Đằng sau lọ mỹ phẩm nội địa "đắt nhất Việt Nam": 600.000 đồng cho 10ml khách vẫn tranh mua, chủ thương hiệu dành cả thanh xuân để xóa định kiến đồ Việt là "kem trộn"
"Chỉ cách đây 5 năm thôi, cứ nói đến mỹ phẩm Việt mọi người lại hỏi: "Đồ trộn à?", chưa kể chúng tôi còn làm theo hướng Đông y", Co-founder Skinlosophy Đỗ Duy Khánh kể lại. Bất chấp định kiến, thương hiệu này vẫn trụ vững sau 10 năm và được khách hàng tin tưởng đến mức sẵn sàng bỏ 600.000 đồng để mua lọ dầu dưỡng da chỉ chứa 10 ml.
Skinlosophy là một thương hiệu mỹ phẩm nội địa Việt, ra đời với mục tiêu tối ưu hóa những bài thuốc Đông y của dân tộc và kết hợp chúng với các thành phần Tây y hiện đại, từ đó tạo ra bộ sản phẩm thật khác biệt trên thị trường, đồng thời nâng cao nhận thức của mọi người không chỉ về mỹ phẩm Việt, mà còn là nông sản, ngành khoa học Việt Nam.
Hai Co-founder của Skinlosophy là Đỗ Duy Khánh – người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành làm đẹp và Đinh Phương Anh – một dược sĩ nhà 3 đời làm Đông y.
"Khi Skinlosophy ra đời, 90% thị trường là sản phẩm nước ngoài, 10% còn lại là mỹ phẩm bình dân ở siêu thị. Thứ không đong đếm được chính là kem trộn, nghĩa là lúc đó ngành mỹ phẩm rất tai tiếng", Co-founder Đỗ Duy Khánh chia sẻ trong series podcast Chapter 0 của Rising Vietnam.
"Cứ nói đến mỹ phẩm Việt mọi người lại hỏi: 'Đồ trộn à?'"
Sau khi được thành lập hồi năm 2013, sản phẩm đầu tiên của Skinlosophy là hũ mặt nạ đựng trong hộp nhựa.
"Dù là đồ homemade, sản phẩm vẫn có lòng tự trọng của nó. Không phải là lấy vài loại bột khuấy vào, mà khoảng 50 thành phần đã được trộn với trứng gà tươi tuyển rất kỹ. Khi sử dụng, người dùng phải cất tủ lạnh và chỉ được dùng trong 1 tuần. Ngay từ đầu, hũ mặt nạ này đã là thứ gì đó rất mới trên thị trường", anh Khánh cho biết.
Để thuyết phục người tiêu dùng, Skinlosophy tập trung làm branding (xây dựng thương hiệu), với quan điểm rằng khách hàng chỉ thực sự muốn sử dụng sản phẩm khi dấu ấn thương hiệu trong lòng họ đủ mạnh, bởi việc lựa chọn một loại mỹ phẩm mới luôn đi kèm nhiều nỗi lo về sức khỏe, nguy cơ kích ứng…
"Đầu tiên là để người khác tin mình đã. Không phải cạnh tranh về giá, mà phải làm branding. Đấy cũng là một cách để sống lâu trên thị trường", anh Khánh nêu nhận định.
Đây là điều không hề dễ dàng, trong bối cảnh ngành mỹ phẩm Việt đối mặt nhiều định kiến.
"Chỉ cách đây 5 năm thôi, cứ nói đến mỹ phẩm Việt mọi người lại hỏi: "Đồ trộn à?", chưa kể tôi còn làm theo hướng Đông y. Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, bạn phải đủ tin vào bản thân thì người khác mới tin vào bạn. Chẳng lẽ lúc đấy chính tôi cũng hoài nghi? Không, mình phải cực kỳ tin vào mình, một niềm tin đủ mạnh đến mức biến thành lực hút để người khác phải đi vào quỹ đạo của mình", nhà đồng sáng lập quả quyết.
Anh Khánh cho biết 8 năm kể từ khi thành lập, doanh nghiệp mới thực sự ổn định. Mặc dù gặp nhiều khó khăn suốt quãng thời gian đó, "bao nhiêu cái Tết ngồi khóc với nhau vì không đủ tiền trả lương trả nợ, bao nhiêu lời tấn công trên mạng và những nghi hoặc đến từ chính người thân", đội ngũ Skinlosophy vẫn một lòng tin vào định hướng từ những ngày đầu.
Dầu dưỡng da nội địa "đắt nhất Việt Nam", 10 ml có giá tới 600.000 đồng
Đề cập tới thị trường mỹ phẩm thiên nhiên – Đông y Việt Nam, anh Khánh tự tin Skinlosophy đang dẫn đầu trong ngách này, bởi phần lớn mỹ phẩm Đông y "một là công thức kiểu cũ, hai là cách sử dụng lích kích, ba là trải nghiệm chưa được dễ chịu".
Khách hàng của Skinlosophy phần lớn trong độ tuổi 22-35, là những người đã có chính kiến riêng trong cuộc sống, yêu các giá trị thiên nhiên, văn hóa bản địa và khá hiểu biết về mỹ phẩm.
"Phải hiểu biết mới dám mua món mỹ phẩm nội địa đắt nhất Việt Nam", anh Khánh đề cập đến một sản phẩm dầu dưỡng da của Skinlosophy. "10 ml bé xíu mà bán với giá 600.000 đồng, còn đang trên đà tăng giá tiếp".
Nhà đồng sáng lập thừa nhận sự lo lắng lúc mới đưa sản phẩm này ra thị trường, bởi ngay cả đối với mỹ phẩm nước ngoài, người tiêu dùng chưa chắc sẵn sàng bỏ nhiều tiền như vậy. Tuy nhiên, Skinlosophy "quyết không thỏa hiệp".
"Kết quả, sản phẩm này trở thành best-seller của nhãn hàng, mọi người tranh cướp. Đã có những lúc khan hàng họ phải tìm khắp nơi để gom lại cùng lúc 10 sản phẩm.
Tôi không dám nói đấy là sản phẩm tốt nhất, cũng không nghĩ rằng người ta mua chỉ vì cái mác đắt nhất thị trường. Tôi nghĩ họ mua vì nó mang lại cho họ hy vọng, bởi tôi đã nói rằng sản phẩm làm từ loại dầu đắt nhất thế giới.
Tôi nói với khách hàng rằng các bạn có biết ở xứ Morocco, tại vùng khắc nghiệt nhất, phụ nữ buôn làng phải ép bằng tay từng chút dầu một, thay vì ép bằng máy, còn nguyên bụi hạt để giữ lại dưỡng chất. Chúng tôi tìm đến cỡ đấy để mang về cho các bạn dùng. Vậy là tạo nên hy vọng nhất định cho họ rằng sản phẩm là thứ gì đó khác biệt. Không chỉ ở nguyên liệu, khác biệt còn nằm ở nhiều yếu tố còn lại", anh Khánh giải thích về mức giá 600.000 đồng cho lọ dầu dưỡng da.
Nhận xét về thị trường mỹ phẩm Việt, Co-founder Skinlosophy bày tỏ mong muốn xuất hiện thêm nhiều thương hiệu tư duy có chiều sâu hơn, thay vì làm ra những sản phẩm "vô hồn, na ná nhau". Để làm được điều này, thương hiệu cần gắn liền với một nền văn hóa hoặc ngành nào đó, góp phần thúc đẩy, lên tiếng cho một cộng đồng nhất định.
"Nếu thương hiệu đấy là một con người thì người ấy đã đủ cá tính chưa? Tư duy của người ta đủ sâu chưa?", anh Khánh đặt vấn đề.