Đầu thế kỷ 21, quốc gia này chưa có 1m đường sắt cao tốc nhưng bây giờ đang khiến cả Mỹ và Nhật bị tụt hậu
Không phải Mỹ hay Nhật Bản, Trung Quốc mới là nước sở hữu hệ thống đường sắt cao tốc đáng kinh ngạc nhất thế giới.
Cuối thế kỷ 20, những chuyến tàu chậm chạp với dịch vụ tệ hại vẫn thống trị khắp Trung Quốc . Hạn chế tốc độ khiến tuyến đường sắt Thượng Hải – Bắc Kinh trở thành hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn của mọi người. Tuy nhiên, hôm nay, đó là một bức tranh hoàn toàn khác. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.
Trung Quốc hiện có 37.900 km đường sắt cao tốc trên khắp đất nước, nối liền các thành phố lớn. Một nửa trong số đó được hoàn thành trong 5 năm qua và trong những tháng còn lại của năm 2021, Trung Quốc sẽ có thêm 3.700 km đường sắt cao tốc nữa. Đến năm 2035, Bắc Kinh tham vọng có 70.000 km đường sắt cao tốc.
Với tốc độ tối đa 350 km/h, đi lại liên tỉnh ở Trung Quốc đang có sự thay đổi bước ngoặt. Sự thống trị của các hãng hàng không cũng bị phá vỡ. Đến năm 2020, 75% các thành phố có dân số trên 500.000 người ở Trung Quốc có đường sắt cao tốc chạy qua.
Trung Quốc đang bỏ xa các nước phương Tây trong việc phát triển đường sắt cao tốc. Tây Ban Nha hiện có khoảng 3.200 km đường sắt cao tốc để tàu có thể chạy với tốc độ 250 km/h. Anh thì chỉ có 107 km trong khi Mỹ chỉ có duy nhất một tuyến đường sắt đáp ứng đủ tiêu chuẩn tàu cao tốc là Hành lang Đông Bắc của Amtrak với vận tốc 240 km/h.
Tham vọng đường sắt cao tốc của Trung Quốc chính là phương thức biểu đạt cho sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Địa hình rộng lớn, các tuyến đường sắt cao tốc tỏ ra rất có ý nghĩa với người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, đằng sau đó, Trung Quốc cũng muốn thể hiện mình như một siêu cường, không chỉ về kinh tế mà còn cả khoa học kỹ thuật.
Giống như tàu điện Shinkansen của Nhật Bản vào những năm 1960, đường sắt cao tốc là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Vài thập kỷ qua, Bắc Kinh đã hiện đại hóa nhanh chóng. Sức mạnh công nghệ cũng đang phát triển và sự thịnh vượng ngày càng gia tăng. Đường sắt cao tốc là sự tổng hòa của những thành tựu đó.
Ngoài ra, những tuyến đường sắt cao tốc cũng là công cụ mạnh mẽ để gắn kết xã hội, nêu bật vai trò của nhà nước cũng như giao lưu văn hóa… Bên cạnh những thành phố cũ, đường sắt cao tốc cũng nối tới những khu đô thị mới, nơi mở ra tiềm năng phát triển rộng lớn hơn cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trong quá khứ, những tuyến đường sắt đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nhiều quốc gia, châu lục. Những tuyến đường sắt sơ khai ở Bắc Mỹ, châu Âu và thuộc địa của các đế quốc châu Âu đã góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm, Trung Quốc đã vượt lên cả thế giới. Với 37.900 km đường sắt cao tốc, Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Người Trung Quốc đã tạo ra mạng lưới đường sắt cao tốc lớn chưa từng có. Chúng nhanh và tiện lợi hơn so với các chuyến bay nội địa ở nước này. Công nghệ cũng đang khiến việc vận hành hệ thống đường sắt Trung Quốc ngày càng nhanh gọn và tiện lợi. Những tấm vé giấy đang dần biến mất.
Ban đầu, Trung Quốc dựa vào công nghệ đường sắt cao tốc nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản để xây dựng mạng lưới của mình. Những gã khổng lồ về kỹ thuật đường sắt toàn cầu như Bombardier, Alstom và Mitsubishi đều rất muốn hợp tác với Trung Quốc bởi tiềm năng khổng lồ mà thị trường này mang lại.
Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, các doanh nghiệp trong nước của Trung Quốc mới là những đơn vị tiên phong trong ngành công nghiệp này. Thậm chí, họ còn trở thành những tên tuổi hàng đầu thế giới về kỹ thuật tàu cao tốc. Chính sự mở rộng nhanh đáng kinh ngạc tại tại Trung Quốc giúp họ hoàn thiện mình một cách nhanh chóng.
Quy mô khổng lồ của mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc tạo ra những thách thức đáng kinh ngạc cho các kỹ sư. Những tuyến đường sắt đôi khi đóng băng ở Cáp Nhĩ Tân, những tuyến đường ở vùng cận nhiệt đới của đồng bằng châu thổ sông Châu Giang hay đường sắt cao tốc chạy qua sa mạc đòi hỏi những kỹ thuật khác nhau. Vượt qua thách thức này, các chuyên gia đường sắt cao tốc Trung Quốc có chuyên môn sâu rộng nhất thế giới.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng chóng mặt đó cũng có những vấn đề của nó, đặc biệt là trong việc cấp vốn, lập kế hoạch và phê duyệt cấp phép…. Ngoài ra, vụ tai nạn thảm khốc vào tháng 7/2011 ở Ôn Châu đã giáng một đòn mạnh vào tham vọng đường sắt Trung Quốc. Hai chiếc tàu cao tốc đâm nhau trên một cầu cạn và trật bánh khiến 4 toa rơi xuống đất, làm 40 hành khách thiệt mạng và 200 người bị thương.
Đó là thời điểm mà niềm tin của công chúng Trung Quốc vào đường sắt cao tốc bị lung lay. Ngay sau đó, việc giảm tốc hàng loạt diễn ra và nhiều tuyến mới bị tạm ngừng để chờ một cuộc điều tra chính thức. Tuy nhiên, đó cũng là sự cố lớn duy nhất cho đến nay. Kể từ vụ tai nạn, số lượng hành khách sử dụng tàu cao tốc tăng theo cấp số nhân khi mạng lưới được mở rộng.
Đến cuối năm 2020, Trung Quốc vận hành 9.600 chuyến tàu cao tốc mỗi ngày, bao gồm cả các tuyến đường dài có dịch vụ phòng ngủ qua đêm. Trên một số tuyến, 80% đường sắt cao tốc chạy trên những chiếc cầu cạn qua những thành phố đông đúc và những vùng đất nông nghiệp có giá trị.
Ngoài ra, có hơn 100 đường hầm, với mỗi được dài hơn 10km, được tạo ra để phục vụ các đoàn tàu. Bên cạnh đó, những cây cầu dài bắt qua các chướng ngại, chẳng hạn như dòng sông Dương Tử, khiến cho các công trình càng trở nên hoành tráng.