Đây là lý do dù Donald Trump có nói gì, khả năng TPP được Quốc hội Mỹ thông qua vẫn khá cao

01/12/2016 09:54 AM | Xã hội

Quốc hội Mỹ chưa từng có tiền lệ bác bỏ FTA khi Chính phủ đã ký kết. Do đó, khả năng cao khi trở thành Tổng thống, ông Donald Trump sẽ để hiệp định TPP trôi theo đúng tiến trình.

Đây là chia sẻ của Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương – Ngô Chung Khanh tại Hội thảo So sánh cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của VN trong WTO, TPP và EVFTA.

Theo ông Khanh, đến ngày 30/11 vẫn chưa có câu trả lời về số phận TPP. Theo quy định, TTP phải có hoa tiêu kinh tế trưởng là Mỹ nhưng tân Tổng thống Mỹ có nói rút khỏi TPP nhưng không biết cách thức rút như thế nào?

Một là cứ để TPP trôi đi như tiền lệ Mỹ đã làm với hiệp định của Hàn Quốc trước kia. Phải mất 4 năm sau khi đàm phán lại Tổng thống Mỹ mới trình Quốc hội và mới thông qua. Hoặc cách thứ hai là rút thẳng. Nhưng cho tới nay, trong lịch sử đàm phán của Mỹ chưa có tiền lệ.

Do đó, khả năng lớn là TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua.

Đánh giá về hiệp định này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, với TPP, cam kết của Việt Nam đã "đi xa" hơn rất nhiều những cam kết thời WTO. Việt Nam đã cân bằng được giữa việc “chọn cho và chọn bỏ". Hiệp định này đã đưa đến những chính sách rất thông thoáng, trong đó đã đạt đến cam kết những thứ chưa từng mở cửa được rất nhiều nước quan tâm trong quá trình đàm phán.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, không có TPP nữa thì Việt Nam vẫn phải tiến hành cải cách, bởi cải cách là yêu cầu tự thân của quốc gia và vượt lên được.

Bên cạnh đó, các kênh hội nhập khác cộng lại cũng quan trọng không kém TPP nên cần quan tâm khai thác. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ có TPP mà còn có Hiệp định thương mại song phương như BTA ký trước WTO và tiếp đó là BTA+.

Không có TPP nữa cũng sẽ đánh động Việt Nam hơn về việc tham gia vào chuỗi giá trị, từ đó xuất khẩu sẽ dần mang ý nghĩa bàn tay, trí tuệ của người Việt Nam.

“Ngoài ra, nếu không có TPP, Việt Nam sẽ nhận thức sâu thêm về nội lực quyết định chứ không phải cơ chế song phương hay đa phương. Nếu không phát huy được nội lực thì có bao nhiêu hiệp định thương mại tự do cũng không vượt lên được”, bà Lan cho hay.

M.Lan

Cùng chuyên mục
XEM