‘Đắt quá’: Lời than trời vì đồ cúng gia tiên lên tới vài triệu đồng dịp Tết Nguyên Đán, các bà nội trợ Hàn Quốc bỏ nhà đi du lịch nước ngoài
Hội chứng quá tải vì việc nhà khiến người Hàn Quốc trở thành nước đứng đầu khu vực về số lượng du khách đi chơi nước ngoài trong Tết Nguyên Đán và địa điểm ưa thích hàng đầu là Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan.
Tờ SCMP cho hay bà nội trợ Kim Hee Hyun đã vô cùng sốc khi đi chợ địa phương mua hàng tạp hóa chuẩn bị cho bữa cơm Tết Nguyên Đán.
Theo SCMP, một giỏ trái cây hạng sang cho lễ cúng gia tiên được bán ở siêu thị có giá trung bình 150.000 Won (2,7 triệu đồng), bao gồm một quả táo 20.000 Won (366.000 đồng), một quả lê 20.000 Won, một quả xoài 20.000 Won, một quả xạ hương 45.000 Won (830.000 đồng)...
Nguyên nhân là lạm phát thực phẩm ở Hàn Quốc đã tăng cao do thời tiết khắc nghiệt, bao gồm mưa đá, rét đậm, mưa lớn và bão lũ đã gây thiệt hại cho mùa màng, qua đó đẩy giá trái cây, rau củ tăng mạnh từ cuối tháng 9/2023.
"Tôi biết là giá cả năm nay sẽ đắt hơn nhưng mức này thì đắt quá. Quýt và táo là những sản phẩm tăng giá nhiều nhất", một người đàn ông 62 tuổi ở Gwangju-Hàn Quốc than thở khi đi chợ.
Số liệu chính thức của Hàn Quốc cho thấy mức tăng giá nông sản trong tháng 1/2024 của nước này cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ lạm phát bình quân 2,8%. Ví dụ giá táo tăng đến 56,8% trong khi lê và quýt tăng tương ứng 41,2% và 39,8%.
Hậu quả là những bà nội trợ chịu trách nhiệm chuẩn bị nghi lễ cúng gia tiên truyền thống cho tổ tiên, hay còn gọi là Charye, ngày càng cảm thấy khó khăn hơn.
Theo phong tục truyền thống, các gia đình Hàn Quốc thường muốn bày tỏ lòng kính trọng với tổ tiên trong dịp Tết Nguyên Đán, hay còn gọi là Seollal, có xu hướng mua các mặt hàng nông sản hay sản phẩm cao cấp cho lễ cúng.
Tuy nhiên việc những mặt hàng thiết yếu này tăng giá khiến nhiều bà nội trợ gặp khó khăn giữa việc cần bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên theo phong tục truyền thống hay tiết kiệm chi phí eo hẹp.
"Chúng tôi không thể bỏ qua những mặt hàng nông sản thiết yếu này trong lễ cúng gia tiên được", chị Kim cho hay.
Chị Cho Mi Hak, một bà nội trợ 66 tuổi ở Hàn Quốc cho hay giá táo và lê hạng sang gần đây đã tăng gấp đôi trong khi giá rau xanh cũng tăng mạnh. Trong khi đó giá thịt lại khá ổn định so với cùng kỳ năm trước.
Quá tải
Theo SCMP, Tết Nguyên Đán là dịp lễ để người Hàn Quốc trở về thăm quê hương, đoàn tụ cùng gia đình, tổ chức tiệc tùng, cúng gia tiên, thăm mộ tổ tiên, trẻ em được nhận lì xì.
Tuy nhiên dịp lễ này lại đang trở thành gánh nặng với những bà nội trợ và giới trẻ khi phải lo mua sắm hàng hóa, bếp núc chuẩn bị cho các bữa tiệc ngày Tết.
Những người vợ, người mẹ hay người con tại Hàn Quốc đang cảm thấy ngày càng quá tải với những công việc không tên trong khoảng thời gian đáng lẽ ra phải được nghỉ ngơi.
Thậm chí, Hàn Quốc còn có thuật ngữ "Myongjol Syndrome" (Hội chứng ngày lễ) để ám chỉ đến hội chứng quả tải của các bà nội trợ trong dịp Tết Nguyên Đán.
Hậu quả của áp lực này là các chị em phụ nữ Hàn Quốc thường có xu hướng mua sắm xa hoa, vung tay quá trán sau kỳ nghỉ lễ để giải tỏa căng thẳng.
Tuy nhiên giới trẻ ngày nay thì không còn chấp nhận với việc phải chịu sức ép ngày lễ để rồi tốn tiền mua sắm xa xỉ sau đó nữa. Ngày càng nhiều bà nội trợ Hàn Quốc từ bỏ các lễ nghi cúng gia tiên để đi du lịch nước ngoài với gia đình dịp Tết Nguyên Đán.
Số liệu của Agoda cho thấy Hàn Quốc đứng đầu danh sách các quốc gia trong khu vực có số lượng khách du lịch ra nước ngoài lớn nhất trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Nhật Bản là điểm đến ưa thích của du khách Hàn Quốc, tiếp theo là Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan và Philippines.
Với những bà nội trợ vẫn muốn làm lễ cúng như chị Kim thì dịp Tết năm nay trở nên đau đầu hơn bao giờ hết. Bối cảnh lạm phát khiến gia đình phải thăt lưng buộc bụng và tiết kiệm đồ cúng gia tiên trở thành nỗi đau khó chịu.
"Vì phải đặt số lẻ lên bàn cúng gia tiên nên tôi thường xếp 5 quả táo xịn, nhưng năm nay có lẽ chỉ là 3 quả. Chắc bố mẹ chồng đã mất của chúng tôi sẽ hiểu cho hoàn cảnh gia đình", chị Kim cho hay.
*Nguồn: SCMP