Đâu là lý do khiến HP từ chối đề nghị mua lại của Xerox?

21/11/2019 10:11 AM | Xã hội

Hội đồng quản trị của Hewlett-Packard (HP) đã nhất trí từ chối lời đề nghị mua lại của Xerox, dù không hoàn toàn chặn đứng nỗ lực của Xerox để hợp nhất hai tên tuổi từng là "thế lực" một thời trong làng công nghệ này.

Hội đồng quản trị của Xerox đã bắt đầu thảo luận về khả năng mua lại HP vào đầu tháng này. Mặc dù thực tế là HP có quy mô lớn gấp ba lần so với Xerox, nhưng Xerox cho biết họ đang tạo ra tiền mặt bằng cách bán các cổ phần khác nhau trong những bộ phận trước đây của doanh nghiệp mình. Wall  Street Journal cũng đưa tin rằng Xerox đã được một ngân hàng lớn đồng ý cho vay để thực hiện giao dịch này nếu thỏa thuận giữa hai bên được thông qua. Xerox đã đưa ra một đề nghị mua lại "không được mong muốn" vào ngày 05/11.

Tuy nhiên, hội đồng quản trị HP cảm thấy đề nghị của Xerox "định giá thấp đáng kể" công ty mình, theo một bức thư gửi cho Phó chủ tịch và CEO của Xerox là John Visentin vào hôm Chủ nhật vừa qua. Xerox đề nghị mua HP với giá 33,5 tỷ USD hoặc 22 USD mỗi cổ phiếu – trong đó gồm 17 USD tiền mặt và 0,137 cổ phiếu Xerox cho mỗi cổ phiếu HP - một thỏa thuận định giá HP cao hơn mức vốn hóa thị trường gần 30 tỷ USD của họ.

"Hội đồng quản trị của chúng tôi đã đọc lại và xem xét đề xuất không được mong muốn của các bạn vào ngày 05/11/2019 tại một cuộc họp với các cố vấn tài chính và pháp lý của chúng tôi và nhất trí kết luận rằng nó định giá thấp đáng kể HP và không mang lại lợi ích tốt nhất cho các cổ đông HP", HP viết trong lá thư. "Hội đồng cũng xem xét bản chất không chắc chắn và đi kèm nhiều điều kiện của đề xuất, bao gồm cả tác động tiềm tàng của mức nợ lớn hơn bình thường đối với cổ phiếu của công ty khi được sáp nhập".

Trong thư, Hội đồng quản trị của HP cho biết họ có "niềm tin rất lớn" vào chiến lược và khả năng "tiếp tục thúc đẩy giá trị lâu dài bền vững" của công ty mình.

Tuy nhiên, họ đã không hoàn toàn dập tắt khả năng sáp nhập với Xerox.

Về phần mình, Xerox chưa có phản hồi khi được yêu cầu bình luận.

Trong những năm gần đây, hai công ty công nghệ nổi tiếng của Mỹ này đã tạo ra được các dự án lớn kiếm được nhiều tiền, bỏ xa những doanh nghiệp in ấn lâu đời khác, nhưng những khoản thu nhập đó đang giảm dần.

HP đã khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên khi tăng trưởng nhanh hơn dự đoán sau khi tách khỏi HP Enterprise hồi năm 2015. Tuy vậy, họ đã gặp khó khăn trong những quý gần đây. Tháng trước, công ty này tuyên bố sẽ cắt giảm từ 7.000 đến 9.000 việc làm vào năm 2020. HP gần đây cũng đã mất cựu CEO Dion Weisler, người đã từ chức vào đầu tháng này vì vấn đề gia đình.

Tương tự, Xerox hiện phụ thuộc vào doanh số bán máy móc và máy in, chủ yếu là cho các tập đoàn, để có được phần lớn lợi nhuận của mình - và doanh số trong mảng kinh doanh đó đang bị thu hẹp vì hoạt động của các công ty ngày càng được "số hóa".

Trong đề xuất mua lại của mình, Xerox lập luận rằng thỏa thuận giữa hai doanh nghiệp tương tự nhau có thể mang lại những khoản tiết kiệm chi phí khoảng 2 tỷ USD thông qua một chuỗi cung ứng kết hợp, mạng lưới phân phối và nhóm nghiên cứu và phát triển, cũng như bằng cách "hợp lý hóa" các chức năng khác của công ty.

HP cũng có thể chịu một số áp lực sáp nhập từ Carl Ichan, người hiện sở hữu 4,24% cổ phần của HP cùng với 10,6% cổ phần tại Xerox. Tuần trước, Ichan nói với Wall Street Journal  rằng việc sáp nhập sẽ cho phép hai công ty cắt giảm chi phí và mang lại một bộ sản phẩm in ấn có nhiều cải tiến.

Trong bức thư hôm Chủ nhật, Hội đồng quản trị HP cho biết họ công nhận "lợi ích tiềm năng của việc hợp nhất" và sẵn sàng "khám phá xem liệu có giá trị nào được tạo ra cho các cổ đông HP thông qua một sự kết hợp tiềm năng với Xerox hay không". Tuy nhiên, Hội đồng đã nêu lên mối lo ngại về việc doanh thu của Xerox bị giảm trong năm qua, khi nói rằng "nó đặt ra những câu hỏi quan trọng đối với chúng tôi về quỹ đạo của doanh nghiệp và những triển vọng tương lai của các bạn".

Tuy nhiên, Hội đồng quản trị HP cho biết họ sẵn sàng thảo luận thêm về khả năng sáp nhập.

Theo Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM