Đằng sau động thái cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+

09/10/2022 08:20 AM | Xã hội

OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày bắt đầu từ tháng 11. Điều này đi ngược hoàn toàn với mong muốn của Mỹ.

Theo CNBC, OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày bắt đầu từ tháng 11 như một cách để hỗ trợ giá dầu thô phục hồi. Điều này đi ngược hoàn toàn với mong muốn của nước Mỹ - quốc gia vốn đang ủng hộ kế hoạch tăng sản lượng để hạ nhiệt nền kinh tế.

Trước đó, hồi đầu năm 2020, OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày trong bối cảnh các lệnh phong tỏa do đại dịch khiến nhu cầu đi lại teo tóp. Các tập đoàn dầu mỏ sau đó dần nới lỏng chính sách, dù số ít vẫn cố vật lộn để hoàn thành hạn ngạch.

Ngay sau tuyên bố của OPEC+, giá dầu Brent tăng nhẹ 1,1% và hiện đang được giao dịch ở mức 94,47 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng có phản ứng tương tự, hiện được giao dịch quang ngưỡng 87 USD/thùng.

Theo nhiều chuyên gia, nước đi của OPEC+ phản ánh hai điều. Thứ nhất, có vẻ như các nước xuất khẩu dầu trong OPEC, đặc biệt là Vùng Vịnh, không còn hài lòng với mức giá dầu 60-70 USD/thùng. Lạm phát tăng cao khiến chúng không còn đem lại nhiều giá trị như cách đây 1-2 năm. Thứ hai, các nước xuất khẩu dầu OPEC, đứng đầu là Saudi Arabia vẫn đang e ngại hệ lụy cạn kiệt dầu từ xung đột địa chính trị Nga-Ukraine. Nếu viễn cảnh đó xảy ra, tổ chức này sẽ ngay lập tức phải bù đắp sản lượng thiếu hụt cho thị trường.

Tuy nhiên, sản lượng dầu còn dư hiện đang cần cạn kiệt. Việc cắt giảm lúc này theo đó được coi là bước đi phòng xa để OPEC+ chuẩn bị cho những biến động sắp tới, tức giảm để giữ giá và thế chủ động. Bên cạnh đó, thông tin Bộ Năng lượng Mỹ sắp bán ra tới 10 triệu thùng dầu vào tháng 11 tới cũng được dự báo sẽ khiến thị trường ngập trong dầu, trong bối cảnh nền kinh tế chung đang đối mặt với suy thoái.

Đằng sau động thái cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ - Ảnh 1.

OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày bắt đầu từ tháng 11 như một cách để hỗ trợ giá dầu thô phục hồi.

Trái với ý đồ của OPEC+, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ nỗi thất vọng sâu sắc sau quyết định cắt giảm sản lượng, ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ. Đây là mức giảm sản lượng lớn nhất của OPEC+ kể từ sau khi đại dịch COVID-19 hạ nhiệt và có thể tác động tiêu cực đến đảng Dân chủ của ông.

Tổng thống Biden hiện đang kêu gọi chính quyền và Quốc hội Mỹ tìm cách thúc đẩy sản xuất trong nước, đồng thời giảm mức kiểm soát giá năng lượng của OPEC sau khi nhóm này tuyên bố giảm sản lượng. Ông cho rằng quyết định trên là "thiển cận" và chắc chắn sẽ làm tổn thương các nước thu nhập thấp và trung bình vốn đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng cao.

Theo các chuyên gia, rất khó để OPEC+ đưa ra quan điểm trong 1-2 tháng tới khi thị trường năng lượng đang phải đối mặt với sự không chắc chắn về các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga.

“Nói theo cách riêng, sứ mệnh của OPEC là đảm bảo một mức giá phù hợp cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Việc siết chặt hơn nữa nguồn cung vốn đã eo hẹp chẳng khác nào “tát” vào mặt họ. Động thái ích kỷ này hoàn toàn nhằm mục đích mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất”, Stephen Brennock, nhà phân tích cấp cao của PVM Oil Associates ở London nhận định. “Nói tóm lại, OPEC + đang ưu tiên giá trên mức ổn định vào thời điểm thị trường dầu bất ổn”.

“Sau quyết định này, sự bất ổn có thể sẽ quay trở lại. Bất chấp những lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế, thị trường dầu đang bị thắt chặt”, Rohan Reddy, giám đốc nghiên cứu của Global X ETFs, chia sẻ với tờ CNBC, đồng thời khẳng định kịch bản giá dầu quay trở lại mốc kỷ lục 100 USD/thùng là có thể xảy ra, sau khi thị trường hấp thụ các dữ liệu kinh tế.

Theo: CNBC

Vũ Anh

Từ khóa:  dầu
Cùng chuyên mục
XEM