Dành 6 tháng viết bài luận về cha, nữ sinh 2k5 đỗ cùng lúc 7 trường ĐH Mỹ, còn đoạt học bổng 4,7 tỷ đồng trường top: "Mình từng giận ba lắm, nhưng..."

25/04/2023 11:00 AM | Sống

Bên cạnh thành tích học tập tốt, năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, thì một yếu tố khiến hồ sơ của Bảo Trân ấn tượng đó chính là bài luận.

Dưới cái nắng oi ả của những ngày đầu hè, Nguyễn Bảo Trân (sinh năm 2005, học sinh khóa 37 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – Đà Nẵng) vẫn ngồi trước màn hình máy tính, chăm chú đọc lại từng từ, từng chữ trong thông báo trúng tuyển và xác nhận học bổng gần 4,7 tỷ đồng chuyên ngành Khoa học máy tính và Kinh doanh của trường Đại học Lehigh (Bethlehem, Pennsylvania, Mỹ). Không biết đây đã là lần thứ bao nhiêu nữ sinh đọc email này, chỉ biết rằng mỗi khi nghiền ngẫm lại, Trân vẫn cảm thấy vui vì mọi cố gắng của bản thân cuối cùng đã được đền đáp.

Nhờ thành tích này, trong khi bạn bè đồng trang lứa đang phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đang đến rất gần thì Bảo Trân lại "thảnh thơi" phần nào vì vào tháng 8/2023 sắp tới nữ sinh sẽ chính thức "xuất ngoại", bắt đầu hành trình du học nơi "xứ sở cờ hoa" của mình.

Nguyễn Bảo Trân

Sinh năm 2005

  • Giải nhất cuộc thi Tin học trẻ cấp thành phố 2021

  • Giải nhất cuộc thi Học sinh giỏi Vật Lý cấp thành phố 2020

  • Giải sản phẩm công nghệ được yêu thích nhất cuộc thi Youth-on! Hackathon UNICEF 2021

  • Giải Ba cuộc thi Bóng rổ đồng đội nữ cấp thành phố 2019

"Đi du học đâu cũng được, miễn được đi!"

"Đi du học đâu cũng được, miễn được đi mẹ ạ!" - là điều mà Bảo Trân thường xuyên nói với mẹ mỗi khi hai mẹ con ngồi thủ thỉ tâm sự với nhau về tương lai sắp tới. Bởi chẳng biết bằng một thứ động lực vô hình nào đó, mà du học đã trở thành "big dream" (ước mơ lớn) của Trân ngay từ khi còn tấm bé. 

Ban đầu, Trân đặt mục tiêu săn học bổng ở châu Âu, cụ thể là nước Đức, nhưng sau quá trình tìm hiểu và cân nhắc mọi thứ, nữ sinh nhận thấy Mỹ mới là điểm dừng chân tiếp theo mà mình cần chinh phục. 

Để không lãng phí thời gian, Trân bắt tay ngay vào quá trình "làm đẹp" hồ sơ của bản thân. Không chỉ học tập tốt khi liên tục giữ điểm GPA hơn 9.0, tham gia nhiều chương trình và giành được giải cao trong các cuộc thi học thuật, mà cô bạn còn rất tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa. Từ năm 2020 đến nay, nữ sinh đã tổ chức và hoạt động ở hơn 20 dự án thiện nguyện, giữ vị trị nòng cốt trong nhiều CLB.

nữ sinh học bổng - Ảnh 1.

Không chỉ học tập tốt mà nữ sinh còn tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa

Trong hành trình đó, kỷ niệm mà nữ sinh nhớ nhất đó là dự án thiện nguyện "Màu nắng trẻ thơ" của CLB BlissKidz do cô sáng lập. Dù chỉ còn lại vỏn vẹn 2-3 tháng để nộp hồ sơ, tất bật với việc học, viết luận và vô số những đầu việc cần làm khác, nhưng Trân vẫn quyết định làm thiện nốt giấc mơ còn dang dở mà bản thân ấp ủ từ lâu. Được biết, Trân cùng các bạn thực hiện mô hình gây quỹ bán đồ ăn tại nhà và ship nội thành. Sau 3 ngày bán hàng, cả team đã gây quỹ được một số tiền tương đối lớn.

Cả team quyết định sử dụng số tiền đó để tổ chức Trung thu cho các bạn học sinh tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trên đường đến đó, ai cũng bị say lên say xuống, thậm chí còn... nôn hết ra vì đường lên bản gập ghềnh sỏi đá. Trên đó gần như không có xe cộ, không có sóng điện thoại và đặc biệt không wifi, bù lại không khí lại cực kỳ trong lành, mát mẻ mặc dù đang là mùa hè.

"Chúng mình tổ chức Trung thu cho trẻ em trên đó cùng với những suất quà là mấy trăm cuốn vở, bút, hộp bút, bánh kẹo, sữa, đèn ông sao sắc màu và trao tặng cho những hộ gia đình khó khăn những nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, chúng mình cũng giúp sửa sang lại trường học, dọn dẹp và tổ chức đêm trại Trung thu cho các em trên bản. Chuyến đi 2 ngày 1 đêm thật sự để lại cho tụi mình nhiều ý nghĩa và khiến các bạn trong CLB có thêm nhiều bài học về cuộc sống hơn", Bảo Trân kể lại.

Chuyến tình nguyện của Bảo Trân và các bạn tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trà Nam

Gây ấn tượng với bài luận về cha

Bên cạnh thành tích học tập tốt, năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, thì một yếu tố khiến hồ sơ của Bảo Trân gây ấn tượng chính là nhờ bài luận mang đậm dấu ấn cá nhân. Được biết, nữ sinh đã "ăn dầm nằm dề" với bài luận trong 6 tháng trời. Từ những bản nháp ý tưởng đến câu từ, từ những dấu chấm câu, dấu phẩy... đều được cô bạn trau chuốt cẩn thận bởi đây không chỉ là "vé thông hành" giúp Trân nổi bật với hội đồng tuyển dụng, mà bài luận này còn là món quà cô bạn muốn dành tặng cho một người đặc biệt đó chính là ba.

Ba của Trân là một người khá nghiêm khắc và ít khi chung "tần số" với Trân. Trước đây, ba cô bạn là trọng tài bóng đá nhiều năm liền nhận còi vàng bóng đá Việt Nam. Chứng kiến cảnh cha điều khiển trận đấu trên sân cỏ, Trân luôn tỏ lòng ngưỡng mộ với "người hùng thầm lặng" của mình. Nhưng sau những sự cố nghề nghiệp, chấn thương và khá nhiều điều không may trong sự nghiệp, ba của Trân đã đánh mất đi hào quang của mình. 

"Trước biến cố của gia đình, mình dần rơi vào trạng thái hỗn loạn khi việc học ngành càng sa sút. Khi phát hiện mình như vậy, ba của nữ sinh đã rất tức giận và đến giờ nghĩ lại, mình thấy mình vừa ngây thơ vừa liều nữa. Nhưng nhờ lần đó mà chính ba cũng đã thức tỉnh. Cuối cùng, ba tìm một công việc ổn định sau cú trượt dài của mình. Sự vực dậy của ba đồng thời còn trở thành động lực giúp mình vượt qua khủng hoảng tuổi 16, 17.

Mình luôn tự hào về ba. Bài luận của mình đã xoay quanh về câu chuyện của hai ba con như vậy. 'No struggle, no progress' (Tạm dịch: Không đấu tranh, không tiến bộ) là bài học bản thân đã rút ra được, cũng là câu cuối cùng khép lại bài luận của mình", nữ sinh tâm sự.

nữ sinh học bổng - Ảnh 3.

Bài luận du học chính là món quà Trân muốn tặng ba

Tạo bất ngờ cho mẹ vào ngày sinh nhật

Sau một quá trình dài nỗ lực, Trân đã nhận được thư chấp nhận và học bổng của Lehigh University với mức hỗ trợ tài chính hơn 200.000 USD (gần 4,7 tỷ đồng) cho 4 năm học bậc cử nhân, trong đó có phí bảo hiểm y tế kèm dịch vụ sử dụng phòng thí nghiệm và được làm việc tại trường với mức lương 2.500 USD/năm (khoảng 59 triệu đồng). Không chỉ có vậy, nữ sinh còn giành được học bổng từ 6 trường đại học khác ở Mỹ.

Nhớ lại lúc nhận được thông báo học bổng của Lehigh là ngày 10/12/2022, nữ sinh choàng tỉnh giấc vào khoảng 5 giờ sáng. Và như một thói quen, Bảo Trân vội mở máy tính lên để kiểm tra email xem các trường bên Mỹ đã thông báo trúng tuyển hay chưa. Bất ngờ, Bảo Trân nhìn thấy email của trường Lehigh với tiêu đề "Admissions Decisions Now Available" (Hiện đã có quyết định tuyển sinh - PV). Lúc đó, Trân "run như cầy sấy" bởi tương lai "nở hoa" hay cuộc đời "bế tắc" của cô bạn sẽ được quyết định chỉ trong một email này.

"Mình ngay lập tức ấn vào để xem nội dung. Lúc này mắt mình đảo lia lịa và bất chợt va phải một dòng chữ được bôi đen, in đậm: Congratulations! (chúc mừng). Vì không tin vào mắt mình nên mình đã gọi em gái dậy để kiểm tra cùng", Trân kể.

Vui chưa được bao lâu thì lúc đó Bảo Trân lại tiếp tục rơi vào trạng thái lo lắng vì tìm mãi không thấy phần học bổng hay hỗ trợ tài chính đâu. Lúc này, trong đầu nữ sinh thoáng nảy lên suy nghĩ chắc hành trình du học lần này phải khép lại vì được nhận vào học đi chăng nữa, gia đình cũng không thể... chi trả nổi. Nhưng sau một thời gian bình tâm lại, đọc thật kỹ thì cuối cùng Trân cũng thấy thông tin trường sẽ hỗ trợ tài chính gần 55.000 USD (gần 1,3 tỷ đồng) cho mỗi năm học. Cô bạn vui lắm, nhưng vì hôm sau là sinh nhật mẹ nên Trân với em gái đã quyết định giấu để chờ đến đúng 00:00 ngày 11/12/2022 mới báo cho cả nhà biết.

"Lúc biết kết quả mẹ mình vui lắm, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Đấy là khoảng khắc vui nhất ở tuổi 17 của mình", nữ sinh bày tỏ.

nữ sinh học bổng - Ảnh 4.

Nhớ lại khoảng thời gian vừa qua, đã không ít lần nữ sinh rơi vào trạng thái trầm cảm vì những áp lực mà bản thân tự tạo ra. Tự nhận là một người tham vọng lắm mà kỳ vọng cũng nhiều nên vô hình trung, nó đã tạo cho Trân những áp lực tinh thần bất cứ khi nào không đạt được những mục tiêu mà bản thân đề ra. 

"Tính tình của mình khá bướng bỉnh nên khoảng thời gian đó mọi người xung quanh khuyên cái gì mình cũng không nghe. Mình phải vấp ngã nhiều lần rồi mới rút ra được bài học cho bản thân. Nhưng điều mình tự hào nhất là dù khó khăn, mình vẫn không bao giờ có ý định bỏ cuộc. Vì sự kiên định và lì lợm đó mà sau quá trình apply, tinh thần của mình cũng đanh thép hơn rất nhiều", Trân nói.

Còn về lý do chọn ngành "Khoa học máy tính và Kinh doanh", nữ sinh cho hay: "Thật sự ban đầu mình không nghĩ là có trường kết hợp 2 chuyên ngành này với nhau nhưng mình nghĩ, học ngành này sẽ khai thác được hết điểm mạnh của bản thân như tư duy logic, kĩ năng giao tiếp tốt và khả năng lên kế hoạch cũng như cải thiện khuyết điểm như sự sáng tạo còn hạn chế, kĩ năng thuyết trình trước đám đông và kĩ năng lãnh đạo".

Ngay kể cả khi ngành Khoa học máy tính được coi là "sân chơi tri thức" của các bạn nam đi chăng nữa, Trân vẫn khuyên các bạn nữ "thích thì cứ thử thôi". Theo Trân, hiện có rất nhiều nữ sinh cũng đang bắt đầu tìm hiểu thêm về các ngành liên quan đến công nghệ nên trong tương lai, biết đâu họ là một ẩn số trong sân chơi mà nam sinh được coi là luôn "thống trị" này. 

5 năm nữa mình muốn trở thành...

Không lâu nữa, Bảo Trân sẽ chính thức "xuất ngoại", thực hiện hành trình du học của mình. Nghĩ đến lúc đó cô bạn rất hào hứng nhưng ở một khía cạnh nào đó, Trân lại cảm thấy buồn.

"Mình sẽ rất nhớ nhà, nhớ đồ ăn Việt Nam. Ở đây thì lúc nào cũng có gia đình bên cạnh, bạn bè cũng gần nhau hơn nên dễ rủ đi ăn uống, lê la quán này quán kia.

Qua bên đó một mình, mình nghĩ bản thân chắc sẽ có lúc cô đơn, mất phương hướng trong học tập và công việc. Những khủng hoảng tuổi teen, văn hóa, và nhiều 'cạm bẫy' trong xã hội, bắt đầu tuổi 18 ở đất nước mới, một cuộc sống mới đôi lúc cũng khiến mình thấy lo lắng, không biết mình có thể làm tốt không nữa. Nhưng mình hy vọng đó là những tháng ngày đẹp đẽ của thanh xuân và bản thân sẽ cố gắng hết mình để phát triển bản thân ở nơi đất khách", Trân tâm sự.

nữ sinh học bổng - Ảnh 5.

Nghĩ về hành trình sắp tới cô rất hào hứng nhưng ở một khía cạnh nào đó, Trân làm cảm thấy buồn.

Khi hình dung về bản thân trong vòng 5 năm tới, Trân tưởng tượng được hình ảnh mình cầm tấm bằng tốt nghiệp, được vinh danh bên bục danh dự với tấm bằng loại giỏi, bên dưới thì có gia đình hạnh phúc chứng kiến thời khắc trưởng thành này. 

Nhưng cũng trong vòng 5 năm tới, cô bạn muốn mình sẽ trở thành công theo cách riêng, không "đụng hàng" ai cả. Nhưng trên hết Trân muốn mình phải trở nên thật hạnh phúc, lạc quan và luôn tích cực để vượt qua những biến cố trong cuộc sống. Trân hy vọng làm được cái gì đó để có thể lan tỏa và chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân cho mọi người và có một công việc ổn định với nguồn thu nhập tốt để có thể chăm lo cho bản thân và gia đình.

Ảnh: NVCC


Theo Huỳnh Đức

Cùng chuyên mục
XEM