Đấu giá mỹ thuật: Có đáng tin?: Bán tranh “giá trên trời”

08/09/2018 09:07 AM | Xã hội

Giá bán tranh tại các sàn đấu bị đẩy lên cao ngất, dù người bán lẫn người mua không biết giá trị bức tranh ấy như thế nào, thật hay giả.

Tất cả các tác phẩm nghệ thuật bán ra ở sàn đấu giá đều có những mức giá cao chất ngất, từ vài ngàn USD tới vài chục ngàn USD một bức. Nhưng tại sao người mua vẫn lui tới sàn đấu giá để chọn "rinh về" các tác phẩm có giá trên trời, kể cả khi khó thẩm định đó là tranh thật hay giả?

Có không "bắt tay" ngầm?

Bản chất của sàn đấu giá là phải có nhiều hơn hai người mua, cho nên việc dùng chiêu "thổi giá" được coi là một biện pháp bình thường ở tất cả các sàn đấu giá trên thế giới. Tuy nhiên, với nền móng sơ khai, thể hiện rõ sự thiếu chuyên nghiệp, cơ sở pháp lý lỏng lẻo của thị trường mỹ thuật ở Việt Nam hiện tại, trình độ hiểu biết của công chúng và người mua nghệ thuật chưa cao, chiêu trò của sàn đấu giá có khi khó lường. Đã có những câu hỏi đặt ra là có hay không sự bắt tay giữa người bán và sàn đấu giá để cố tình nâng giá trị của những tác phẩm nghệ thuật không xứng tầm với mức giá bán ra?

Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc điều hành nhà đấu giá Chọn, không thừa nhận việc này nhưng cho biết: "Một số nhà buôn tranh có thủ thuật để mua được tranh thật với giá tốt bằng cách tung tin tranh đó là giả để mình mua được. Còn phía người mua cũng có tình trạng "nhường" nhau, không đấu để có được mức giá mua thấp tại phiên đấu giá, đôi khi họ ngầm thống nhất không mua tranh đấu giá để hạ giá tranh của một họa sĩ nào đó xuống, nhờ đó họ có thể mua các tranh khác của họa sĩ đó với mức giá thấp trên thị trường".

Theo giám tuyển Nguyễn Như Huy: "Sàn đấu giá cần giữ vai trò khách quan, trung gian, minh bạch. Trong trường hợp nhà đấu giá chỉ tìm cách tạo ra giá trị theo kiểu "bơm thổi" như dùng các công cụ truyền thông, các mẹo đẩy giá tức thời, hay người mua không rõ lai lịch sưu tầm, nhưng trả giá cao bất thường,... sẽ là mối nguy hại cho người mua".

Mua vì yêu thích

Bà Hoàng Tuyết Hạnh (người mua tranh ở sàn đấu giá TP.HCM) cho rằng: "Nếu xem xét việc mua tranh như một khoản đầu tư thì khó khẳng định được đâu sẽ là một khoản đầu tư tốt, có thể bảo toàn vốn. Khi mua một cổ phiếu bạn có thể định giá doanh nghiệp, dự phóng tương lai doanh nghiệp... nhưng với tác phẩm nghệ thuật, việc dự phóng tương lai không dễ dàng bằng các phương pháp tính toán. Phải có khiếu nghệ thuật và lựa chọn đúng tác giả, đúng xu hướng thì tác phẩm có thể tăng giá nhiều lần, ngược lại sẽ là khoản đầu tư tồi. Khi tham gia đấu giá tôi chọn tác phẩm yêu thích vì nếu tương lai tăng giá thì tuyệt vời, còn không thì vẫn vui vì đấy là tác phẩm mình thích, có giá trị tinh thần cho bản thân mình".

Ông Nguyễn Đình Thành (người mua tranh ở Hà Nội) cũng nghĩ rằng khi có thị trường nghệ thuật, các tác phẩm nghệ thuật chứa giá trị như một tờ ngân phiếu có thể dùng để bảo đảm, để bảo lãnh, để thanh toán, để đầu tư, để thừa kế, để chuyển tiền… "Hơn nữa, khi trái tim lên tiếng thì bánh xe lý trí sẽ ngừng quay, tay sẽ ngừng đếm. Đó là một hình ảnh vui, minh họa cho tâm lý mua vì yêu thích. Giá cao hay thấp còn phụ thuộc vào chiến thuật mua và bán và khả năng đọc vị thị trường" - ông Nguyễn Đình Thành nói.

Thiếu thẩm định khoa học

Sự việc tranh chấp bản quyền bức tranh lụa "Con gái nhà văn Dương Thu Hương" trong phiên đấu giá số 15 ở sàn đấu giá Chọn (Hà Nội, tháng 7-2018) không phải là tác phẩm của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương đã làm phát lộ sự thật là "làng" mỹ thuật Việt thiếu những phương tiện cơ bản nhất để thẩm định khoa học cho mọi tác phẩm.

Trước đây, bức tranh "Phố" của danh họa Bùi Xuân Phái được bán đấu giá với mức trên 2 tỉ đồng (102.000 USD) nhưng bị giới chuyên môn cho là tranh giả chứ không phải tác phẩm thật. Lần bán đấu giá đó cũng không có bất cứ phương tiện khoa học nào để thẩm định bức tranh.

Khi giới chuyên môn phát hiện ra 17 bức tranh của các cố họa sĩ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái nằm trong bộ sưu tập "Những bức tranh trở về từ châu Âu" của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, triển lãm hồi năm 2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, đa phần là giả, cơ quan chức năng chuyên ngành cũng chỉ có thể thành lập hội đồng thẩm định có sự tham gia của các họa sĩ danh tiếng, với phương pháp thẩm định bằng quan sát, kết hợp với khả năng phân tích, lý luận chuyên môn chứ không phải cơ sở giám định khoa học bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại.

Ở Việt Nam chưa có một trung tâm thẩm định tác phẩm nghệ thuật bằng biện pháp khoa học nào, nên tình trạng "loạn" tác phẩm thật giả trên sàn đấu giá rất dễ xảy ra.

"Tôi rất mong muốn được xác định bức tranh "Con gái nhà văn Dương Thu Hương" thuộc sở hữu của mình là thật hay giả" - nhà sưu tầm Phạm Việt Phương tha thiết. Còn ông Trần Quốc Hùng khẳng định: "Nhà đấu giá sẵn sàng cùng với nhà sưu tầm mời hội đồng thẩm định độc lập gồm các họa sĩ tên tuổi để thẩm định tác phẩm nghệ thuật nhằm làm rõ trắng đen vì đây cũng là uy tín của sàn đấu giá. Chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp khoa học để xác định tuổi tranh, kể cả trong trường hợp phải đưa ra nước ngoài để có phương tiện thẩm định".

Các nhà chuyên môn cho rằng khi bước chân đến sàn đấu giá nghệ thuật, hành trang họ đem theo rất cần khả năng tinh đời, sự táo bạo, chiến thuật và chiến lược, cùng mối quan hệ khăng khít với nhiều nghệ sĩ từ trong quá khứ tới đương đại, mới mong không rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười vì phải ôm về một bức tranh giả với giá cao ngất.

Lợi dụng "thổi giá" để rửa tiền?

Liệu bản chất của sàn đấu giá hiện nay có phải là nơi tập hợp các tay nhà giàu thi nhau "thổi giá" để rửa tiền, kể cả với tác phẩm giả? Bà Lý Thị Bích Ngọc, Giám đốc Lythi Auction (TP HCM), cho rằng: "Giá trị các giao dịch tại thị trường đấu giá trong nước hiện nay tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với các ngành khác để có thể gọi là bị lợi dụng rửa tiền". Theo bà Lý Thị Bích Ngọc, qua quan sát các sàn đấu giá quốc tế nhiều năm nay, thấy thế giới sống chung với những vấn đề về thật - giả, giá trị mua bán, tính thanh khoản, sự phát triển của thị trường… đó là môi trường làm việc hoàn toàn bình thường. Thị trường mỹ thuật vẫn tồn tại và tăng trưởng tốt khi có các chuyên gia giỏi, những nhà quản lý có kiến thức.

Theo Hòa Bình

Cùng chuyên mục
XEM