Đặt chân vào thị trường ớt, CJ mở thêm mặt trận đối đầu Masan

22/06/2016 09:08 AM | Kinh doanh

CJ tuyên bố rót 2,1 triệu USD trồng ớt tại Ninh Thuận. Khi nguồn nguyên liệu ổn định, tập đoàn Hàn Quốc này sẽ đầu tư nhà máy sản xuất ớt , một phần kinh doanh tại Việt Nam, một phần sản xuất kim chi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Là một quốc gia có nền ẩm thức phong phú, các loại gia vị, nước chấm là một phần không thể thiếu với các món ăn của người Việt, trong đó các gia vị làm từ ớt là một ví dụ điển hình. Từ thành thị đến nông thôn, từ các cửa hàng hạng sang cho đến các quán vỉa hè, gần như nơi đâu cũng xuất hiện bóng dáng của ớt như ớt quả, ớt bột, tương ớt, dấm ớt, ớt chưng...

Trước thị trường còn nhiều tiềm năng, tập đoàn CJ mới đây đã chính thức quyết định đầu tư trồng ớt tại Việt Nam. Trang VnExpress dẫn thông tin từ ông Chang Bok Sang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CJ tại Việt Nam cho biết, sau nửa năm thử nghiệm thành công việc trồng ớt tại Ninh Thuận, tập đoàn CJ quyết định chi 2,1 triệu USD cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) kết hợp với nông dân tại đây trồng 10ha ớt.

Vụ mới sẽ khởi động từ đầu tháng 7. CJ sẽ cung cấp giống, phân bón, đồng thời đem tiến sĩ, kỹ sư nông nghiệp Hàn Quốc sang hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác và chăm sóc. Dự kiến với 10ha ớt mỗi năm công ty có thể thu được 200 tấn.

"Nếu 10ha ớt đầu tiên sản xuất thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ở nhiều tỉnh thành khác trên đất nước Việt Nam, dần dần hướng tới mục tiêu có vùng nguyên liệu 500ha. Vùng nguyên liệu này có thể thay thế nguồn hàng từ Trung Quốc", ông Chang bộc bạch.

Khi vùng nguyên liệu ớt ổn định, CJ sẽ đầu tư nhà máy chế biến ớt tại tỉnh. Một phần ớt chế biến xong sẽ dùng để sản xuất kim chi tại Việt Nam, số còn lại xuất khẩu sang Hàn Quốc. CJ cho rằng, Việt Nam là nơi cho ớt chất lượng tốt, ngon và cay hơn so với nhiều quốc gia khác.

Với nhà máy chế biến ớt, CJ sẽ đặt chân vào thị trường mà Masan đang thống lĩnh. Theo báo cáo năm 2014, Masan sở hữu 43% thị trường tương ớt, xếp sau là Cholimex với tỷ lệ 37%. Tuy nhiên, sau đó Masan đã mua 32,8% cổ phần tại Cholimex, thương vụ được Masan đánh giá là giúp tập đoàn "tiếp cận nhanh hơn đến phân khúc giá trị này".

Theo báo cáo của Masan, quy mô thị trường tương ớt 2014 khoảng 847 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng sản lượng 11%/năm và tăng trưởng giá trị là 20%.

Việc lấn sân vào thị trường tương ớt cho thấy CJ đang rất quyết liệt với phân khúc đồ ăn. Trước đó, tập đoàn Hàn Quốc đã có ý định mua cổ phần tại Vissan, nhằm tiếp cận thị trường thịt 18 tỷ USD, nhưng kết quả đấu giá lại thất bại trước chính Masan. Điều đáng tiếc là mức giá CJ đưa ra là 120.000 đồng/cổ phần, chỉ thấp hơn 6.000 đồng so với mức giá của Masan là 126.000 đồng/cổ phần.

Không chỉ cạnh tranh trên thị trường thịt và tương ớt, CJ và Masan còn là đối thủ trên cả thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi. Masan sở hữu thương hiệu Proconco còn CJ đang xây dựng 4 nhà máy sản xuất với quy mô 200 triệu USD. Mặc dù vậy, 2 tập đoàn này không chiếm các vị trí đầu ngành (thuộc về CP và Cargill), và thị trường thức ăn chăn nuôi còn rất rộng lớn.

Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng bình quân mảng thực phẩm của CJ là 86%/năm, và tập đoàn này đặt mục tiêu tăng trưởng tiếp 71% năm 2016. Đây là con số lớn nhất so với các mảng kinh doanh khác của CJ.

Trong một thông báo phát đi hồi cuối năm 2015, CJ cho biết tập đoàn này sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào nông thôn Việt Nam, đồng thời nêu rõ “Sau khi nghiên cứu thị trường tiêu dùng, CJ CheilJedang xác định Việt nam là vị trí chiến lược quan trọng…”.



Các mãng kinh doanh của CJ tại Việt Nam, trong đó điện ảnh chỉ là một trong 4 mảng lớn


Các mãng kinh doanh của CJ tại Việt Nam, trong đó điện ảnh chỉ là một trong 4 mảng lớn

CJ vào Việt Nam từ năm 1998, nhưng chỉ nổi lên từ năm 2014 sau thương vụ mua lại hệ thống Megastar và đổi tên thành CJ CGV. Đến nay CGV sở hữu 217 phòng chiếu, chiếm hơn 40% thị trường phim rạp.

Năm 1998, khi tiến vào Việt Nam, CJ thành lập công ty CJ Vina Agri, chuyên sản xuất và kinh doanh các loại thức ăn chăn nuôi. Đến nay, CJ đã có 3 nhà máy tại Long An, Vĩnh Long và Hưng Yên.

Với bán lẻ - Hậu cần, CJ Việt Nam hiện có kênh TV Shoping và hai công ty con khác là CJ IMC và CJ Korea Express cung cấp dịch vụ hậu cần.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM