Hiệu ứng Spotlight: Tại sao chúng ta lúc nào cũng có cảm giác như cả thế giới đang nhìn chằm chằm vào mình?
Chúng ta luôn đề cao sự xuất hiện và hành động của mình. Chúng ta cảm thấy khó khăn khi người khác không tập trung vào mình. Phát hiện cũng đồng thời cho thấy rằng mọi người luôn dùng trải nghiệm của mình để đo đếm những gì người khác đang nghĩ.
Đa phần chúng ta đều phải trải qua những tình huống khá lúng túng. Trượt chân ở cầu thang nơi đông người, đổ đồ uống vào một người lạ, ăn uống trong một cuộc trao đổi quan trọng, hoặc đơn giản là một ngày khiến ta bực dọc, khó chịu. Tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh như thế.
Tôi đã vấp ngã ở khuôn viên trường trong tuần trước, mặt tôi đỏ bừng và vội cúi đầu xuống. Tôi chắc rằng mọi người đang nhìn và cười thầm sau lưng tôi. Hiện tượng đó được gọi là “hiệu ứng spotlight” chỉ về sự kiện con người đánh giá quá cao việc người khác đang chú ý đến họ nhiều như thế nào.
Thomas Gilovich và các cộng sự đã làm một số nghiên cứu chứng minh hiện tượng và là những người đặt tên cho hiệu ứng này. Trong 2 nghiên cứu đầu tiên, họ cho những người tham gia ghé vào một phòng đầy sinh viên đang ngồi đối diện cửa trong thời gian ngắn.
Sau khi từng người rời phòng, họ sẽ được hỏi: Ước tính xem có bao nhiêu sinh viên trong phòng có thể nhớ được họ mặc sơ mi hay áo phông? Nghiên cứu này được thực hiện dưới vỏ bọc là “nghiên cứu về bộ nhớ”.
Họ đã tìm thấy gì?
Các nhà nghiên cứu yêu cầu các sinh viên mặc áo thun Barry Manilow (loại áo khiến người mặc cảm thấy ngượng ngùng) đánh giá tỷ lệ số người trong nhóm sẽ có thể nhận diện người trên áo thun. Trong khi các sinh viên đánh giá khoảng 50% thì trong thực tế chỉ có 25% có thể nhận ra Barry Manilow. Có vẻ như mặc một cái áo thun đặc biệt có thể khiến mọi người nghĩ rằng mình bị người khác chú ý nhiều hơn so với thực tế.
Thí nghiệm thứ ba, nhóm đã nghiên cứu về hiệu ứng spotlight không phải với sự xuất hiện mà là hành động. Họ chia mọi người vào các nhóm để nói về chủ đề “những vấn đề của thành phố” trong 30 phút.
Cuối buổi trao đổi, mỗi người sẽ thử ước tính xem cả nhóm sẽ đánh giá sự thể hiện của họ như thế nào và họ có đánh giá gì về phần trao đổi của thành viên khác trong nhóm. Như những thí nghiệm trước, dù cho người tham gia nghĩ họ làm đúng hoặc được yêu cầu nhớ lại những khoảnh khắc đáng xấu hổ thì họ có xu hướng đánh giá quá cao sự chú ý mọi người dành cho họ.
Vậy tại sao chúng ta nghĩ tất cả mọi người đều chú ý đến mình? Gilovich và đồng nghiệp cho rằng vì chúng ta quá tập trung vào bản thân, coi mình là trung tâm của vũ trụ.
Chúng ta luôn đề cao sự xuất hiện và hành động của mình. Chúng ta cảm thấy khó khăn khi người khác không tập trung vào mình. Phát hiện cũng đồng thời cho thấy rằng mọi người luôn dùng trải nghiệm của mình để đo đếm những gì người khác đang nghĩ.
Điểm mấu chốt: Nếu rơi vào hoàn cảnh cảm thấy xấu hổ thì cũng đừng nên chạy trốn vì có lẽ bạn là người duy nhất chú ý đến vấn đề này. Mọi người không chú ý đến sự xuất hiện và hành động của bạn bởi vì họ quá bận rộn với bản thân mình.