Dấu chấm hết cho trật tự kinh tế thế giới mà chúng ta vẫn biết: Lịch sử 1918 lặp lại?
Trong những năm sắp tới, chúng ta sẽ biết điều gì xảy ra khi mạng lưới đó bị xé nát, khi hàng triệu mối kết nối bị phá hủy cùng một lúc. Và đại dịch cũng mở ra khả năng về 1 nền kinh tế thế giới hoàn toàn khác biệt so với hiện trạng đã được duy trì suốt mấy chục năm nay.
Khi những sự kiện kinh tế lớn gây chấn động nổ ra, sẽ phải mất vài năm để chúng ta nhận ra đầy đủ những tác động của nó, và thường thì đó là những “đường xoắn trôn ốc” theo những hướng không thể dự báo được.
Ai có thể nghĩ rằng cuộc khủng hoảng bắt đầu từ những vụ vỡ nợ khoản vay thế chấp ở ngoại ô nước Mỹ năm 2007 lại có thể dẫn đến khủng hoảng tài khóa ở Hy Lạp năm 2010? Hoặc ai có thể tưởng tượng cú sụp đổ của TTCK New York năm 1929 sẽ góp phần giúp chủ nghĩa phát xít trỗi dậy mạnh mẽ ở châu Âu trong những năm 1930?
Kinh tế thế giới là 1 mạng lưới các mối kết nối chằng chịt, phức tạp và vô tận. Chúng ta có thể nhìn thấy những mối quan hệ trực tiếp: bạn biết mình mua hàng ở cửa hàng nào, ông chủ trả tiền lương hàng tháng cho bạn là ai, ngân hàng nào cung cấp cho bạn khoản vay mua nhà. Nhưng mở rộng thêm 2 đến 3 lớp nữa, bạn gần như không thể tự tin nói về cách thức hoạt động của những mối liên hệ này.
Điều đó càng làm trầm trọng thêm những thiệt hại kinh tế mà đại dịch Covid-19 có thể gây ra.
Trong những năm sắp tới, chúng ta sẽ biết điều gì xảy ra khi mạng lưới đó bị xé nát, khi hàng triệu mối kết nối bị phá hủy cùng một lúc. Và đại dịch cũng mở ra khả năng về 1 nền kinh tế thế giới hoàn toàn khác biệt so với hiện trạng đã được duy trì suốt mấy chục năm nay.
“Khi chúng ta có thể quay trở lại với các hoạt động kinh tế thường ngày, đó mới chỉ là khởi đầu của rắc rối”, Adam Tooze, nhà sử học tại ĐH Columbia và là tác giả của cuốn “Crashed” viết về những tác động của khủng hoảng tài chính 2008 nhận định. “Đây là thời kỳ của sự bất ổn từ gốc rễ, là sự thay đổi ở cường độ mạnh hơn bất kỳ thứ gì chúng ta từng chứng kiến”.
Trong bối cảnh thiếu chắc chắn như hiện nay, sẽ là ngu ngốc nếu bạn đưa ra những dự báo quá tự tin về chuyện trật tự kinh tế thế giới sẽ như thế nào trong 5 năm, thậm chí là 5 tháng nữa.
Nhưng bài học rút ra từ các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây là những ảnh hưởng đáng ngạc nhiên này có xu hướng bắt nguồn từ những nhược điểm đã tồn tại rất lâu nhưng không được giải quyết. Các cuộc khủng hoảng luôn khơi lên những vấn đề mà trong quãng thời gian tươi đẹp chúng ta thường phớt lờ.
Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là toàn cầu hóa, trong đó các công ty có thể chuyển hoạt động sản xuất đến bất cứ nơi nào mà họ cho là hiệu quả nhất, ai cũng có thể bước lên máy bay và đi đến gần như bất cứ đâu, và tiền có thể chảy đến nơi nào được sử dụng hiệu quả nhất.
Nhưng ý tưởng rằng kinh tế toàn cầu lấy Mỹ làm trung tâm vốn không còn đúng như trước, khi mà Trung Quốc trỗi dậy và bản thân nước Mỹ tự quay lại với chủ nghĩa dân tộc. Và có những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ phóng đại và củng cố thêm những thay đổi này.
“Sẽ có làn sóng các quốc gia phải suy nghĩ lại về mức độ phụ thuộc vào bất cứ nước nào khác”, Elizabeth Economy, giáo sư tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ nhận định. “Tôi không nghĩ là về cơ bản thì đây là dấu chấm hết cho toàn cầu hóa, nhưng rõ ràng cuộc khủng hoảng này thôi thúc các nước suy nghĩ về chính quyền Trump, rằng trong thời điểm khủng hoảng thì Mỹ cần những công nghệ quan trọng, các nguồn lực quan trọng và khả năng sản xuất ở ngay tại quê nhà”.
Những ngày này chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng những bằng chứng cho thấy toàn cầu hóa đang suy yếu. Bộ trưởng Tài chính Pháp đã chỉ đạo các công ty Pháp đánh giá lại chuỗi cung ứng, giảm mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Mỹ thì thông báo siết xuất khẩu một số mặt hàng y tế. Thậm chí thượng nghị sĩ Lindsey Graham kiến nghị rằng Mỹ nên trừng phạt Trung Quốc vì đã không thể kiểm soát virus bằng cách hủy những khoản nợ mà chính phủ Trung Quốc đang nắm giữ - 1 động thái đẩy trái phiếu kho bạc Mỹ trước nguy cơ đánh mất vị thế quan trọng trong hệ thống tài chính quốc tế.
Kể cả trước khi đại dịch ập đến, những hạn chế của toàn cầu hóa cũng đã trở nên rõ ràng hơn. Tỷ trọng đóng góp của thương mại trong GDP đạt đỉnh vào năm 2008 và từ đó đến nay đã luôn đi xuống. Sự kiện ông Trump đắc cử và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung buộc nhiều tập đoàn đa quốc gia phải suy nghĩ lại về hoạt động của mình.
“Tôi nghĩ rằng các công ty đang chủ động nói về sự kiên cường, tức là họ nên sẵn sàng đánh đổi hiệu suất - vốn được đánh giá theo từng quý - để lấy sự bền bỉ trong dài hạn hay không. Có rất nhiều cú sốc có thể ập đến: thiên tai, biến đổi khí hậu, đại dịch hay bất kỳ cú sốc nào khác”, Susan Lund, chuyên gia đang làm việc tại công ty tư vấn McKinsey nhận định.
Theo bà, thương mại toàn cầu sẽ không suy sụp nghiêm trọng nhưng sẽ có xu hướng dịch chuyển sang các khối thương mại khu vực và tập trung nhiều hơn vào việc buộc các công ty xây dựng năng suất dư thừa trong chuỗi cung ứng. Các chính phủ có lẽ sẽ yêu cầu một số mặt hàng nhất định, như dược phẩm và thiết bị y tế, phải dựa nhiều hơn vào nguồn cung trong nước để tránh rơi vào tình trạng cả thế giới điên đảo đi tìm khẩu trang như hiện nay.
Gần đây Trung Quốc cũng đã chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế, với mục tiêu không còn là trung tâm sản xuất giá rẻ cho cả thế giới mà sẽ trở thành nơi làm ra những thiết bị công nghệ tân tiến như máy bay và thiết bị viễn thông. Điều đó khiến Mỹ, châu Âu và Nhật lo sợ về tình trạng ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Dưới thời Trump, Mỹ đã căng thẳng với cả những đồng minh lâu năm như một số nước Tây Âu. Theo nhiều cách thì Covid-19 càng củng cố thêm chủ nghĩa dân tộc.
“Thông thường thì sau 1 cuộc khủng hoảng như thế này mọi người đều nói về kỷ nguyên mới và về thế giới hậu đại dịch sẽ như khác biệt như thế nào. Nhưng lần này tôi nghĩ những xu hướng thay đổi vốn đã manh nha từ trước và đại dịch sẽ đẩy nhanh quá trình đó”, Ruchir Sharma, chiến lược gia của Morgan Stanley Investment Management nói.
Trong lần gần đây nhất thế giới đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa - thời chiến tranh thế giới thứ nhất là đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 - hệ thống tài chính toàn cầu đã được làm mới hoàn toàn, với đồng bảng Anh mất đi ngôi vua.
Điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trong cuộc khủng hoảng lần này, nhưng những dấu hiệu ban đầu chỉ ra 1 hướng đi khác: đồng USD càng củng cố vị thế trung tâm hệ thống tài chính toàn cầu.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã mở kênh hoán đổi ngoại tệ với 14 NHTW nước ngoài (tức cho phép họ bơm thẳng USD vào hệ thống ngân hàng nội địa) và bắt đầu chương trình mới cho phép các nước khác mua USD bằng cách lấy trái phiếu kho bạc Mỹ làm tài sản đảm bảo. Những động thái này nhằm đảm bảo tình trạng khan hiếm USD toàn cầu sẽ không khiến thế giới chao đảo.
Trong khi đó các quan chức châu Âu lưỡng lự trước những bước đi có thể củng cố vai trò của đồng euro trong hệ thống tiền tệ quốc tế hiện tại, ví dụ như phát hành trái phiếu được bảo lãnh chung bởi các nước eurozone. Trung Quốc cũng chưa sẵn sàng cải tổ hệ thống tài chính theo cách tăng cường vai trò của đồng nhân dân tệ trong hệ thống thương mại quốc tế, ví dụ như tự do hóa dòng chảy vốn và tỷ giá.
Mark Carney, Thống đốc NHTW Anh, tháng 8 năm ngoái đã có 1 bài phát biểu gây nhiều chú ý khi cho rằng hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế hiện tại bị phụ thuộc quá nhiều vào USD và do đó không bền vững. Tuy nhiên đại dịch sẽ càng củng cố thêm hệ thống này, dù vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng.
Hệ thống lấy USD làm trung tâm như hiện nay rõ ràng là không bền vững, nhưng giống như 1 chiếc xe đạp vậy, nếu bạn là người lái giỏi thì chiếc xe đạp đó vẫn tuyệt dù không hề vững vàng. Và Fed đang tỏ ra là 1 người lái xe thành thạo.
Trong 12 năm qua đã có một vài lần chúng ta cảm thấy thế giới như đang lặp lại thời kỳ 1918 - 1939. 12 năm qua chúng ta chứng kiến hệ thống tài chính toàn cầu chao đảo, một số chính phủ chuyên chế trỗi dậy, 1 siêu cường quốc tế nổi lên và giờ là cả đại dịch.
Chúng ta không biết chính xác cuộc khủng hoảng này sẽ dẫn đến đâu. Nhưng có 1 điều khá rõ ràng: lịch sử sẽ rất đáng sợ khi bạn không biết nó kết thúc như thế nào.
Tham khảo New York Times