Đâu là nút thắt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

18/10/2017 18:36 PM | Kinh tế vĩ mô

Chín tháng đầu năm 2017 chỉ cổ phần được 11 doanh nghiệp nhà nước. Với việc sửa đổi Nghị định 59, ông Đặng Quyết Tiến - Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính hy vọng sẽ xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến định giá doanh nghiệp mà đất đai đang là nút thắt.

* Ông nhận xét thế nào về những quy định pháp lý liên quan đến đất đai của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa?

- Một doanh nghiệp khi cổ phần sẽ mất khoảng 9 tháng xác định giá trị doanh nghiệp. Do đó, trong Dự thảo Nghị định 59 sửa đổi, chúng tôi đã đề xuất 5 phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, 8 phương pháp xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục chần chừ cồ phần hóa khi các quy định pháp lý đã rất rõ ràng.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, danh tính 747 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần đã được công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Một số doanh nghiệp đã chủ động đẩy nhanh tiến độ cổ phần.

Nhìn chung, đến nay tiến độ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước vẫn rất chậm, khó hoàn thành chỉ tiêu 44 doanh nghiệp mà Chính phủ đặt ra cho cả năm 2017.

* Ông nói gì về giá 0 đồng khi định giá các khu đất vàng để cổ phần doanh nghiệp nhà nước gần đây?

- Theo quy định, chỉ định giá 0 đồng với các khu đất cho thuê và với điều kiện đúng quy hoạch. Ở đây, tiền thuê đất có thể trả hằng năm hoặc một lần. Liên quan đến hơn 5.000m2 "đất vàng" của Hãng Phim Truyện Việt Nam được định giá 0 đồng, không có chuyện chưa đối chiếu quy hoạch đất rõ ràng đã cổ phần hóa doanh nghiệp. Những vấn đề như vậy, các công ty tư vấn phải có nhiệm vụ tư vấn cho doanh nghiệp cổ phần hóa.

* Như ông nói, vai trò của quy hoạch đất là quan trọng?

- Quy hoạch đất và phương án sử dụng đất là điểm mấu chốt xác định giá trị đất của các doanh nghiệp cổ phần được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời là bộ phận cấu thành trong bản cáo bạch khi chào bán cổ phần. Cũng theo quy định, các thông tin về quy hoạch đất đai, phương án sử dụng đất phải được công bố rất rõ ràng, minh bạch trong bản cáo bạch, công khai tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, tư vấn doanh nghiệp cổ phần hóa thường bỏ qua vấn đề này.

Trở lại việc cổ phần Hãng Phim Truyện Việt Nam, nhà đầu tư phải chứng minh được kế hoạch không chuyển mục đích sử dụng đất, khu đất đó chỉ để làm phim, mươi năm nữa cũng chỉ để làm xưởng phim, làm rạp chiếu bóng. Nếu nhà đầu tư trả lời rõ ràng những vấn đề này với cán bộ, nhân viên Hãng Phim thì đã không có chuyện khiếu kiện.

Trường hợp TP. Hà Nội chưa có quy hoạch đất Hãng Phim, đơn vị tư vấn phải đề nghị ban chỉ đạo cổ phần hóa báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để làm việc lại với TP. Hà Nội theo đúng quy định pháp luật.

* Bộ Tài chính sẽ làm gì để xử lý những bất cập liên quan đến đất đai của các doanh nghiệp cổ phần?

- Ngay cả khi nghị định mới khắc phục được cơ bản những tồn tại, thì Bộ Tài chính cũng chỉ là đơn vị tư vấn về chính sách cổ phần hóa, trong khi việc thực hiện liên quan tới nhiều bộ, ngành và địa phương.

Chẳng hạn, việc thoái vốn ở Habeco và Sabeco sẽ góp phần bảo đảm được nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm này là 60.000 tỷ đồng, nhưng Bộ Tài chính vẫn phải kiến nghị để Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại hai doanh nghiệp này, đảm bảo hoàn thành để chuyển tiền về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1/12 tới.

Chín tháng đầu năm 2017 đã có 34 doanh nghiệp nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần, trong đó có 11/44 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa năm 2017. Tổng giá trị thực tế của 34 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 80.636 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng.

(Nguồn: Cục Tài chính Doanh nghiệp)

* Cám ơn ông!

Theo SONG ANH thực hiện

Cùng chuyên mục
XEM