Đâu là yếu tố tạo mang lại doanh thu cho điện ảnh Việt?
Điện ảnh Việt Nam muốn phát triển tốt cần phải phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư nguồn nhân lực và đa dạng hóa các thể loại phim.
Đó là nhận định của ông Sim Joon Beom – Tổng Giám đốc công ty CJ CGV Việt Nam (CGV) về điện ảnh Việt Nam.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng - chuyện không của riêng ai
Ước tính trong năm 2017, tổng doanh thu thị trường điện ảnh đạt khoảng 3.200 tỷ đồng với 45 triệu lượt khán giả tới rạp, tăng mạnh so với hơn 2.800 tỷ đồng - 38 triệu lượt khán giả năm 2016. Theo thống kê từ www.uis.unesco.org , số màn hình chiếu phim trung bình trên 1 triệu dân của Việt Nam chỉ là 7 màn hình, trong khi ở Trung Quốc, con số này là 23, Nhật Bản là 26 và Mỹ là 126.
Bên cạnh đó, số lần người Việt đến rạp xem phim trung bình chỉ đạt 0,4 lần/năm; trong khi Thái Lan là 1 lần/năm, Malaysia khoảng 2 lần/năm hay Singapore là 4 lần/năm. Những số liệu trên đã phần nào chứng minh được tiềm năng phát triển lớn của thị trường điện ảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, việc nâng cấp hạ tầng điện ảnh tại các vùng miền chưa có sự phát triển đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại đầu tư xây dựng cụm rạp ở các tỉnh thành xa do rủi ro thu hồi vốn cao hơn nhiều so với các thành phố lớn.
Ông Sim Joon Beom – Tổng Giám đốc công ty CJ CGV Việt Nam (CGV).
Phát triển điện ảnh Việt – bắt đầu từ con người
Nhân lực của ngành điện ảnh Việt Nam ngày càng có chất lượng tốt hơn bởi những chính sách đào tạo từ nhà nước và các doanh nghiệp, nhà sản xuất... Tuy nhiên, để đáp ứng sự phát triển ngày càng lớn mạnh của điện ảnh Việt, thì nhu cầu xây dựng đội ngũ các nhà biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên trẻ tài năng vẫn rất cấp thiết.
Đa dạng hóa thể loại phim – động lực từ thị trường
Theo ông Beom, trong 35 bộ phim Việt ra rạp trong năm 2017, chủ yếu vẫn là thể loại phim hài, hành động và kinh dị.
Thực tế, điện ảnh Việt có lợi thế lớn trong việc thu hút đầu tư nhờ nền chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phát triển nhanh cùng với nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng. Tốc độ tăng trưởng của ngành cũng rất khả quan, khoảng 25% mỗi năm trong 5 năm qua. Với đà phát triển này, Việt Nam có thể vươn lên trở thành 1 trong 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu trong tương lai không xa.
Ông Beom cho rằng, bên cạnh những tiềm năng lớn, một trong những thách thức quan trọng là làm thế nào để các đơn vị trong ngành điện ảnh cùng tập trung đầu tư theo tầm nhìn dài hạn ở 3 mảng cốt lõi kể trên, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam.