Đánh thuế lãi gửi tiết kiệm: Cân nhắc yếu tố thiệt hơn
Theo sát thị trường tiền tệ qua một số năm gần đây có thể thấy tốc độ tăng huy động vốn so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cũng chỉ ngang nhau nên việc đánh thuế với lãi tiền gửi cần cân nhắc yếu tố thiệt hơn.
Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một trong 5 dự án luật sẽ được Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018. Trong đó, dư luận đang rất chú ý đến nội dung đánh thuế đối với lãi gửi tiết kiệm được đưa vào dự thảo luật. Vấn đề này cũng đã được đặt ra vài lần trước đây.
Nhớ lại thời điểm năm 2013, dư luận đã khá “ồn ào” khi Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh từng đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1 tỷ đồng trở lên. Lập luận từ phía nhà kinh doanh bất động sản rằng, những người đổ tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho xã hội, chịu đủ các loại thuế. Lợi nhuận không được bao nhiêu, thậm chí bị lỗ nặng nhưng họ vẫn phải đóng thuế thu nhập DN. Còn những người có sổ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng gửi ngân hàng ung dung hưởng lợi lãi suất bình quân 6 - 7% trở lên mà không phải đóng một đồng tiền thuế nào.
Thực ra, người có số tiền gửi tới hàng trăm tỷ đồng thì không nhiều và ai cũng biết thời điểm 2013 thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, thanh khoản kém và có thể phía Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đưa ra đề xuất, muốn đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm để “bắt” người gửi tiền phải tính đến việc chuyển sang mua nhà, mua đất thay vì chỉ chọn kênh gửi tiết kiệm?!
Còn theo quy định hiện hành, chỉ thu nhập từ lãi cho vay công ty, pháp nhân, cá nhân khác, hay được chia cổ tức, mới bị đánh thuế 5%, nên chắc chắn nếu đánh thuế với lãi gửi tiết kiệm sẽ gây “sốc” với người gửi tiền tiết kiệm. Vẫn biết rằng, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách thuế TNCN là góp phần cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Nhà nước; xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế. Song các chuyên gia cho biết trên thế giới cũng có nhiều nước đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm nhưng mỗi nước có thị trường tài chính tiền tệ khác nhau nên sự so sánh cũng chỉ là tương đối.
Với ý kiến đề xuất lần này: mức thuế suất khoảng 5% đối với phần lãi tiền gửi ngân hàng của cá nhân đối với số tiền lớn hơn 3 tỷ đồng trở lên (thay vì mức 1 tỷ đồng như đề xuất trước đây). Việc “sửa đổi” này có vẻ hợp lý hơn khi thực tế mức tiền gửi 1 tỷ đồng đã bị tính thuế từ lãi thì có vẻ đối tượng này khá nhiều. Bởi với không ít người cả đời buôn bán, làm ăn hay những cán bộ do biết mức lương hưu khó có thể đủ cho việc trang trải cuộc sống nên đã gom góp có chút tiết kiệm để phụ thêm thu nhập. Còn khi đã nâng lên mức tiền gửi lớn hơn 3 tỷ đồng mới bị đánh thuế lãi thì hợp lý hơn như một số chuyên gia phân tích: người có số tiền 3 tỷ đồng trở lên để gửi tiết kiệm ngân hàng thì cũng được xếp vào đối tượng thu nhập cao trong xã hội.
Một phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, hiện vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để đề xuất này được áp dụng ngay vào thực tiễn. Lý do đây không phải là nguồn thu lớn cho ngân sách. Trong khi đó cái lợi thu được từ việc thu thuế từ lãi tiết kiệm rất nhỏ so với phản ứng của dư luận nói chung cũng như tác động tiêu cực nói riêng có thể gây ra đối với tâm lý của người gửi tiền. So sánh với các kênh đầu tư khác, BVSC cho rằng mức thuế 5% là chưa đủ lớn để khiến những người có khoản tiền lớn từ bỏ kênh tiết kiệm để chuyển sang đầu tư góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu, cho vay… Đa phần những người chọn kênh tiết kiệm hiện nay ưu tiên tính an toàn hơn là sinh lợi. Họ chấp nhận một mức lãi suất hợp lý thay vì rủi ro nên dù bị chịu thuế chưa chắc họ đã chuyển vốn sang các kênh đầu tư kém an toàn hơn như chứng khoán, bất động sản...
Xét ở góc khác, trong bối cảnh các thị trường vốn chưa phát triển, NH vẫn là kênh cung ứng vốn chủ đạo cho nền kinh tế mà nguồn huy động vốn hiện vẫn chủ yếu qua kênh gửi tiết kiệm của tổ chức và cá nhân. Đặc biệt, theo sát thị trường tiền tệ qua một số năm gần đây có thể thấy tốc độ tăng huy động vốn so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cũng chỉ ngang nhau nên việc đánh thuế với lãi tiền gửi cần cân nhắc yếu tố thiệt hơn.