Đằng sau chiến lược xây chuỗi giải pháp tự động hóa toàn trình ngành logistics của Viettel Post: Từ robot, công viên logistics ở biên giới Việt - Trung, tới mô hình “Dark Inventory"

02/12/2024 14:39 PM | Công nghệ

Phát triển thành một nền tảng logistics tích hợp với các công nghệ hiện đại nhất trên thế giới là định hướng chiến lược của Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post). Họ cũng đầu tư rất mạnh cho định hướng này trong thời gian gần đây và trở thành điểm sáng ngành logistics Việt Nam.

Đằng sau chiến lược xây chuỗi giải pháp tự động hóa toàn trình ngành logistics của Viettel Post: Từ robot, công viên logistics ở biên giới Việt - Trung, tới mô hình “Dark Inventory"- Ảnh 1.

“Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành dịch vụ logistics phát triển nhanh nhất thế giới nhưng vẫn còn phân tán, rời rạc. Ngành này tăng trưởng 14-16% trong những năm gần đây và tổng chi phí cho dịch vụ logistics ở Việt Nam là hơn 20% GDP, thuộc hàng cao nhất thế giới vì sự thiếu hiệu quả trong quy trình logistics”, một báo cáo năm 2023 của Quỹ đầu tư VinaCapital nhận xét.

Thực tế này đã được cơ quan quản lý và các chuyên gia nêu lên nhiều lần. Trong những năm qua, Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp đang nỗ lực tạo nên những chuyển biến trong ngành với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực.

Những xu hướng lớn trong ngành Logistics

VinaCapital đánh giá, tại Việt Nam hiện nay, dịch vụ logistics đang được thực hiện bởi các công ty trong nước phần lớn có thể được gọi là “Logistics tự cung cấp (1PL)” hoặc “Cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 2 (2PL)”. Về cơ bản, nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển trực tiếp sản phẩm từ nơi này sang nơi khác.

Nhưng ngành logistics toàn cầu đang hướng tới mô hình 3PL , trong đó nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSP) sẽ cung cấp không chỉ dịch vụ vận chuyển, kho bãi mà còn cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng bổ sung như quản lý hàng tồn kho, lấy hàng, đóng gói và theo dõi RFID.

Quỹ đầu tư này cho rằng, triển vọng tươi sáng sẽ nằm ở các công ty logistics hàng đầu và có khả năng phát triển thành một nền tảng tích hợp.

Việc phát triển thành một nền tảng tích hợp, cung cấp dịch vụ logistics theo mô hình 3PL hay 4PL cũng là chiến lược phát triển của các doanh nghiệp logistics lớn tại Việt Nam. Nhưng ngoài tầm nhìn hay kinh nghiệm hoạt động trong ngành, một yếu tố mang tính quyết định đến các doanh nghiệp logistics ngày nay là công nghệ.

Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 của Bộ Công thương đã chỉ ra rằng, hiện tại trên thị trường, các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp quy mô lớn như Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, Các công ty cảng thuộc hệ thống Tổng Công ty hàng hải Việt Nam; Viettel Post, Vietnam Post; hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như DHL, Fedex…

Đằng sau chiến lược xây chuỗi giải pháp tự động hóa toàn trình ngành logistics của Viettel Post: Từ robot, công viên logistics ở biên giới Việt - Trung, tới mô hình “Dark Inventory"- Ảnh 2.

Trong khi đó, phần lớn với 90% các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.

Hình dung về bức tranh công nghệ trong ngành logistics được Bộ Công thương lấy dẫn chứng từ một số thị trường phát triển. Tại Mỹ, những công nghệ được áp dụng nhiều nhất trong ngành logistics gồm dữ liệu lớn, công nghệ blockchain và các giải pháp về tự động hóa, kho hàng thông minh, hệ thống lập kế hoạch và quản lý, ứng dụng SaaS và các dịch vụ đám mây để hiện đại hóa các quy trình cũ.

Một ví dụ về ứng dụng dữ liệu lớn trong ngành logistics là trong mảng vận tải đa phương thức. Chỉ cần nhấn nút, các nhà nhập khẩu và xuất khẩu vừa và nhỏ của Mỹ đang làm việc với các công ty vận tải hàng hóa sẽ có thể phê duyệt thông số kỹ thuật của lô hàng, xem hàng hóa của họ được tải/dỡ, xem tình trạng hàng hóa của họ, đọc nhiệt độ bên trong một container và theo dõi các mốc quan trọng như thủ tục hải quan, ngày đến và biên lai giao hàng. Việc áp dụng hàng loạt dữ liệu lớn sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực logistics.

Còn tại Trung Quốc, có thể kể đến hai ứng dụng tiêu biểu nhất là hệ thống Cảng tự động (Automated Sea Port) và hệ thống Bắc Đẩu (Beidou Navigation System - BDS) hiện đang được áp dụng ở Thanh Đảo và Thượng Hải. Với tính năng tích hợp, an toàn và không cần nhân lực lớn, hệ thống Cảng tự động này góp phần đẩy nhanh hiệu suất vận hành và xử lý hàng hóa tại cảng. Còn hệ thống BDS đồng bộ toàn bộ hệ thống dữ liệu di chuyển của các phương tiện, nhằm tối ưu hóa di chuyển và quy hoạch quốc gia, hệ thống BDS của Trung Quốc được coi như một phiên bản cao cấp của GPS.

Điểm sáng ngành Logistics Việt Nam

Đặt trong thị trường logistics Việt Nam hiện nay, với sự đầu tư quyết liệt trong những năm vừa qua, Viettel Post đang chứng tỏ là một “đầu tàu” tiên phong theo những xu hướng lớn nhất: Phát triển thành một nền tảng tích hợp với các công nghệ hiện đại tương tự Mỹ, Trung Quốc.

Chiến lược của Viettel Post là thiết lập các trung tâm logistic, công viên logistics quy mô lớn, song song với việc xây dựng 10 công nghệ theo 4 khâu lõi của chuỗi logistics (gồm kho – vận tải – thông quan – hệ thống supply chain giao hàng chặng cuối) nhằm hoàn thiện một chuỗi giải pháp tự động hóa toàn trình giúp tối ưu ‘dòng chảy vật lý’ của hàng hoá.

Đằng sau chiến lược xây chuỗi giải pháp tự động hóa toàn trình ngành logistics của Viettel Post: Từ robot, công viên logistics ở biên giới Việt - Trung, tới mô hình “Dark Inventory"- Ảnh 3.

Theo dự kiến, công ty này sẽ xây dựng các công viên logistics, cung cấp trọn gói các dịch vụ như công nghệ bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ thông quan, kiểm hóa, kiểm dịch mà kết quả sẽ được công nhận ở các quốc gia khác.

Các công viên logistics có mức độ tự động hóa cao nhất, có thể giảm 60-70% nhân công . Điều này sẽ giúp tối ưu chi phí và thời gian lưu chuyển hàng hóa. Dự án này là một phần của chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng logistics quốc gia trong dài hạn và tham vọng xây dựng hạ tầng logistic xuyên biên giới.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLBA), hơn 800 công ty giao nhận hàng hoá của Việt Nam đều cung cấp dịch vụ thông quan, nhưng VinaCapital tin rằng các công ty có thể kết hợp dịch vụ thông quan như là một phần của tiêu chí “doanh nghiệp vận tải cốt lõi” có khả năng đáp ứng các nhu cầu vận chuyển/logistics cho các công ty sản xuất sẽ thu được phí dịch vụ cao hơn.

Về công nghệ, Viettel Post hiện là một trong những doanh nghiệp đi đầu thị trường logistics Việt Nam khi là doanh nghiệp đầu tiên sử dụng Robot Sorting với số lượng hàng trăm “chú” tại Tổ hợp chia chọn thông minh đầu tiên tại Việt Nam, hồi đầu năm nay.

Trong chuỗi cung ứng logistics của mình, với loạt công nghệ như Robot AGV Picking, Hệ thống phần mềm Quản lý kho hàng Smart Warehouse, hệ thống Quản lý vận tải (TMS – Transport Management System)… Viettel Post thậm chí là doanh nghiệp nội địa duy nhất tiệm cận đến mô hình “Dark Inventory” , tức những nhà máy ứng dụng công nghệ cao và xanh bền vững nhờ không cần điều hoà, không cần đèn chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Viettel Post tự chủ toàn bộ những công nghệ này.

Trở lại với trung tâm logistics ở vùng biên giới ở Lạng Sơn, Viettel Post dự kiến sẽ ứng dụng các công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để tối ưu chi phí, nhân lực và giảm thiểu thời gian thông quan , giúp cho hàng hóa lưu thông nhanh nhất.

Thuận Vinh

Cùng chuyên mục
XEM