Đằng sau danh xưng Người Việt trẻ nhất chinh phục đỉnh Everest
Câu chuyện về Phan Thanh Nhiên sẽ là một bức tranh sống động về một người đàn ông sống hết mình với đam mê và chưa bao giờ nói không với thất bại rất đáng để độc giả chiêm nghiệm.
Ít ai biết được rằng “Người Việt Nam trẻ nhất chinh phục đỉnh Everest” lại có khoảng thời gian thất nghiệp, nợ tiền nhà, và liên tục thất bại trong kinh doanh thời kỳ “hậu Everest”. Nhưng quan trọng anh chưa bao giờ bỏ cuộc, như anh đã cắn răng lê từng bước lên nóc nhà thế giới.
Câu chuyện về Phan Thanh Nhiên sẽ là một bức tranh sống động về một người đàn ông sống hết mình với đam mê và chưa bao giờ nói không với thất bại rất đáng để độc giả chiêm nghiệm.
1,7 kg, 23 ngàn đồng và Everest
- Trước đây, anh từng chia sẻ một trong những nguyên nhân chính khiến anh quyết định tham gia cuộc thi chinh phục Everest lúc bấy giờ là vì tiền?
- Không sai. Tôi còn không hề nghĩ đến chuyện sẽ là một trong những người cuối cùng được chọn vì Everest với một sinh viên Đại học Thể dục thể thao lúc bấy giờ là một điều gì đó rất xa vời. Tôi còn tự hỏi “Sao ở Việt Nam lại có ngọn núi nào tên tiếng Anh mà không phải là tiếng Việt như núi Bà Đen hay núi Sam?”
Tôi còn nhớ hôm ấy hầu hết các sinh viên trong trường đều háo hức tham dự và chuẩn bị lên xe đến điểm dự tuyển, trừ tôi. Vì đơn giản đó là ngày tôi phải chạy bàn đám cưới. Công việc ấy giúp tôi kiếm được 23 ngàn mỗi ngày, nếu may mắn thì được khách “bo” thêm năm, mười ngàn. Tuy nhiên đám bạn rủ rê tôi rằng đi cái này đi được người ta cho uống nước miễn phí, loại nước mà chỉ có trên tivi chứ sinh viên nghèo như tôi làm gì đủ tiền mua. Tôi bắt đầu tính, nếu đi thì uống được 4-5 chai nước, mỗi chai cũng năm, sáu ngàn rồi còn được cho năm ngàn tiền đi xe buýt về. Thôi coi như cũng lời hơn một ngày chạy bàn nên tôi cũng leo lên xe theo chân mọi người.
Vậy đó, lý do dự tuyển cuộc thi chinh phục Everest của tôi đơn giản chỉ là vậy. Có lẽ nhiều người sẽ cười khẩy và thương hại cho cái cớ không thể tầm thường hơn này nhưng nếu họ vào hoàn cảnh của tôi thì họ sẽ buộc phải tính toán chi ly đến từng xu một.
Phan Thanh Nhiên. (Ảnh: Phan Võ)
- Tiền lúc ấy quan trọng với anh đến thế sao?
- Sao lại không quan trọng? Chị biết không lúc tôi được sinh ra dù đủ chín tháng mười ngày nhưng cân nặng chỉ 1,7kg. Hình dung chính xác về tôi lúc bấy giờ chỉ có ba chữ: da bọc xương. Nhà tôi nghèo lắm nghèo đến độ mà bữa ăn chính chỉ có khoai lang, khoai mì, bắp luộc còn gạo là thứ vô cùng xa xỉ. Nhưng mà hồi đó tôi còn nhỏ đâu nghĩ được gì nhiều hơn nữa lại là con út trong gia đình gồm năm anh chị em nên ai cũng nhường cho phần tốt nhất, ngon nhất, còn được đi học đầy đủ nên có biết nhà mình nghèo đâu.
Mãi đến năm lớp ba khi nhìn thấy má bị chủ nợ chửi mắng mà không dám cãi lại. Rồi khoảnh khắc bà ôm tôi khóc nghẹn dặn dò phải ráng học cho giỏi để sau này thoát nghèo thay đổi cuộc đời tôi mới bừng tỉnh.
Sau đó tôi bắt đầu đi làm mướn cho người ta, việc nào cũng làm từ cuốc đất, phát cỏ cho đến bưng bê khuân vác. Nhưng tôi không phải là điển hình của cô cậu học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại tôi học… tệ lắm. Ngày nào sau giờ học cũng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, vắt kiệt sức lực đến nỗi buổi tối đặt lưng xuống giường là ngủ thẳng cẳng nên dần dà chuyện học hành cũng sa sút, chưa kể có năm tôi suýt bị ở lại lớp. Lúc đó tôi phải cân nhắc lại khả năng thi đại học của mình vì tư chất vốn không thông minh, học hành lại không đâu vào đâu thì cơ hội thi đậu là bằng không.
Suy đi tính lại tôi quyết tâm thi vào trường Đại học Thể dục thể thao vì không thể trong một sớm một chiều tôi từ một đứa đứng bét lớp trở thành học sinh giỏi ngay được nhưng nếu từ một thằng nhóc lẹt đẹt mà đạt được thể trạng đủ chuẩn để thi vào Đại học Thể dục thể thao thì tôi nắm chắc trong tầm tay.
Từ đó tôi bắt đầu quá trình cải thiện thể trạng bản thân. Nhà không có gạo có thịt thì tôi bẻ bắp, đào khoai, hái rau rừng mà ăn. Tôi còn xin học võ ở chùa và kiên trì luyện tập mỗi ngày. Đến năm lớp 12 từ 1m60 tôi đạt được chiều cao 1m75, vừa đủ chuẩn đăng ký dự thi vào trường Đại học Thể dục thể thao.
Sau khi đậu đại học, tôi tiếp tục đối diện với một thực tế khác: sinh hoạt phí. Để có tiền trang trải cho việc học tôi xin đi làm thêm từ phụ hồ, phát tờ rơi, chạy bàn đám cưới, cho đến nhặt ve chai. Chị có biết ước mơ lúc đó của tôi là gì không? Đó là ráng học thật giỏi để ra trường làm thầy giáo dạy thể dục mỗi tháng lương vài triệu, ngày ăn ba bữa là mãn nguyện lắm rồi.
- Vậy sao anh không nghĩ rằng Everest sẽ là cơ hội đổi đời của anh?
- Tôi không nghĩ xa đến vậy. Thậm chí khi lọt vào vòng trong tôi còn có ý định rút lui vì biết được “nóc nhà thế giới” khủng khiếp đến mức độ nào: nhiệt độ thông thường khi có nắng là -40 độ C, mức thở oxy chỉ bằng 25% so với bình thường. Hành trình chinh phục sẽ kéo dài trong 64 ngày cùng phụ kiện là ba lô nặng 35kg, trang phục leo núi nặng 7kg, giày leo núi nặng 6kg và đối mặt với tình trạng hoại tử, tràn dịch phổi và có thể sẽ chết trước khi đến đỉnh núi. Tôi bắt đầu lưỡng lự…
Thật ra khi ấy tôi đã gần hoàn thành mục tiêu của mình rồi vậy thì việc gì phải đối mặt với một thử thách mạo hiểm không an toàn này? Nhưng khi ngồi cùng những người anh em khác trong đội, nghe họ kể về hoài bão về tham vọng về những dự định sau khi chinh phục Everest khiến tôi bất chợt nhìn lại mình. Tại sao cũng là đàn ông như nhau nhưng cách nghĩ của họ lại khác mình như vậy? Lý tưởng của họ lại to lớn, ý nghĩa đến vậy? Trong khi mình thì chỉ ước cơm đủ ăn ngày ba bữa, lương vài triệu đủ xài trong tháng.
Hóa ra cái nghèo khiến mình nghĩ “vừa đủ” là hạnh phúc, là tốt rồi nhưng thật ra bản thân của mình còn làm được nhiều điều tốt hơn, vĩ đại hơn mà chính mình còn không nghĩ đến.
Everest không phải là cơ hội đổi đời mà là dấu ấn thay đổi nhận thức trong con người tôi. Hồi đó, làm cái gì tôi cũng ngại khó ngại khổ, nói theo kiểu dân dã là “giấu dốt” để người ta không thấy mình dở, làm việc gì cũng chọn cái dễ nhất, chọn con đường an toàn nhất.
Nhưng trở về từ Everest, tôi như thành người khác, thích dấn thân vào những nơi đầy thách thức, khó khăn, gặp bất kỳ thử thách nào cũng lựa cái khó nhất, trúc trắc nhất để thực hiện. Tôi nhìn mọi thứ cũng theo chiều hướng tích cực lạc quan hơn đồng thời cũng đề ra những mục tiêu, tham vọng cao hơn, thiết thực hơn. Bên cạnh đó tôi cũng tìm được một đam mê và gắn bó đến tận bây giờ, đó chính là thể thao mạo hiểm và leo núi.
Khủng hoảng hậu “Everest”
- Dường như cuộc sống của anh trong thời kỳ hậu Everest cũng không được suôn sẻ cho lắm?
- Phải. Năm 2008 sau khi trở về từ Everest, tôi bắt đầu tận hưởng hào quang của kẻ chiến thắng: ở khách sạn liền tù tì sáu tháng và… đợi người ta đổ xô tìm mình để phỏng vấn, để ký hợp đồng quảng cáo, và để chia sẻ về Everest.
Tuy nhiên thực tế phũ phàng dội cho tôi một gáo nước lạnh khi chỉ có vài tờ báo đưa tin về nhóm người Việt chinh phục Everest thành công rồi lại nhanh chóng chìm vào quên lãng. Quả thật ở đời chẳng ai giúp được gì cho mình ngoài bản thân phải tự lực cánh sinh. Thế là dẹp hết mọi ảo tưởng tôi bắt đầu đi xin việc trong một công ty du lịch.
Ngoài ra, tôi cũng tập tành kinh doanh khi đầu tư một trại nuôi rắn và mở công ty nhỏ chuyên về team building nhưng thất bại không ít lần. Trong đó nặng nề nhất là một công ty hoạt động về thể thao mạo hiểm. Công ty mang tên Everest Việt được ra đời từ mong muốn sẽ giúp người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, có thể chơi được nhiều môn thể thao mạo hiểm cũng như sẽ là cầu nối đưa người Việt chinh phục nhiều ngọn núi hay cung đường khắc nghiệt trên thế giới.
Thông qua đó, tôi muốn phần nào truyền cảm hứng cho mọi người về việc vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách chinh phục những thử thách cực hạn, giúp cho bất kỳ ai cũng sẽ trở nên lạc quan và kiên cường hơn. Một khi ý chí được phát triển toàn diện thì cơ thể của bạn cũng sẽ được phát triển toàn diện.
Tuy nhiên kinh nghiệm non nớt, thiếu nền tảng kiến thức, không am hiểu về quản lý nhân sự nên công ty chỉ có lỗ mà không có lời. Dần dà những người bạn đầu tư ban đầu cảm thấy không an toàn và hiệu quả nên rút vốn lần lượt. Thời điểm ấy nộp hồ sơ xin phá sản công ty còn dễ hơn là kiếm tiền trả lương nhân viên. Chưa kể mọi người ai cũng chỉ trích là sao tôi cứ cố chấp với cái của nợ này vậy. Nhưng đâu ai biết đó là tâm huyết, là đứa con tinh thần mà tôi đã thai nghén không biết bao nhiêu năm nên không thể để mất đi được. Vậy là tôi lại tiếp tục đi làm thuê cho người khác, lấy ngắn nuôi dài.
(Ảnh: Phan Võ)
Đó ắt hẳn là thời điểm khủng hoảng nhất mà anh từng trải qua?
- Đời tôi đã kinh qua không biết bao thăng trầm nên chỉ có khủng hoảng hơn chứ không có khủng hoảng nhất. Quan trọng là cách đối mặt với khủng hoảng và thất bại như thế nào. Dân thể thao bọn tôi hay nói về một hiện tượng mang tên là “hô hấp lần hai”. Đây là hiện tượng xảy ra khi người ta chơi một môn thể thao nào đó ở cường độ cao dù đã kiệt sức nhưng vẫn tìm được sức mạnh để tiếp tục và vượt qua “điểm cực hạn” mà bản thân tưởng rằng không bao giờ đạt được.
Đây cũng chính là quan điểm sống của tôi. Cuộc sống dẫu có khó khăn hay bế tắc thì càng phải ép bản thân đối mặt với nó để tìm lối thoát chứ không được phép từ bỏ.
Như hồi ở Everest có những khoảnh khắc tôi chỉ thích… chết vì quá mệt mỏi, quá đau đớn, chân tay không nhúc nhích, ăn không được uống không xong nhưng rồi bằng ý chí và nghị lực tôi cũng lên đến đỉnh thành công.
Còn trong công việc, tăm tối nhất là lúc tôi nợ 18 tháng tiền nhà, cơm nước hoàn toàn được bạn gái “bao nuôi”, công ty không ký nổi một hợp đồng, phải chạy ngược chạy xuôi xoay vòng vốn. Giai đoạn ấy mà tinh thần không vững thì chết lúc nào không hay. Nhưng tôi nghĩ chẳng có thành công nào mà dễ dàng đạt được vì nó được cấu thành từ gian khổ mà. Rất nhiều người thành đạt trên thế giới cũng phải bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng thì mình không là ngoại lệ. Vậy nên cứ làm thôi ngã thì lại đứng dậy và bước tiếp về phía trước.
- Còn hiện bây giờ “đứa con tinh thần” của anh ra sao rồi?
- Sau vài lần chết lên chết xuống thì công ty cũng dần hồi sinh và đạt được nhiều thành công nhất định như xây dựng hệ thống đường zipline hai sợi dài nhất Việt Nam (400m) tại khu du lịch sông Chày-hang Tối (Quảng Bình), chuỗi thử thách “Chinh phục bức tường con hổ” kéo dài trong hai năm từ Bắc chí Nam của một thương hiệu bia cùng nhiều công trình khác.
Sắp tới, sẽ là những dự án “khủng” hơn như đường zipline tổng chiều dài 5km và khu phức hợp thể thao mạo hiểm trên cao lớn nhất Việt Nam cũng tại Quảng Bình. Ngoài ra tôi cũng dự định sẽ giới thiệu nhiều cung đường du lịch mạo hiểm trên thế giới dành cho người Việt Nam mà trước nhất là quay trở lại Everest Base Camp vào tháng 10 tới.
“Con người ta trưởng thành và thay đổi sau những thử thách tưởng chừng không thể vượt qua. tôi tin rằng một khi ý chí được trui rèn thì không có ngọn núi nào là không thể chinh phục được.”
“Tôi và con trai sẽ cùng chinh phục Everest!”
- Là một người đam mê các môn thể thao mạo hiểm, anh có dự định sẽ để con mình đồng hành cùng anh trong các thử thách này không?
- Sao lại không? Tôi còn đang ấp ủ tham vọng là sẽ để con trai mình chinh phục Everest trước năm 12 tuổi (hiện kỷ lục thế giới của người trẻ nhất chạm đỉnh Everest là Jordan Romero khi anh 13 tuổi- PV). Bé nhà tôi sẽ được tiếp xúc với đủ mọi hoạt động thể thao ngay khi con nhỏ vì theo tôi sáu năm đầu tiên trong đời là cơ hội vàng để bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có thể vẽ nên con đường đẹp nhất dành cho con bước đi sau này.
Yêu con thương con không có nghĩa là ủ con trong một cái lồng sắt rồi nhét đầy đồ chơi vào trong đó mà nên đẩy con ra ngoài rồi để nó va chạm với thực tế từ đó mới trưởng thành mới không phải gục ngã về sau.
(Ảnh: Phan Võ)
- Nhưng đó có phải là một sự liều lĩnh không khi chắc gì con anh cũng thích leo núi giống anh?
- Tất nhiên tôi tôn trọng sự lựa chọn của con mình. Nếu bé không thích và đây cũng không phải là lĩnh vực yêu thích của bé thì chắc chắn tôi không ép. Bởi con đường mà tôi đang đi nếu không có đam mê thì chẳng bao giờ đi đến tận cùng được. Thêm nữa đây hoàn toàn không phải là sự liều lĩnh vì quá trình để bé chinh phục Everest được thực hiện theo quy trình khoa học phù hợp vời từng cấp độ tuổi trong một chu kỳ dài.
Do đó nếu đến cuối cùng bé từ bỏ thì ít ra điều bé có được là một cơ thể khỏe mạnh, cứng cáp, và một tinh thần bền bỉ để tiếp tục chinh phục thử thách ở những lĩnh vực khác. Nhưng mà nói gì thì nói tôi vẫn mong bé và tôi cùng chung chí hướng (cười).
- Anh đã từng trả lời phỏng vấn rằng nếu quay trở lại chưa chắc anh có thể leo lên đỉnh Everest một lần nữa. Bây giờ anh có muốn thay đổi câu trả lời không?
- Tôi sẽ lại có mặt trên đỉnh Everest một lần nữa nhưng kèm theo một kỷ lục khác mà tôi đang ngày đêm tập luyện để đạt được, đó là kỷ lục “Người để mình trần lâu nhất trên đỉnh Everest” với thời gian dự kiến là 10 phút.
- Anh có mường tượng được hậu quả phải gánh chịu sẽ như thế nào nếu làm điều này không?
- Có chứ. Nhẹ thì một vài bộ phận cơ thể sẽ bị hoại tử, tràn dịch phổi, chảy não, nặng thì đánh đổi cả tính mạng trước khi xuống chân núi. Nhưng tôi là người nếu không tính toán được 60% thành công và an toàn thì sẽ không làm. Vì tôi còn muốn tận hưởng cảm giác chiến thắng ít nhất là 1-2 năm sau đó mà (cười). Đây sẽ là mục tiêu cuối cùng sau khi tôi đã hoàn thành những tham vọng khác và chắc chắn sẽ được thực hiện trước năm 40 tuổi./.
“Dân thể thao bọn tôi hay nói về một hiện tượng mang tên là “hô hấp lần hai.” Đây là hiện tượng xảy ra khi người ta chơi một môn thể thao nào đó ở cường độ cao dù đã kiệt sức nhưng vẫn tìm được sức mạnh để tiếp tục và vượt qua giới hạn mà bản thân không bao giờ đạt được.
Đây cũng chính là quan điểm sống của tôi. Cuộc sống dẫu có khó khăn hay bế tắc thì càng phải ép bản thân đối mặt với nó để tìm lối thoát chứ không được phép từ bỏ.” - Phan Thanh Nhiên