Đạo diễn phim “Ròm": “Tôi từng thất vọng vì sự tung hô của mọi người sau LHP Cannes, suốt 8 năm luôn giữ niềm tin “Ròm" sẽ chiến thắng"

17/06/2020 21:54 PM | Sống

Dành trọn tuổi trẻ để sản xuất “Ròm" - phim điện ảnh Việt Nam đoạt giải cao nhất tại LHP Busan năm 2019, Trần Thanh Huy đã từng trải qua những khoảng thời gian thất vọng rồi sung sướng đến rơi nước mắt trên suốt hành trình khó khăn ấy.

RÒM chính thức công chiếu từ 31/7/2020 trên toàn quốc.

8 năm sản xuất với một giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 - giải New Currents, và 40 triệu đồng tiền phạt, chỉnh sửa một vài đoạn, cuối cùng, phim “Ròm” đã có giấy phép phát hành của Cục Điện ảnh vào ngày 01/04 vừa qua. Gặp gỡ Trần Thanh Huy sau “thời khắc lịch sử" ấy, đối diện với tôi không phải là một đạo diễn vui sướng tột cùng khi “đứa con tinh thần" được công chiếu tại Việt Nam, cũng không hề có một lời than thở phải chỉnh sửa “Ròm" sau kiểm duyệt. Trải qua cả một hành trình dài đến như vậy, đạo diễn Trần Thanh Huy vẫn giữ được sự hồn nhiên khi nói về đam mê làm phim của mình, vẫn hào hứng với những dự định nghệ thuật còn dang dở phía trước, và cũng không ngại thừa nhận sai lầm của bản thân trong lúc tạo ra “Ròm". 

Chúng tôi gọi một ly cà phê sữa đá, ngồi bên hiên quán cà phê ẩn sâu trong một chung cư cũ kỹ giữa quận 1. Đây sẽ là một cuộc phỏng vấn “rất Sài Gòn”, đúng như tinh thần của phim “Ròm" - kể những câu chuyện có thật trong cuộc sống, dù câu chuyện ấy tồn tại quá nhiều khía cạnh gai góc và tăm tối. 

Đạo diễn phim “Ròm: “Tôi từng thất vọng vì sự tung hô của mọi người sau LHP Cannes, suốt 8 năm luôn giữ niềm tin “Ròm sẽ chiến thắng - Ảnh 2.

Xin chúc mừng anh vì “Ròm” đã được công chiếu tại Việt Nam. Hẳn anh đã có rất nhiều cảm xúc khi nhận được thông tin này.

Tôi đã khóc. Mặc dù trong suốt quá trình chờ đợi, tôi vẫn giữ niềm tin “Ròm” sẽ vượt qua, nhưng khi nghe tin, tôi vừa vui, vừa bối rối. Ban đầu, tôi nộp lên Cục điện ảnh bản phim đã tham dự LHP Busan. Sau đó, tôi nhận các ý kiến từ hội đồng duyệt phim quốc gia, cố gắng thực hiện những yêu cầu chỉnh sửa từ các cô chú và trao đổi về những thứ mình muốn giữ lại. 

Tôi tin rằng phiên bản này sẽ đáp ứng được yêu cầu của khán giả Việt Nam. Những điểm đắt giá nhất và những cảnh tôi tâm huyết nhất vẫn còn ở đó. Hội đồng duyệt phim đều là những người dày dặn kinh nghiệm và lắng nghe những chia sẻ của một nhà làm phim trẻ như tôi. Trong suốt nhiều tháng, tôi đã bay ra Hà Nội 2 - 3 lần để làm việc trực tiếp với mọi người, cũng như nói chuyện qua điện thoại rất nhiều lần. Tôi nghĩ, cá nhân mỗi cô chú trong hội đồng đều mong muốn “Ròm" có thể ra rạp. 

Quãng thời gian ấp ủ Ròm  

Khi nhận án phạt 40 triệu đồng và đối diện với nguy cơ cấm chiếu ở Việt Nam, anh có nghĩ điều này đến một phần từ mình?

Tôi nhận lỗi về phía mình. Tôi đã không nghĩ đến chuyện gửi phim đi tranh giải quốc tế thì phải chuẩn bị những gì. Khi tôi gửi “Ròm” đến LHP Busan, bộ phim mới chỉ là bản nháp. Tôi đã chờ 8, 9 tháng để LHP sàng lọc từ 6000 -7000 tác phẩm xuống còn 300 phim chiếu rạp và tranh giải. 

Thời điểm ấy, tôi không nghĩ “Ròm" sẽ được công chiếu ở Việt Nam bởi nó là một bộ phim của người trẻ. Chúng tôi đi từ điểm đáy của sự đam mê cho tới lúc tìm được những nhà đầu tư chung đam mê với mình. Chúng tôi làm phim không vụ lợi, ngay cả nhà đầu tư cũng không nghĩ có thể thu lời từ bộ phim này. “Ròm" là một cuộc chơi những nhà làm phim. 

Đạo diễn phim “Ròm: “Tôi từng thất vọng vì sự tung hô của mọi người sau LHP Cannes, suốt 8 năm luôn giữ niềm tin “Ròm sẽ chiến thắng - Ảnh 4.

Tại sao lại là những cậu bé bán vé dò? Anh lấy ý tưởng và cảm hứng từ đâu cho câu chuyện độc đáo này? 

“16:30” là tác phẩm tôi làm cho kỳ thi tốt nghiệp của mình, nên tôi muốn tìm một ý tưởng độc lạ, đặc biệt. Một ngày nọ, tôi chạy xe trên cầu Thị Nghè, bỗng bắt gặp mấy đứa nhỏ chạy bán vé dò, một cảnh tượng vụt qua rất nhanh trong 30 giây thôi. Trong đầu tôi loé lên suy nghĩ: “Cái này hay nha" và chợt nhớ ra ngày xưa mình cũng từng chơi trò này. Hồi đó, tôi hay chơi cùng các bạn trẻ em đường phố. Tôi hay xin đi bán vé dò cùng để lấy tiền đó ăn bánh, chơi điện tử, còn tụi nó bán vé dò để sinh sống. Hai mục đích hoàn toàn khác nhau. Ký ức này thôi thúc tôi tìm hiểu thêm về đời sống của những đứa trẻ đó. Tôi mất nhiều tháng để thâm nhập vào thế giới ấy và cũng may mắn khi xung quanh gia đình tôi là cuộc sống của những người dân lao động. 

Nhưng khi bắt tay vào sản xuất “Ròm", anh có ngờ rằng mình tốn tới 8 năm trời cho một tác phẩm? 

Thời gian ghi hình “Ròm" là vào tháng 6/2016 nhưng trước đó là cả một quá trình tôi mang dự án của mình đi vòng quanh thế giới, tham gia tất cả những workshop, hội chợ dự án phim và đào tạo nhà sản xuất trẻ. Tôi muốn chứng minh cho các nhà sản xuất, nhà đầu tư thấy “Ròm" là một bộ phim xứng đáng được bỏ tiền làm. Ví dụ ở hội chợ dự án Busan, chỉ có 15 tác phẩm lọt vào vòng “pitching" nhưng phải vượt qua hàng trăm dự án khác. 

Từ tháng 6/2016 tới tháng 1/2018, tôi mất 89 ngày để quay phim “Ròm" nhưng không phải là quay liên tục. Tôi vừa quay, vừa dựng phim. Tính ra, thời gian dựng phim là 3 năm, quay phim là 2 năm. Sau khi dựng phim, tôi còn đi xin tiền một vòng nữa để có kinh phí làm âm thanh tại Pháp cho “Ròm". Mất vài năm cho chuyện quay phim và hậu kỳ là một quy trình hết sức bình thường của những bộ phim điện ảnh trên thế giới. Ở Việt Nam, không chỉ riêng tôi, những bạn trẻ làm phim cũng phải trải qua một quá trình đi xin tiền, quay phim, dựng phim và hậu kỳ rất dài. 

Liên hoan phim Cannes và hành trình 8 năm  

Điều gì giúp anh vẫn giữ được tinh thần làm phim… vì đam mê như vậy, khi mang ngần ấy gánh nặng “cơm áo gạo tiền" trên vai?

Phải giữ lấy tinh thần đó thì tôi mới tạo ra nguồn năng lượng dồi dào để giúp những người đồng hành cùng mình có niềm tin mạnh mẽ vào “Ròm". Thời điểm tôi trở về từ LHP Cannes, mỗi năm tôi nhận được 2-3 dự án làm phim từ tất cả những nhà phát hành lớn ở Việt Nam. Tôi từ chối hết những lời mời đó, không phải vì tôi… chảnh, mà vì tôi muốn làm một bộ phim vì tuổi trẻ của mình, vì đam mê, vì mình muốn làm câu chuyện này và vì niềm tin rằng chắc chắn nó sẽ tốt.  

Đạo diễn phim “Ròm: “Tôi từng thất vọng vì sự tung hô của mọi người sau LHP Cannes, suốt 8 năm luôn giữ niềm tin “Ròm sẽ chiến thắng - Ảnh 6.

Việc phim ngắn “16:30” được chiếu trong hạng mục “Góc phim ngắn" của LHP Cannes năm 2013 có phải một trong những động lực để anh phát triển nó thành “Ròm"?

Tôi thất vọng sau khi trở về từ LHP Cannes. Tôi nhận ra bản thân phải khép mình lại để tập trung học hành, phát triển con đường làm phim điện ảnh. Từ cuối năm 2012 cho đến tháng 6 năm 2013, tôi lên báo rất nhiều. Mọi người coi tôi như một hiện tượng trong giới làm phim Việt. Nhưng điều đó khiến tôi cảm thấy đau khổ vì sự tung hô của người khác. Vậy nên, khi tôi sản xuất “Ròm" và dựng phim đến bản thứ mười mấy rồi, truyền thông còn không biết tôi đang làm gì cho tới lúc Ròm xuất hiện tại LHP Cannes. 

Nguồn cơn của sự đau khổ và thất vọng của anh khi đó là?

Tôi được đi Cannes vì phim ngắn “16:30” lọt vào hạng mục “Góc phim ngắn" của LHP. Nhưng những phim ngắn không được chiếu ở rạp, mà chỉ chiếu trên một màn hình máy tính nhỏ. Trong máy tính ấy có hơn 2000 phim ngắn được chọn lọc từ mười mấy nghìn phim, ai muốn xem phim nào thì đến chỗ cái máy tính và bấm chọn phim đó. Tôi vào xem và tìm bộ phim của mình. Khi ra ngoài, tôi thấy các bạn trẻ có phim ngắn được chiếu ở LHP Cannes ngồi la liệt phát tờ rơi giới thiệu phim. Tôi cầm một tá những tờ rơi đó về nhà.

Đạo diễn phim “Ròm: “Tôi từng thất vọng vì sự tung hô của mọi người sau LHP Cannes, suốt 8 năm luôn giữ niềm tin “Ròm sẽ chiến thắng - Ảnh 7.

Sau buổi xem phim ngắn trên màn hình máy tính, tôi được mời tới dự một buổi chiếu phim điện ảnh tại rạp chiếu phim lớn nhất ở Cannes - rạp Lumiere. Tôi đã thực sự bị sốc sau khi đến đó. Hồi ấy, có một hãng rượu tài trợ cho chuyến đi nên tôi được ở khách sạn 5 sao sang trọng với view nhìn ra bờ biển. Tôi đi bộ khoảng 700m sang rạp Lumiere và cầm vé trên tay, đứng xếp hàng vào rạp. Trong khi đó, những nhà làm phim thực thụ và có tác phẩm tham dự LHP Cannes sẽ được xe chở từ khách sạn đến rạp chiếu phim, bước lên thảm đỏ với hàng nghìn máy chụp hình đồng loạt giơ lên. Mỗi lần đoàn làm phim đi qua, họ chụp hình tới 5 - 7 phút, còn tới lượt mình, họ bỏ máy xuống hết. Hồi đó, tôi còn đặt trước một người chụp hình cho mình để có hình ảnh đăng bài trên báo. Nhưng những gì diễn ra bên trong rạp chiếu phim mới khiến tôi cảm thấy mình phải làm sao để có được một tác phẩm khiến người ta công nhận. 

Rạp Lumiere có bậc thang đi lên dành cho ê-kíp làm phim điện ảnh, còn khách mời như tôi phải đi xuống dưới. Khi đó tôi thấy mình giống như “bò đeo nơ" vậy. Đến khi bước vào trong, dò lại cái vé của mình thì lại thấy nó nằm tuốt hàng ghế trên cùng nên lại phải đi lên. Khi tất cả khách mời ổn định vị trí thì chưa được xem phim ngay đâu, họ sẽ chiếu cảnh đoàn phim được đón từ khách sạn qua thảm đỏ, chụp hình và vẫy chào như thế nào trên màn hình lớn. Từ lúc đó, mọi người sẽ đứng lên vỗ tay và chỉ ngồi xuống khi đoàn phim bước vào trong phòng chiếu. Sau khi xem xong phim, mọi người lại đứng lên vỗ tay 20 phút nữa để đoàn phim đi ra, leo lên xe và trở về khách sạn. Tất cả những phim điện ảnh ra mắt tại LHP Cannes đều như vậy. 

Tức là trong khoảnh khắc chứng kiến tất cả những gì diễn ra ở LHP Cannes, bên trong anh cũng dấy lên cảm giác muốn được công nhận? 

Khi lên đường đến Cannes dự LHP, tôi nghĩ mình đã được người ta công nhận rồi. Nhưng thật ra tôi chỉ được công nhận ở lĩnh vực phim ngắn và đáp ứng được sự sáng tạo của những nhà làm phim trẻ. Còn lại, tôi không là gì hết. Tôi phải tiếp tục phấn đấu để nhận được sự công nhận của nhiều người. 

Đạo diễn phim “Ròm: “Tôi từng thất vọng vì sự tung hô của mọi người sau LHP Cannes, suốt 8 năm luôn giữ niềm tin “Ròm sẽ chiến thắng - Ảnh 8.

Sau khi tôi trở về từ Cannes, rất nhiều bài báo ở Việt Nam đăng tin “đạo diễn trẻ đi LHP quốc tế". Cũng có nhiều bên gửi câu hỏi phỏng vấn cho tôi, tôi có một cái iPad để nhận toàn bộ tin nhắn nhưng không trả lời một bên nào. Tôi quyết định đi du lịch châu Âu mười mấy ngày để “né" cơn bão truyền thông ở quê nhà, để họ không nâng tôi lên nữa. Trên chuyến đi từ Venice tới Rome, tôi đã khóc rất nhiều và quyết định viết một tâm thư trả lời một báo lớn. Tôi chỉ là một con số 0 trong LHP Cannes, không cần phải quảng cáo rầm rộ làm gì, hãy để tôi ẩn mình và tập trung làm phim. 

Vậy nói cách khác, LHP Cannes chính là một “chuyến đi vỡ mộng" đối với anh?

Chuyến đi ấy là một động lực mạnh mẽ để tôi thấy rằng điện ảnh Việt Nam chỉ mới đứng ở ngưỡng cửa của điện ảnh thế giới, chúng ta chưa thực sự bước vào. Chuyến đi đến LHP Cannes đã giúp tôi “hạ cánh an toàn". Trước đó, tôi tự hào với những gì mình đạt được. Khi làm phim ngắn “16:30” và chiếu ở lễ tốt nghiệp, ngày hôm sau, tôi lên báo luôn. Bất kì một LHP nào tại Việt Nam có hạng mục phim ngắn, tôi đều đoạt giải thưởng cao nhất. 

Sau đó, tôi được cử đi Cannes và chưa ý thức được con đường mình đang đi là đúng hay sai. Một chú giám đốc của hãng phim đã nói với tôi: “Huy phải tập trung làm phim điện ảnh của riêng mình. Con phải học tập nhiều hơn nữa". Lúc đó, tôi bị mông lung với mọi thứ. LHP Cannes đã giúp tôi nhận ra mình đang đứng ở vị trí nào và cần phải làm gì để có thể tiến xa. 

Đến khi “Ròm" được chiếu tại LHP Busan năm 2019 và đoạt giải thưởng cao nhất - New Currents, anh có trải qua khoảnh khắc mình từng mong muốn ở LHP Cannes năm nào? 

Thời điểm đó vừa buồn,vừa vui. “Ròm" nhận án phạt, tôi đã trăn trở rất nhiều về việc có lên sân khấu nhận giải thưởng hay không. Ê-kíp làm phim đã khuyên tôi là mọi chuyện cũng lỡ rồi, nếu đạo diễn không đến thì người ta sẽ nhìn nhận không tốt về điện ảnh Việt Nam. Vậy nên tôi quyết định lên nhận giải. 

Lần đầu tiên, tôi được hưởng cảm giác đi vào có hàng nghìn máy chụp hình chụp mình. Mọi thứ y chang như LHP Cannes năm nào. Họ chở tôi từ khách sạn tới thảm đỏ, bước xuống chụp hình, bắt tay Giám đốc liên hoan phim và ngồi vào hàng ghế cao nhất, đi lên nhận giải thưởng cao nhất trong tiếng vỗ tay của khán giả. 

Dường như có một công thức chung khi những nhà làm phim chọn theo đuổi đề tài xã hội sẽ luôn khai thác những mặt tiêu cực hơn là tích cực? 

Nếu xem “Ròm", mọi người sẽ nhận ra nhân vật của tôi không bao giờ khóc. Sai lầm của mọi người là nghĩ rằng người lao động dễ khóc, khổ đau, yếu đuối và xấu xa. Nhưng thật ra, họ lại rất mạnh mẽ và không dễ để thấy họ khóc. Cũng giống như tôi vậy. Tôi khóc trong quá trình làm phim “Ròm" rất nhiều nhưng không bao giờ để người khác nhìn thấy. Nhân vật của tôi khóc rất kín đáo, đến mức khán giả phải xem kỹ lắm thì mới thấy được họ rơi nước mắt chỗ nào. 

Nhiều lần khóc trong suốt 8 năm làm phim “Ròm", điều này hẳn đã khiến anh thay đổi rất nhiều cho đến thời điểm hiện tại? 

Tôi mập hơn. Bây giờ được 103 kí rồi. (cười) 

Đúng là tôi đã thay đổi rất nhiều trong suốt hành trình này. Tôi viết tới 11, 12 cuốn kịch bản và còn phải tự viết ngân sách dự kiến, dàn ý chia từng phân đoạn. Tôi đã viết tới mấy ngàn trang cho “Ròm". Trong quá trình quay, tôi cũng trải qua những lần tính toán sai về di chuyển, thời gian. Cứ mỗi lần mọi thứ không như mình nghĩ, tôi phải làm lại cho nó thật hơn, phải làm sao để người xem cảm thấy không có sự sắp đặt nào ở đây thì phim mới thành công. 

Sau khi quay xong “Ròm", tôi đã dựng tới hai mươi mấy bản phim. Nói thật, số lượng “footage" (cảnh quay chưa qua hậu kỳ - PV) của “Ròm" có thể dựng được 3, 4 phim điện ảnh của Việt Nam. Nhưng phim của tôi chỉ dài 79 phút. Tất cả những cảnh quay tôi thực hiện, dù rất hay, rất thật thì cũng không phải do “gặp hên" trong quá trình sản xuất mà được chọn lọc, tính toán chi tiết từng chút một. Sự trưởng thành sau khi làm “Ròm" không chỉ dành cho cá nhân tôi mà là sự hoàn thiện của cả một ê-kíp trẻ. 

Có những tác phẩm mang tính bản địa rất cao, nói về cuộc sống thật của quốc gia đó nhưng doanh thu, hiệu ứng trong nước lại không mấy khả quan. Ví dụ như “Parasite", trước thời điểm đoạt giải tại Cannes và Oscar cũng không được khán giả Hàn Quốc quan tâm nhiều. Anh có nghĩ khán giả sẽ e dè với những câu chuyện quá gần gũi, thậm chí trần trụi về đời sống thật của họ? 

Đừng nên đánh giá thấp khán giả Việt Nam. Họ đã xem được những bộ phim rất đỉnh cao. Không nhà phát hành nào ở Việt Nam nghĩ “Parasite" thắng, nhưng cuối cùng, nó thắng rất lớn. Một bộ phim không nhiều cảnh nóng, không có người đẹp, rất u tối nhưng vẫn thắng bởi vì nó nói về xã hội chung trên toàn thế giới, về câu chuyện của những tầng lớp sống cộng hưởng vào nhau. Vì vậy, nếu làm phim gần với đời sống thật thì người xem sẽ có cảm xúc hơn với nó. Đó cũng là một xu hướng chung của điện ảnh thế giới. 

Tôi có những người bạn cùng khóa học Đại học với mình. Một đứa rất độc lập, với nó nghệ thuật vì nghệ thuật, sẵn sàng không ăn để được làm phim và bất chấp tất cả, nếu không làm phim sẽ chết. Bây giờ nó rất nổi tiếng trong giới làm phim độc lập. Người bạn thứ 2 thiên hẳn về làm phim rất thị trường, với nó doanh thu là quan trọng nhất. Người bạn thứ 3 làm phim vì cái tôi của mình nhưng cũng muốn nhiều người xem. Còn tôi là trường hợp thứ 4, tôi muốn làm phim vì cái tôi cá nhân nhưng phim của tôi gần với khán giả. 

Trải nghiệm làm phim với vai chính là em trai ruột của đạo diễn Ròm  

Anh có nghĩ thị trường điện ảnh Việt Nam sẽ bắt kịp xu hướng chung của thế giới?

Việt Nam sản xuất 300 - 400 phim một năm, tất cả đều được ra rạp. Nhưng trên thế giới, tính riêng Mỹ, họ đã sản xuất một năm gần 10.000 phim. Khi 10.000 phim đó vào tay các nhà phát hành ở Việt Nam, họ lọc ra những bộ phim hay nhất để chiếu. Trong khi phim Việt Nam làm ra cái gì cũng phải chiếu. Chúng ta không thể so sánh được. 

Càng ngày, số lượng phim do Việt Nam sản xuất sẽ càng tăng nhiều. Cho đến khi nào một năm có mấy nghìn phim ra rạp thì điện ảnh Việt Nam sẽ thật sự phát triển. Chúng ta sẽ có những bộ phim tiến thẳng ra thị trường thế giới một cách mạnh mẽ. Còn hiện tại, chúng ta đang làm phim cho khán giả trong nước xem chứ không chiếu cho khán giả quốc tế. 

Đạo diễn phim “Ròm: “Tôi từng thất vọng vì sự tung hô của mọi người sau LHP Cannes, suốt 8 năm luôn giữ niềm tin “Ròm sẽ chiến thắng - Ảnh 11.

Cuộc hành trình với “Ròm" đã chuẩn bị đi đến điểm kết, sau đó anh sẽ làm gì?

Tôi sẽ làm một bộ phim điện ảnh khác nhưng quy mô lớn hơn “Ròm" một chút. Sau đợt chiếu phim này, chắc tôi lại tiếp tục biến mất. (cười) 

Chắc chắn tôi sẽ rút kinh nghiệm để không mất thời gian tới 8 năm nữa. Suy cho cùng, ngành công nghiệp điện ảnh vẫn phải kiếm ra tiền, nuôi sống được người dân lao động và nhiều người khác. Nó phải có doanh thu, có người xem. Thời gian làm “Ròm" là thời gian để chứng minh. Bây giờ, tôi không biết mình đã chứng minh thành công chưa, còn phải chờ phim chiếu xong xuôi đã. Tôi luôn nghĩ “Ròm" sẽ chiến thắng, mỗi ngày đều như vậy. Suốt 8 năm vừa qua, tôi vẫn giữ niềm tin bất diệt rằng “Ròm" sẽ thành công. 

Cám ơn những chia sẻ của đạo diễn Trần Thanh Huy! 

Đạo diễn phim “Ròm: “Tôi từng thất vọng vì sự tung hô của mọi người sau LHP Cannes, suốt 8 năm luôn giữ niềm tin “Ròm sẽ chiến thắng - Ảnh 12.

HẠNH MOON; ẢNH: KHOAHOO; CLIP: KINGPRO; THIẾT KẾ: TUẤN MAXX; TRƯỜNG DƯƠNG

Cùng chuyên mục
XEM