Đằng sau cái chết của nhà báo Ả Rập Saudi: Vết rạn trăm năm

29/10/2018 08:17 AM | Xã hội

Ám sát, dù theo kiểu nào, cũng gây chú ý, lo ngại và khi nạn nhân là một nhân vật nổi trội như nhà báo Jamal Khashoggi, sự chấn động là dễ hiểu

Việc nhà báo xuất sắc của Ả Rập Saudi bị sát hại bên trong lãnh sự quán (LSQ) nước này ở Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) đã gây chấn động một cách lạ thường. Trong hơn 3 tuần sau khi ông biến mất, vụ án trở thành tiêu điểm hàng đầu trên mặt báo và ngày càng đẩy cao làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới.

Thông tin nhỏ giọt

Không chỉ là nhà báo nổi tiếng, ông Khashoggi còn từng thân cận với giới tinh hoa chính trị trong khu vực. Ông là bạn của Tổng thống TNK Recep Tayyip Erdogan và từng gần gũi nhiều nhân vật trong Hoàng gia Ả Rập Saudi.

Ông Khashoggi đã xây dựng được chỗ đứng hàng đầu trong giới truyền thông Ả Rập Saudi rồi đảm đương vị trí như người phát ngôn không chính thức cho gia đình hoàng gia nước này. Song, sự nghiệp của vị nhà báo 59 tuổi ở Ả Rập Saudi đứt đoạn khi bị Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) chặn ngòi bút trong chiến dịch đàn áp bất đồng ý kiến.

Ám sát, dù theo kiểu nào, cũng gây chú ý và lo ngại. Và khi nạn nhân là một nhân vật nổi trội như Khashoggi - nhà báo ra mặt chống đối Thái tử MBS, sự chấn động là dễ hiểu. Sốc hơn nữa, án mạng xảy ra ngay bên trong LSQ Ả Rập Saudi ở Istanbul. Lâu nay, đại sứ quán hay LSQ vẫn được xem là nơi an toàn cho công dân nước mình. Trớ trêu thay, ông Khashoggi chỉ ghé qua cơ quan ngoại giao này để hoàn tất thủ tục kết hôn nhưng lại không có đường về.

Đằng sau cái chết của nhà báo Ả Rập Saudi: Vết rạn trăm năm - Ảnh 1.

Chiếc ghế trống đặt ảnh ông Jamal Khashoggi tại trường quay Al Hewar ở Istanbul - nơi nhà báo này có kế hoạch xuất hiện trong tháng 10-2018 Ảnh: AP


Ngoài ra, trên trang nhất nhiều tờ báo suốt nhiều tuần, sự rò rỉ nhỏ giọt các thông tin giật gân về vụ án từ phía chính quyền TNK cũng "giữ nhiệt" cho vụ việc vốn đe dọa nghiêm trọng hình ảnh của Riyadh này. Giới chuyên gia cho rằng đây là chiến thuật được tính toán kỹ lưỡng từ Ankara để có những mặc cả hòng thay đổi tương quan vị thế với Ả Rập Saudi, trong khi "kỳ phùng địch thủ" của họ đang rơi vào tình thế chỉ muốn nhanh chóng dập tắt cuộc khủng hoảng uy tín này.

Kình địch lâu đời

Nguồn gốc sự kình địch lâu đời giữa TNK và Ả Rập Saudi nằm trong chính những phiên bản khác biệt của hai bên về Hồi giáo Sunni. Những phiên bản đó đã phát triển trong các quỹ đạo lịch sử rất khác nhau và sản sinh những tầm nhìn tương phản về Trung Đông đương đại.

Đó là câu chuyện đi ngược về thế kỷ XVIII. Khi đó, phần lớn khu vực mà chúng ta gọi là Trung Đông ngày nay thuộc về Đế chế Ottoman do nhà cầm quyền từ Istanbul - lúc ấy gọi là Constantinople - cai trị. Đó là những nhân vật tinh hoa chủ yếu là người TNK và người Hồi giáo Balkan, bao gồm Bosnia và Albania. Hejaz - khu vực phía Tây bán đảo Ả Rập, bao gồm các thánh địa Mecca và Medina - được tôn kính vì lý do tôn giáo nhưng không mang ý nghĩa về chính trị hay văn hóa.

Vào những năm 1740, tại khu vực trung tâm cô lập nhất trên bán đảo Ả Rập gọi là Najd, một học giả có tên Muhammad ibn Abd al-Wahhab nổi lên với lời kêu gọi quyết liệt muốn khôi phục "Hồi giáo đích thực". Ông đã hồi sinh chủ nghĩa Hanbali, trường phái độc đoán nhất trong 4 trường phái Sunni chính, với quyết tâm loại bỏ và tấn công những người đạo Hồi "bội giáo" - bao gồm người Shiite và cả những người Sunni kiểu Ottoman.

Wahhab sớm liên minh với một thủ lĩnh tên là Ibn Saud - người sáng lập triều đại Saudi. Đất nước Saudi do liên minh lấy tên là Wahhabi này thành lập đầu tiên cùng nhau nhanh chóng lớn mạnh và cũng nuôi nhiều tham vọng, dẫn tới vụ thảm sát đẫm máu người Shiite ở Karbala năm 1801 và sự kiện chiếm giữ Mecca năm 1803. Đế chế Ottoman đã đè bẹp cuộc nổi loạn Wahhabi vào năm 1812 thông qua thuộc địa của họ ở Ai Cập. Phe Wahhabi rút lui vào sa mạc.

Một xáo trộn nữa ở Hejaz xảy ra năm 1856 khi người Ottoman - nhờ ảnh hưởng của đồng minh là Anh - đưa ra một đổi mới được coi là dị thường lúc đó: cấm buôn bán nô lệ - hoạt động làm ăn béo bở giữa bờ biển châu Phi và TP Jeddah. Thủ lĩnh Abd al-Muttalib của Mecca giận dữ tuyên bố người TNK đã biến thành những kẻ ngoại đạo.

Theo như những gì thế giới này nay ghi nhận được từ biên niên sử của chính khách Ottoman Ahmed Cevdet Pasha, TNK còn bị các đối thủ "kể tội" vì cho phép phụ nữ giải phóng bản thân, thoát khỏi sự bó buộc vào đàn ông, như cha hoặc chồng, cũng như có quyền ly dị. Những thay đổi này diễn ra trong phong trào cải cách lớn của Ottoman mang tên Tanzimat vào giữa thế kỷ XIX khi đế chế này đã du nhập nhiều giá trị và tiêu chuẩn phương Tây. Tanzimat đã cho phép đế chế Ottoman cuối cùng trở thành một chế độ quân chủ lập hiến với một nghị viện ra đời do bầu cử - điều vẫn chưa thể tưởng tượng được trong chế độ quân chủ tuyệt đối của Ả Rập Saudi.

Ngày nay, trong mắt giới tinh hoa Ả Rập Saudi, Hồi giáo Sunni của TNK và những gì Tổng thống Erdogan đang theo đuổi vẫn được cho là tân tiến hơn và có phần xa rời với Hồi giáo Sunni. Điều đó ảnh hưởng đến những cuộc tranh giành chính trị lớn nổi lên giữa Ankara và Riyadh. Cụ thể, ông Erdogan ủng hộ những nhóm như Anh em Hồi giáo, vốn theo đuổi nhánh đạo Hồi dân túy qua việc ủng hộ các cuộc bầu cử ở Ai Cập và Tunisia, trong khi Ả Rập Saudi gọi phong trào này là tổ chức khủng bố. Ông Erdogan cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Iran, kẻ thù của Ả Rập Saudi và với Qatar, nước đã bị Saudi và một số quốc gia Ả Rập khác tẩy chay vì tranh cãi chính trị.

"Cơ hội trời cho"

Đối với hầu hết chính phủ các nước, một vụ án mạng xảy ra trong LSQ nước ngoài trên lãnh thổ của mình hẳn là "ác mộng". Tuy nhiên, cái chết của nhà báo Khashoggi lại được coi là "cơ hội trời cho" đối với Tổng thống TNK, nhất là khi vụ việc dẫn dắt tới những mối quan hệ thân cận nhất với Thái tử MBS - người mà ông Erdogan vẫn luôn xem là đối thủ cạnh tranh chính cho vị trí nhà lãnh đạo thế giới Hồi giáo dòng Sunni. Nhà lãnh đạo TNK hẳn sẽ không bỏ lỡ cơ hội này để mặc cả về kinh tế với Riyadh, cũng như gây khó dễ cho nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong khu vực của Ả Rập Saudi.

Từ lâu, ông Erdogan vẫn mong muốn thiết lập ảnh hưởng của TNK như một Đế chế Ottoman tái sinh mà trên chặng đường thực hiện hoài bão đó, đối thủ lớn nhất là Ả Rập Saudi.

Theo Đỗ Quyên

Cùng chuyên mục
XEM