"Đầu tàu kinh tế" TP Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng tốc

07/10/2023 18:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Tiêu dùng nội địa giữ vững vai trò trụ đỡ, các chính sách miễn, giãn thuế bước đầu phát huy tác dụng giúp GRDP của TP Hồ Chí Minh tăng trưởng 6,7% trong quý III/2023.

Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những nỗ lực của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, "đầu tàu" kinh tế đã có những chuyển biến tích cực trong 2 quý vừa qua.

Nếu ví diễn biến phát triển kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cả năm nay là 1 trận bóng đá có 4 hiệp đấu, tương ứng với 4 quý. Thì hiệp 1 có thể nói là đã thua khi tổng sản phẩm địa phương của Thành phố (GRDP) tăng trưởng rất thấp chỉ 0,7%. Qua đến hiệp 2 và mới nhất hiệp 3, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã quay trở lại nhịp chiến thắng khi lần lượt tăng trưởng 5,8% trong quý II, và 6,7% trong quý III. Đưa mức tăng trưởng GRDP qua 9 tháng hiện ở mức 4,57%.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu ban đầu là cả năm nay đạt mức tăng trưởng 7,5%, thì hiệp cuối cùng của trận bóng, tức là quý IV còn lại GRDP phải tăng được 15%. Một con số rất thách thức trong bối cảnh khó khăn. Chính quyền Thành phố cũng đặt ra 2 kịch bản tăng trưởng thấp hơn là 6,5% và 5,5%... thì GRDP trong quý IV cũng phải đạt tương ứng 11% và 9%. Kết quả cuối cùng như thế nào, sẽ phụ thuộc lớn vào các động lực tăng trưởng, trong đó khu vực dịch vụ đóng vai trò lớn.

"Điểm sáng" tăng trưởng dịch vụ

Tháng 9 vừa qua là lần đầu tiên chính quyền TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình khuyến mãi hàng hiệu tập trung. Có thương hiệu đến từ Itally áp dụng mức giảm cao nhất 80% đủ khiến tâm lý chi tiêu tiết kiệm của nhiều người trở nên cởi mở hơn.

"Tôi mua được 5 cái túi xách, giảm 70% luôn", bà Trần Thị Kim Phương, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Hơn 3.100 doanh nghiệp tham gia với hơn 8.000 chương trình khuyến mãi đã diễn ra sôi động ở TP Hồ Chí Minh trong suốt mùa hè vừa qua. Điều này cho thấy các doanh nghiệp rất kỳ vọng vào chương trình khuyến mại tập trung kéo dài nhất từ trước đến nay. Nhà bán lẻ MM Mega Market cho biết, riêng 3 tháng khuyến mại tập trung, sức mua cũng tăng gần 11% so với quý trước đó.

"Trước đây chúng tôi đầu tư 10 đồng vào chương trình khuyến mãi thì hiện nay đầu tư khoảng 30 đồng. Ngược lại sẽ cắt giảm các chi phí về tiếp thị, marketing", ông Đinh Quang Khôi, Phó Giám đốc Marketing MM Mega Market cho biết.

Đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng tốc - Ảnh 1.

Lần đầu tiên chính quyền TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình khuyến mãi hàng hiệu tập trung

Trong khi đó, Công ty Dịch vụ Lữ Hành Chim Cánh Cụt cũng ghi nhận doanh thu qua 9 tháng tăng 40% so với cùng kỳ nhờ biết cách kết hợp các chương trình du lịch trải nghiệm kết hợp mua sắm.

"Đưa khách tới trung tâm thương mại để kích cầu sản phẩm du lịch nội địa cũng như sản phẩm địa phương. Khách cũng đến sử dụng các dịch vụ như ăn uống, vui chơi giải trí trong trung tâm thương mại", ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ Hành Chim Cánh Cụt cho biết.

Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP của Thành phố, là điểm sáng bù đắp cho xuất nhập khẩu suy giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng của thành phố ước đạt hơn 870.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Dù vậy giới chuyên gia nhìn nhận, tổng cầu nội địa hiện khá thấp so với tiềm năng, thông thường tăng trưởng đến hai con số, nhưng hiện chỉ ở mức 8%. Do đó để phát huy tốt hơn vai trò của khối dịch vụ, cần tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi tập trung có quy mô và kéo dài.

Gõ "điểm nghẽn" đầu tư công

Bên cạnh sức bật từ tiêu dùng trong nước, đầu tư công được nhiều lần khẳng định là động lực rất quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh. Với kết quả giải ngân hiện tại thì trong 3 tháng cuối cùng của năm, để đạt được mục tiêu giải ngân được 95%, ước tính Thành phố sẽ cần giải ngân hơn 42.000 tỷ đồng. Con số cao hơn nhiều so với giá trị giải ngân của cả năm trước đó.

Như với Chính quyền quận 8, TP Hồ Chí Minh được giao hơn 700 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay. Thời gian công khai minh bạch dự án, lấy ý kiến người dân theo quy định thì không thể rút ngắn. Nhưng thời gian xử lý hồ sơ trong nội bộ chính quyền thì có thể.

Áp dụng quy định giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các thủ tục dự án đầu tư công giữa sở ngành, quận huyện. Nhờ vậy đến hết quý III, quận 8 đã giải ngân được hơn 50% vốn được giao.

"Cách thức lấy ý kiến của các thành viên trong hội đồng, đơn vị có thẩm quyền để ban hành các văn bản pháp lý cũng được rút ngắn. Nên thời gian giải quyết các hồ sơ, đặc biệt là về thẩm định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để thực hiện công tác bồi thường đã được đẩy nhanh", ông Phạm Quang Tú, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận 8, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Ước tính hết 9 tháng năm nay, TP Hồ Chí Minh giải ngân được gần 22.580 tỷ đồng. Đạt 32% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Dù giá trị tuyệt đối tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ lệ thấp hơn nhiều so với mục tiêu.

Chính quyền Thành phố nhận định, các quý cuối năm đang gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Cần sự chủ động rất lớn từ chính quyền các địa phương.

"Chi phí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay thì có chậm hơn so với dự kiến. Các địa phương hiện nay cũng cam kết sẽ giải ngân phần vốn này. Đây là nhóm chiếm đến 30% chi phí giải ngân của 3 tháng cuối năm", ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết.

Đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng tốc - Ảnh 2.

"Điểm sáng" trong giải ngân đầu tư công của TP Hồ Chí Minh là các dự án vốn lớn, trọng điểm (Ảnh minh hoạ)

"Điểm sáng" trong giải ngân đầu tư công của TP Hồ Chí Minh là các dự án vốn lớn, trọng điểm như Vành đai 3 cơ bản giữ được tiến độ. Giới chuyên gia cho rằng nên tập trung thúc đẩy giải ngân nhóm dự án lớn trong thời gian còn lại.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Đồng Giảng viên Trường Đại học Indiana (Hoa Kỳ) cho biết, trong bối cảnh hiện tại, việc tháo gỡ tất cả những khó khăn để tạo ra chuyển động cho cả hệ thống sẽ rất khó. Mà nên tập trung vào những dự án trọng điểm, vấn đề trọng điểm để làm cho bằng được. Hay là tập trung vào các cơ chế hành chính mới mà có thể tạo ra sự thay đổi lớn.

"Chúng ta không chỉ đưa ra những giải pháp khắc phục cho 3 tháng cuối năm, mà còn phải chuẩn bị cho năm sau. Nếu không thì năm sau lại "giẫm chân" lên nữa. Chúng ta làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, tổ chức, cá nhân, địa phương, đơn vị nào, công trình nào để xử lý nghiêm túc trách nhiệm", ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng vừa ủy quyền cho chính quyền quận, huyện, TP Thủ Đức quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường từ ngày 1/9 năm nay. Kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tính chủ động cho địa phương, với tầm nhìn đẩy tiến độ đầu tư công cho năm sau ngay từ bây giờ.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tái khẳng định sẽ tiếp tục triển khai giải pháp để đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể. Tuy nhiên cũng cho rằng "đầu tàu" kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, do đó cách tiếp cận sẽ là nỗ lực tối đa nhưng không đặt nặng việc chạy theo con số. Quan trọng nhất là việc phát triển kinh tế phải bền vững, với tầm nhìn trung - dài hạn.

Theo VTV Digital

Cùng chuyên mục
XEM