Đây là cách nhiều người biến 'giấc mơ Mỹ' thành hiện thực ngay cả khi tổng thống Donald Trump siết chặt nhập cư

26/07/2017 13:48 PM | Xã hội

Trong những ngày này, thị trường thị thực đầu tư theo diện EB5 tại Mỹ đang vô cùng nóng bỏng với việc Tổng thống Donald Trump quyết định thắt chặt chính sách nhập cư.

Tuy nhiên, hệ thống luật pháp Mỹ vẫn còn vô vàn cách để những nhà đầu tư nước ngoài có thể trở thành công dân Mỹ.

Một trong những phương pháp phổ biến nhất hiện nay là xin được cấp quyền công dân tại Grenada, một quốc gia tại vùng Caribbean, sau đó xin được cấp thị thực đầu tư diện E2 tại Mỹ dưới danh nghĩa công dân của Grenada và thậm chí xin nhập tịch dần vào Mỹ.

Rất nhiều hãng tư vấn thuế hay những công ty môi giới khuyến khích khách hàng thực hiện phương pháp này bởi những người nhập tịch Mỹ qua Granada không phải trả tiền thuế theo luật Mỹ với bất kỳ khoản thu nhập nào trên toàn cầu, một đặc điểm nổi trội so với những cách nhập tịch khác.

Đầu tiên, nhà đầu tư cần chi tối thiểu 200.000 USD để đầu tư tại Grenada và trở thành công dân của nước này trong vòng 12 tuần nếu mọi thủ tục thuận lợi. Sau đó, trong vòng tối thiểu 2 tháng họ có thể xin thị thực diện E2 với kỳ hạn 5 năm tại Mỹ. Với loại thị thực này, nhà đầu tư có thể làm việc, gửi con cái đến trường tại Mỹ và đi lại tự do giữa các nước để chăm lo cho việc kinh doanh ở quê nhà.

Tổng chi phí của các thủ tục này nếu thuận lợi vào khoảng 75.000 USD.

Đây là cách nhiều người biến giấc mơ Mỹ thành hiện thực ngay cả khi tổng thống Donald Trump siết chặt nhập cư - Ảnh 1.

Hộ chiếu Grenada đang thu hút nhiều nhà đầu tư Trung Quốc

Theo quy định hiện hành, hệ thống hành pháp Mỹ sẽ xem xét kỹ lưỡng quá trình làm thủ tục nhập tịch theo diện E2 với các chi tiết của dự án đầu tư cũng như công ty nhận tiền đầu tư. Dẫu vậy, bộ luật hiện hành không quy định nhà đầu tư theo diện này phải có bằng cấp, chứng chỉ về quản trị kinh doanh khi thực hiện đầu tư. Bởi vậy, phương pháp này thu hút được khá nhiều người giàu từ các nước.

Tuy nhiên, chương trình này cũng có cái khó của nó. Mặc dù diện E2 hoàn thành thủ tục nhanh chóng hơn rất nhiều so với EB5 nhưng chúng lại gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh. Nghĩa là sau khi trở thành công dân Grenada, nhà đầu tư phải thực sự xây dựng một công ty kinh doanh hoặc có làm ăn tại Mỹ. Họ phải lập văn phòng, mở tài khoản, có kế hoạch kinh doanh rõ ràng và bị giám sát.

Nếu dự án hoạt động tốt, thị thực sẽ được gia hạn mỗi 3-5 năm còn trong trường hợp ngược lại, nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ bị loại khỏi chương trình này.

Thêm vào đó, việc có thị thực dạng E2 không có nghĩa là nhà đầu tư chắc chắn nhận được thẻ xanh, hay nhập tịch vào Mỹ nếu sống lâu dài ở đây. Bởi vậy, phương án này cũng tiềm tàng những rủi ro của nó.

Grenada- Hòn ngọc tiềm ẩn dưới thời Tổng thống Trump

Nằm ở phía Tây vùng biển Caribbean, hòn đảo Grenada chỉ có hơn 100.000 người và đây là quốc gia có chính sách nhập cư ưu đãi thứ 2 trong khu vực theo bảng xếp hạng năm 2016 của GRCP.

Thành công của Grenada bắt đầu từ năm 2013 khi chính phủ nước này xây dựng chương trình nhập cư bằng đầu tư cho người nước ngoài. Tuy nhiên, dự án không thực sự thành công cho đến năm 2016 khi hãng Henley & Partners được Grenada trao quyền tái cơ cấu chương trình.

Kể từ đây, quốc tịch Grenada ngày càng được coi trọng khi là quốc gia duy nhất trong khu vực có khả năng nhập cảnh tự do vào Trung Quốc cũng như xin được thị thực dạng E2 vào Mỹ.

Đây là cách nhiều người biến giấc mơ Mỹ thành hiện thực ngay cả khi tổng thống Donald Trump siết chặt nhập cư - Ảnh 2.

Grenada nằm ở phía Tây vùng biển Caribbean

Số liệu của GRCP cho thấy chính sách nhập cư rộng rãi của Grenada cũng như những yêu cầu dễ dàng để duy trì tình trạng công dân khiến quốc gia Caribbean này trở thành điểm sáng cho nhà đầu tư khi diện EB5 bị thắt chặt.

Trong bảng xếp hạng của Henley & Partners, thị thực của Grenada đứng thứ 39 trên thế giới khi có thể tự do đi lại 121 nước, bao gồm các quốc gia nổi tiếng như Anh, Singapore, Trung Quốc, Hong Kong…

Grenada được giải phóng khỏi thực dân Anh vào năm 1974 nhưng vẫn nằm trong khối cộng đồng kinh tế chung của Anh. Ngôn ngữ chính ở đây là tiếng Anh và văn hóa, cuộc sống của người dân nơi đây cũng mang hơi hướng Phương Tây.

Trên thực tế, Grenada từng nổi tiếng về cây nhục đậu khi là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới về mặt hàng này. Tuy nhiên, ngành du lịch tại đây đã nhanh chóng trở thành nguồn thu ngân sách chính với 77% GDP. Những mảng khác như giáo dục, y tế, khoa học, nghệ thuật tại Grenada cũng phát triển không kém và đây là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ chấp nhận diện thị thực E2 đối với quốc gia này.

Hiện nay, Grenada đang có khoảng 7.000 sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học nơi đây.

Mặc dù vậy, xu hướng đầu tư thị thực đang nở rộ trên thị trường thế giới đã thúc đẩy Grenada hướng đến nguồn lợi nhuận khổng lồ này. Nhờ nền tảng thị thực tốt với nhiều quốc gia, Grenada đang dần trở thành địa điểm lý tưởng của nhà đầu tư quốc tế với chi phí thấp và những lợi ích lớn.

Để trở thành công dân tại đây, nhà đầu tư cần đóng góp từ thiện không hoàn lại tối thiểu 200.000 USD hoặc đầu tư bất động sản tối thiểu 350.000 USD. Chính phủ nơi đây sẽ xem xét qua lý lịch và hồ sơ của nhà đầu tư nhưng hệ thống kiểm tra không thực sự chặt chẽ và có thể bị đánh lừa bởi các công ty môi giới.

Hiện nay, động thái thắt chặt chương trình nhập cư của Tổng thống Trump được các chuyên gia đánh giá là đem lại nhiều lợi ích cho những nước vùng Caribbean khi họ chuyên kinh doanh thị thực. Thêm vào đó, vốn nổi tiếng là những thiên đường thuế nên việc Grenada có cơ hội xin thị thực vào Mỹ dễ hơn đang khiến nhiều chính trị gia chỉ trích.

Nếu trở thành công dân của quốc đảo Caribbean này, nhà đầu tư sẽ không phải đóng thuế thu nhập hay nhiều loại thuế khác. Ngay cả khi đầu tư kinh doanh tại Mỹ dưới dạng E2, các doanh nhân cũng có thể xin đóng thuế tại trụ ở ở Grenada và hưởng ưu đãi thuế tại đây.

BT

Cùng chuyên mục
XEM