Đằng sau thành tựu về ví điện tử của Viettel Global
Trong vài năm nữa, sẽ không bất ngờ khi đóng góp tỷ trọng lớn trong doanh thu của Viettel Global là dịch vụ ví điện tử và các sản phẩm trong hệ sinh thái số.
Báo cáo thường niên của Tổng công ty đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) năm nay có một điểm đặc biệt. Trong 9 sự kiện nổi bật của năm 2021, có đến 3 sự kiện liên quan đến dịch vụ ví điện tử.
Thứ nhất, Natcom chính thức ra mắt dịch vụ ví điện tử Natcash vào ngày 10/12/2021, chỉ khoảng 24 giờ sau khi nhận được giấy phép từ Ngân hàng Trung ương Haiti. Đáp ứng tất cả các nhu cầu nạp, chuyển và rút tiền của người dân tại Haiti, Natcash hướng tới một xã hội số không tiền mặt với những trải nghiệm và dịch vụ mới mẻ, hiện đại nhất trên thế giới dành cho người dân tại quốc gia châu Mỹ.
Thứ 2, tại Tanzania, ví điện tử Halopesa làm bùng nổ thị trường với việc tung ra ba gói cước đặc biệt. Bằng khuyến mại “khủng” về thoại dành cho khách hàng khi mua thẻ cào qua Halopesa. Chương trình này đã giữ chân và thu hút thêm số lượng thuê bao nhất định, góp phần vào việc đưa thuê bao của Halotel cán mốc 5 triệu, hoàn thành mục tiêu trước 1 năm so với kế hoạch.
Hiện nay, doanh thu từ dịch vụ ví đóng góp 10% tổng doanh thu và có tới 45% giao dịch nạp thẻ được thực hiện qua ví. HaloPesa đang là một trong các dịch vụ ví tại thị trường nước ngoài thành công nhất của Viettel Global.
Thứ 3, tại Lào, ví điện tử U-Money đã cán mốc 1,5 triệu thuê bao đăng ký sử dụng ví, tăng gấp 3 lần so với năm 2020 và gấp 1,2 lần số lượng thẻ ATM do toàn bộ các ngân hàng đã phát hành. Tổng doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 của U-Money đạt 11,9 triệu USD, doanh thu dịch vụ đạt 457.000 USD tương đương 137% kế hoạch.
U-money được Chính phủ Lào và các tổ chức quốc tế lựa chọn là kênh chuyển tiền lương và trợ cấp cho xã hội. Trong đó, kho bạc Nhà nước đã lựa chọn Unitel để chi trả lương hàng tháng cho công chức tại 9 tỉnh, trưởng bản, doanh nghiệp ở 96/123 mường. Unitel cũng là nhà mạng đầu tiên được cấp phép ví chính thức tại Lào và giành được giải thưởng quốc tế quan trọng.
Tại các thị trường khác như Myanmar, ví điện tử eMoney là 1 trong 4 giải vàng mà Mytel xuất sắc được tổ chức giải thưởng quốc tế Globee Awards trao tặng. Tại Telemor, ví điện tử Mosan tiếp tục là kênh thanh toán số hàng đầu với gần 85% thị phần. Lumicash của Lumitel đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thanh toán điện tử của người dân Burundi với thị phần lên đến 75% (tăng 2,4% so với năm trước).
Tại Mozambique, Movitel cũng đạt được những thành quả nhất định trong việc phát triển khách hàng ví với kết quả tăng gấp 2,5 lần so với 2020. Đặc biệt, Movitel đã có tầm nhìn xây dựng một hệ sinh thái xã hội số trong tương lai. Họ bước đầu tìm ra chiến lược để phát triển thuê bao ví điện tử và xây dựng Siêu ứng dụng (Super App).
Cuốn sách Bank 4.0 của Brett King dẫn số liệu từ ngân hàng thế giới (WB) cho hay, hiện nay, số người sở hữu tài khoản ví điện tử đã vượt quá số người sở hữu tài khoản trong ngân hàng truyền thống. Đây là điều đã xảy ra tại hơn 20 quốc gia trên thế giới (trong đó có Trung Quốc, Kenya, Tanzania và Nigeria).
Gần 1 tỷ người ở châu Phi vùng hạ Sahara thuộc nhóm dân số có mức độ tiếp cận các dịch vụ ngân hàng ở mức thấp nhất thế giới, nhưng ngày nay, hơn 30% trong số họ sở hữu tài khoản thanh toán trên điện thoại.
Điều này không quá khó hiểu khi mà chỉ với một chiếc điện thoại di động, người dân có thể lập tức đăng ký tài khoản ví điện tử và bắt đầu giao dịch trong vài phút, thanh toán hoặc chuyển tiền siêu đơn giản bằng cách quét mã QR code hoặc vài thao tác chạm nhẹ.
Ví điện tử cũng là cánh cửa để các nhà cung cấp đưa người dùng đến với hệ sinh thái dịch vụ số tích hợp trong một siêu ứng dụng gọn nhẹ nhưng bao trùm trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Qua đó, đem lại những tiện ích vượt trội cho con người và xã hội.
Với chiến lược chuyển đổi số toàn diện, Viettel Global xác định rõ ràng tầm quan trọng của ví điện tử. Báo cáo thường niên 2021 cho biết, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của Ban Tổng giám đốc trong năm 2022 là xây dựng nguồn doanh thu dịch vụ mới từ hoạt động kinh doanh ngoài viễn thông đối với các công ty dịch vụ mới, cụ thể là công ty Ví.
Năm 2021, trong con số tổng doanh thu hợp nhất 22.618 tỷ đồng (không ghi nhận lãi, lỗ từ công ty liên doanh, liên kết) của Viettel Global, bên cạnh dịch vụ viễn thông truyền thống là chủ lực thì dịch vụ ngoài viễn thông ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng, đạt 17%. Đóng góp chủ yếu đến từ dịch vụ tài chính điện tử - tăng trưởng 59%.
Có thể thấy những động thái quyết liệt của các công ty thành viên Viettel Global đã giúp dịch vụ ví điện tử đạt được thành tích bùng nổ như trên.
Với lợi thế về thị phần thuê bao di động và công nghệ, các công ty của Viettel Global đều đẩy mạnh hoạt động thanh toán trên ví như trả lương, thanh toán điện nước... Trong đó, Unitel và Telemor đang là nhà mạng dẫn đầu về thanh toán số tại Lào và Đông Timor.
“Tấn công” vào phân khúc khách hàng trẻ, các công ty này đều đổi mới nhận diện thương hiệu trẻ trung, năng động và triển khai mạnh mẽ các hoạt động marketing, truyền thông trên môi trường số. Đơn cử như ví điện tử U-money tại Lào, thành công đến từ quá trình Unitel chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực như marketing, phát triển kênh. Cùng với đó là cách làm khác biệt khi thuyết phục đối thủ trở thành đối tác của mình và phát triển tập khách hàng mới ngay trong các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Bài học thành công của những công ty ví điện tử trên thế giới cho thấy, việc xây dựng hệ thống đại lý và nhà phân phối hoạt động rộng khắp cả nước, nhiều hơn mọi chi nhánh ngân hàng, cây ATM hay các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính nào khác… đóng vai trò chủ lực trong việc luân chuyển tiền trong mạng lưới.
Số lượng điểm rút tiền, nạp tiền và chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử giúp người dùng “cởi bỏ” những e ngại trong thanh khoản. Mà xây dựng hệ thống mạng lưới lại là thế mạnh của các đơn vị thành viên Viettel Global khi chính “chìa khóa” này đã tạo nên những “cú nước rút” lên top đầu thị phần của họ.
Với một sản phẩm fintech, yếu tố công nghệ và thiết kế sản phẩm là quan trọng nhất khi nó quyết định chất lượng trải nghiệm của người dùng. Tại nhiều thị trường, các sản phẩm ví điện tử của Viettel Global được đánh giá cao bởi ứng dụng công nghệ hiện đại và thiết kế thân thiện, dễ hiểu, dễ dùng cho mọi đối tượng.
Một ví dụ đến từ Mozambique, bằng việc gắn ví điện tử với thuê bao di động – yếu tố mà người dùng ít thay đổi, Movitel đã xây dựng được hệ thống khách hàng trung thành cho sản phẩm ví. Số lượng kênh ví, điểm rút nạp, được trang bị hình ảnh là 30.000 agent, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 20.000 kênh có phát sinh giao dịch hỗ trợ rút/nạp cho khách hàng hàng tháng.
Movitel cũng đã cắt chuyển core Ví thành công từ hệ thống Keeto sang Comviva - core ví được đánh giá là tốt nhất trên thế giới hiện nay. Việc này đáp ứng nhu cầu của kinh doanh cùng với việc xây dựng agent rộng khắp đã giúp thuê bao ví tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021. Theo đó, thuê bao ví tăng thêm 550.000 thuê bao và tăng gấp 5 lần so với năm 2020.
Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mại, ưu đãi mạnh tay luôn đem lại sức hấp dẫn không thể chối từ, mà 3 gói cước “khủng” của Halopesa tại Tanzania là minh chứng tiêu biểu.
Với triển vọng thị trường và chiến lược của Viettel Global, trong vài năm nữa, sẽ không bất ngờ khi đóng góp tỷ trọng lớn trong doanh thu của doanh nghiệp này là dịch vụ ví điện tử và các sản phẩm trong hệ sinh thái số.