là “KHÔNG”.
- Nguyên nhân thứ 2 (khá phổ biến nhất là trong lĩnh vực chính trị) là do tâm lý bầy đàn. Không cần nghiên cứu, tư duy hay tự vấn. Thay vào đó, nhóm người này chỉ tập trung vào yếu tố cảm xúc hoặc văn hóa để đưa ra quyết định và sau đó tìm hiểu sự thật sau.