Đầu tháng 10, có tiền gửi ngân hàng nào để nhận lãi suất cao nhất?

04/10/2022 18:07 PM | Kinh doanh

Chỉ trong vòng 1 tuần, có những ngân hàng đã thay đổi biểu lãi suất tới 2-3 lần. Thậm chí, còn 4 tháng nữa mới đến Tết nhưng đã có ngân hàng triển khai chương trình ưu đãi "đón xuân" để tăng phần thu hút người gửi tiền.

Tính đến ngày 4/10/2022, lãi suất huy động cao nhất trên thị trường đã lên mức 8,4%/năm (áp dụng cho các khoản tiền nhỏ).

Cụ thể, VietCapitalbank thông báo cho biết, ngân hàng mới ra mắt sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Với lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được nhận được lãi suất 7,5%/năm - 7,8%/năm - 8%/năm - 8,2%/năm tương ứng với các kỳ hạn 6 – 9 – 12 – 15 tháng. Đặc biệt với kỳ hạn 18 tháng, mức lãi suất nhận được là 8,4%/năm. Lãi suất trên được cố định trong suốt thời gian gửi. Chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi sau 6 tháng có thể tự do chuyển nhượng dưới nhiều hình thức.

Ngoài VietCapitalbank, một số ngân hàng cũng đã đẩy lãi suất lên trên 8%/năm. Điển hình như ngân hàng số Cake by VPBank đã niêm yết lãi suất cao nhất là 8,2%/năm, dành cho các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn gửi 36 tháng.

Với số tiền lớn hàng trăm tỷ đồng thì ABBank đang có lãi suất cao nhất, lên tới 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, số tiền gửi từ 500 tỷ đồng. MSB cũng có lãi suất cao nhất 8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng – 36 tháng với số tiền từ 500 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác đã nâng lãi suất cao nhất lên xấp xỉ 8%năm như Kienlongbank, VietABank,…

Tại Kienlongbank, khách hàng gửi lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng theo hình thức trực tuyến sẽ có lãi suất 7,9%/năm. Đối với kỳ hạn 15-18 tháng, lãi suất của nhà băng này cũng đã tăng lên 7,8%/năm.

VietABank cũng đang niêm yết lãi suất cao nhất là 7,9%/năm, tuy nhiên khách hàng chỉ cần gửi kỳ hạn từ 15 tháng theo hình thức trực tuyến là đã được hưởng mức lãi suất này. Với kỳ hạn từ 12 tháng-13 tháng, lãi suất của VietABank thuộc top cao nhất thị trường là 7,7-7,8%/năm.

Thấp hơn một chút, đối với mức lãi suất 7,5%/năm, người gửi tiền sẽ có nhiều lựa chọn hơn bởi có thêm cả những ngân hàng lớn. Hiện những ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất quanh vùng 7,5%/năm có thể kể đến Techcombank, VPBank, MB, Sacombank, OCB, DongABank, CBBank, NamABank, SCB, BacABank,…

Bên cạnh thay đổi biểu lãi suất, nhiều ngân hàng còn tung các chương trình ưu đãi, khuyến mại và tặng quà để thu hút người gửi tiền.

Chẳng hạn như BIDV đang triển khai chương trình ưu đãi đến hết 31/10. Theo đó, khách hàng gửi mới hoặc quay vòng tiền gửi tiết kiệm tại các chi nhánh BIDV kỳ hạn 1-12 tháng, trả lãi cuối kỳ, hàng tháng với số tiền từ 300 triệu đồng sẽ nhận quà tặng tiền mặt. Khách hàng gửi càng nhiều, số lượng quà tặng càng lớn.

Từ 15/9-30/11, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến trên ứng dụng Ngân hàng số OCB OMNI sẽ được tham gia vòng quay may mắn trúng thưởng với hàng trăm phần quà. Theo đó,với mỗi sổ tiết kiệm điện tử gửi mới tối thiểu 5 triệu đồngthỏa điều kiện chương trình, khách hàng sẽ nhận được mã lượt quay tham gia vòng quay may mắn online. Khách hàng có bao nhiêu mã lượt quay thì được quay bấy nhiêu lượt. Giải thưởng cao nhất của chương trình là xe máy Honda SHB 150i cao cấp ABS có giá trị 100 triệu đồng.

Thậm chí, còn 4 tháng nữa mới đến Tết nguyên đán nhưng đã có ngân hàng rục rịch triển khai chương trình "đón xuân". Cụ thể, từ 3/10-30/12, VietBank triển khai chương trình khuyến mãi "Xuân như ý, Lộc tỷ đồng" dành cho các khách hàng cá nhân tham gia gửi tiết kiệm và mở tài khoản thanh toán. Khi gửi tiết kiệm tại quầy, gửi tiết kiệm online từ 25 triệu đồng trở lên và thỏa các điều kiện của chương trình, khách hàng sẽ được nhận những quà tặng tiện ích như: nồi điện đa năng, bàn ủi hơi nước, máy hút bụi, dù cầm tay, bộ thớt nhà bếp… tùy theo số tiền và kỳ hạn gửi.

Theo đánh giá của chứng khoán SSI, nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động đã quay về giai đoạn trước Covid 19 và áp lực vẫn còn tương đối lớn, khi chênh lệch huy động – tín dụng chưa được cải thiện nhiều.

Trên thực tế, số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng tương đối yếu trong 9 tháng đầu năm, khi chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%. Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động – tín dụng duy trì ở vùng âm kể từ tháng 7 năm nay.

Theo Minh Vy

Cùng chuyên mục
XEM