Dành 4 thập kỉ ghi lại hành trình trên những chuyến xe lửa, nhiếp ảnh gia Trung Quốc đem lại cho người xem những xúc cảm lạ thường
Thông qua những bức ảnh đen trắng của mình, nhiếp ảnh gia Wang Fuchun đã mang đến cho người xem những khoảnh khắc sống động trên những chuyến tàu đông đúc, và cả cái nhìn sắc nét về sự đổi thay của người dân Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỉ qua.
Wang Fuchun (Vương Phúc Xuân), sinh năm 1943 ở Hắc Long Giang, là nhiếp ảnh gia kiêm biên tập viên của Viện Nghiên cứu Đường sắt Cáp Nhĩ Tân; thành viên Hội Nhiếp ảnh Trung Quốc Thế giới, thành viên Hiệp hội nhiếp ảnh Trung Quốc và cũng là phó chủ tịch Hiệp hội nhiếp ảnh gia Trung Quốc ở Cáp Nhĩ Tân. Trong nhiều năm làm việc ngành đường sắt, Wang Fuchun đã thể hiện khả năng nghệ thuật thiên bẩm của mình khi ghi lại những hình ảnh của hành khách trên những chuyến tàu hoả.
Tàu là phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỉ qua, những sân ga rộng lớn tràn ngập người luôn là hình ảnh quen thuộc của đất nước tỉ dân. Với hành trình dài và nhiều điểm đến, sinh hoạt của hành khách trên những chuyến tàu như một thế giới thu nhỏ, sống động và tràn đầy màu sắc.
Kể từ khi cuộc sống còn lạc hậu với thu nhập bình quân đầu người thấp, mọi người phải chen chúc nhau khổ sở trên những chuyến tàu chậm chạp. Hay đến nay, khi kinh tế đã phát triển, những toa tàu đã hiện đại hơn xưa rất nhiều, thì hình ảnh của những người khách trên đó vẫn có những nét đặc biệt và khơi gợi cảm xúc riêng thông qua ống kính của Wang Fuchun.
Wang Fuchun nói rằng ông thích chụp tông màu đen và trắng, bởi vì ông tin rằng nó thể hiện được cảm giác và sự thay đổi của lịch sử nhiều hơn so với các tông màu rực rỡ. Từ các chuyến tàu hơi nước đến các tàu cao tốc, những bức ảnh độc đáo của Wang Fuchun kéo dài suốt 3-4 thập kỷ làm việc trong ngành đường sắt, không chỉ khắc hoạ nên một bức tranh rõ ràng về các chuyến tàu của Trung Quốc mà còn là cả xã hội Trung Quốc nói chung.
Nhiếp ảnh gia Wang Fuchun luôn mang theo chiếc máy ảnh để chụp lại khoảnh khắc đắt giá trên những chuyến tàu ở Trung Quốc suốt nhiều thập kỉ qua
Một gia đình nhỏ trên chuyến tàu từ Cáp Nhĩ Tân đến Bắc Kinh năm 1980
Những nhân viên đang giúp một cụ bà tìm đường lên tàu ở ga Cáp Nhĩ Tân năm 1978
Hành khách cùng nhau xem TV trên chuyến tàu Cáp Nhĩ Tân - Bắc Kinh năm 1986
Một chuyến tàu chật chội khác từ từ Cáp Nhĩ Tân đến Thượng Hải năm 1991, người ta phải đặt thêm tấm ván giữa 2 ghế ngồi để có thêm chỗ cho một đứa trẻ.
Năm 1991, trên chuyến tàu từ Thượng Hải đến Trùng Khánh, một gia đình 4 người phải chen chúc nhau ở lối đi chật chội nối giữa 2 toa tàu
Cảnh tượng ở ga Cáp Nhĩ Tân năm 1994, cũng là hình ảnh phổ biến nhất của người dân Trung Quốc khi lên tàu, tất cả mọi người và các hành lý đều đổ xô đến cửa lên sau khi soát vé
Năm 1994, ở ga Tây Ninh (thành phố Thanh Hải, tỉnh Cam Túc), những người không thể lên tàu bằng cửa chính vì quá đông đúc chỉ đành leo vào bằng cửa sổ
Có đến 2 bàn mạt chượt được các hành khách lập ra trên chuyến tàu từ Bắc Kinh đến Thẩm Dương năm 1994
Một người đàn ông giàu có trên chuyến tàu Thẩm Dương - Đại Liên năm 1994. Ở thời kỳ đó, điện thoại di động cũng là thứ thể hiện địa vị xã hội cao của một người
Trên chuyến tàu từ Vũ Hán (Hồ Bắc) đến Trường Sa (Hồ Nam) năm 1995, vì toa tàu quá đông đúc, một người đàn ông cởi trần đã phải nằm trên lưng ghế cứng, và níu tay lên giá hành lý để không bị rơi xuống.
Chú chó nhỏ nhìn "đắm đuối" vào bát mì của nữ hành khách trên chuyến tàu Tề Tề Cáp Nhĩ (Hắc Long Giang) - Bắc Kinh năm 1995
Những người đàn ông háo hức nhìn vào ống kính máy ảnh trên chuyến tàu Thông Liêu - Tế Ninh năm 1998
Năm 1999, tại Ga Cáp Nhĩ Tân, một người mẹ đang ngậm ngùi tiễn con mình lên đường nhập ngũ. Ga tàu đối với người Trung Quốc vừa là nơi người ta chia tay nhau, cũng là nơi mà những người khác mong đến ngày hội ngộ
Trên chuyến tàu Bắc Kinh - Thượng Hải năm 2010, người ta đã được ngồi trên những chiếc ghế cao cấp hơn và thoái mái sử dụng đồ điện tử
Thậm chí là ghế ngồi cao cấp như trên máy bay ở chuyến tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải, năm 2011.
Trẻ em đều đã có ghế ngồi riêng thoải mái và máy tính bảng để giết thời gian trên chuyến tàu Nghi Xương - Hán Khẩu năm 2012
Việc đi tàu giờ đây đã là phương tiện vô cụng hiện đại và thoải mái đối với người dân Trung Quốc. Hình ảnh trên chuyến tàu Bắc Kinh - Thượng Hải, năm 2013.
Trên chuyến tàu Quảng Châu - Bắc Kinh năm 2014, với tốc độ nhanh và êm, hành khách có thể thoải mái thưởng trà như đang ngồi trong phòng khách nhà mình
Những chuyến tàu cao tốc hiện đại với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp không kém gì máy bay từ Hà Bắc - Bắc Kinh, năm 2015.
Hiện tại, khi đã ở tuổi 74, Wang Fuchun vẫn là một nhiếp ảnh gia năng động. "Thực ra, tôi chụp ảnh trên những chuyến tàu xuất phát từ tình cảm của mình," ông nói. "Nếu không phải vì tình cảm đối với các tuyến đường sắt, có lẽ tôi đã không thể làm được điều này lâu đến thế."
Những bức ảnh tuyệt vời này đã giúp cho những người đã từng trải nghiệm chuyến hành trình trên tàu ở Trung Quốc một dịp để hồi tưởng lại; và cũng giới thiệu cho những ai chưa trải qua được có cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống trên xe lửa của người Trung Quốc trong nhiều năm tháng qua. Việc bị dồn nén trong không gian chật hẹp một thời gian dài dường như là chất xúc tác để con người gần nhau hơn. Mọi người trên tàu sẽ sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ các món ăn và dễ dàng làm quen với nhau hơn là khi họ tình cờ gặp mặt trên đường phố. Đó chính là điều thú vị mà những chuyến hành trình dài trên tàu mang lại cho chúng ta.
Nhiều hình ảnh ấn tượng khác trong thời kỳ những năm 80 - 90 trên tàu của nhiếp ảnh gia Wang Fuchun: