Đang là Giám đốc doanh nghiệp lớn, đùng cái trở thành người thất nghiệp, tôi nhận ra: Tiền trong túi quyết định sự tự tin trong người!

18/10/2024 08:50 AM | Bài học cuộc sống

Không có công việc nào là mãi mãi, và làn sóng sa thải cũng chẳng chừa một ai, dù bạn là Giám đốc hay chỉ là một nhân viên thực tập.

Có lẽ trong khoảng 2 năm trở lại đây, làn sóng sa thải là một trong những nỗi sợ lớn nhất của hội “cổ cồn trắng”. Giảm lương, cắt thưởng, tăng giờ làm cũng không là gì so với việc mất hẳn đi chiếc “cần câu cơm”, rải CV triền miên từ ngày này sang tháng nọ mà không tìm được bến đỗ.

Trong bối cảnh ấy, nhiều người tin rằng lớp nhân sự C-Level (nhân sự cấp cao) chắc chắn sẽ ở trong “vòng an toàn”; chỉ có lớp nhân sự non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm mới trong nhóm “nguy cơ cao”.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại: Làn sóng sa thải không chừa một ai, kể cả nhân sự cấp cao như Quản lý, Giám đốc vẫn bị sa thải như thường. Chia sẻ của những người từng bị sa thải dù là C-Level sẽ cho chúng ta một góc nhìn khác.

Chen Yijing (38 tuổi): Nguyên Giám đốc điều hành một doanh nghiệp vốn nước ngoài, bị sa thải vào tháng 5/2023

Vào tháng 5 năm ngoái, doanh nghiệp buộc phải tiến hành cắt giảm nhân sự, một phần do do chuyển đổi mô hình kinh doanh, một phần do doanh thu giảm. Khi đó, tôi đang là Giám đốc điều hành bộ phận sản phẩm tại thị trường Trung Quốc.

Khi biết tin bản thân có tên trong danh sách cắt giảm nhân sự, tôi thực sự đã choáng váng đến mức không kịp rơi nước mắt. Vốn dĩ, tôi luôn rất tự tin vào những gì mình đã và đang cống hiến cho tới thời điểm ấy. Tôi dằn vặt bản thân vì đã không giữ được công việc này và không đảm bảo được công việc lẫn nguồn thu nhập cho những nhân sự cấp dưới. Đúng vậy, tôi bị sa thải cùng 4 nhân viên khác của tôi. Việc này giống như một cú đánh trời giáng vào sự tự tin lẫn tự tôn của tôi, đương nhiên, cũng không thể bỏ qua vấn đề tài chính.

Đang là Giám đốc doanh nghiệp lớn, đùng cái trở thành người thất nghiệp, tôi nhận ra: Tiền trong túi quyết định sự tự tin trong người!- Ảnh 1.

Chen Yijing

Sau khi mất việc, tình hình tài chính của tôi căng như dây đàn. Dù chưa lập gia đình, chưa có con và cũng không phải chu cấp tài chính cho cha mẹ, nhưng tôi vẫn ngập trong nợ nần vì trước đó đã vay tiền để mua 2 căn hộ ở Bắc Kinh.

Khi còn là Giám đốc, mức lương của tôi khá cao, nên việc trả nợ thế chấp không phải áp lực quá lớn. Cũng bởi vậy nên tôi mới dám vay tiền để mua tới 2 căn nhà. Thực tế, tôi nghĩ đó không phải là quyết định sai lầm. Điều khiến tôi hối hận nhất chính là bản thân luôn mặc định mình sẽ duy trì được nguồn thu nhập này mãi, nên thành ra thờ ơ với việc tiết kiệm, dự phòng tiền bạc.

Sau khi bị sa thải, tôi cũng nhận được một khoản tiền đền bù không nhỏ. Dẫu vậy, nó cũng không đủ để tôi trang trải các nhu cầu cơ bản và trả nợ ngân hàng khi thất nghiệp. Kết cục, tôi đành phải bán toàn bộ số cổ phiếu vẫn đang tăng trưởng, sinh lời tốt để có tiền duy trì cuộc sống. Đồng thời, tôi cũng ngừng tất cả các dịch vụ gia đình như thuê người nấu ăn, thuê người dọn dẹp nhà cửa và bán đi một số món đồ hiệu.

Cuộc sống của tôi khi ấy không khác gì một cú rơi tự do từ thiên đường xuống địa ngục. Nhưng thực tâm, tôi không thể đổ lỗi cho ai được cả. Tất cả đều là lỗi của tôi, tôi ngàn lần hối hận vì đã chi tiêu không biết tiết kiệm. Không phải làn sóng sa thải, không phải bị công ty đánh giá sai năng lực, chính niềm tin mình sẽ không bao giờ rơi vào cảnh thiếu tiền vì là Giám đốc doanh nghiệp lớn mới là thứ dìm tôi xuống đáy tuyệt vọng.

Tôi mất khoảng gần 1 tháng để vượt qua cú shock này. Sau đó, tôi tìm được một công việc khác, là cố vấn cho một doanh nghiệp. Từ đó, cuộc sống của tôi dần khá hơn, tôi bắt đầu học cách chi tiêu, tiết kiệm và xây dựng quỹ dự phòng. Một lần lao đao vì mất nguồn thu nhập, một lần chìm trong cảnh túng thiếu khiến tôi giác ngộ ra rằng đôi khi chúng ta phải thay đổi dù không sẵn sàng. Và một trong những việc cần làm để bản thân tự tin đối mặt với thay đổi, ngay cả khi không muốn, chính là có tiền. Phải chuẩn bị tiền cho những tình huống không ngờ tới, chúng ta mới có thể tự tin sống không lo sợ.

Chengzi (32 tuổi): Nguyên Giám đốc bộ phận truyền thông, bị sa thải vào đầu năm 2023

Tôi từng làm việc tại một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất cả nước. Từ vị trí nhân viên thực tập, chỉ sau 3 năm, tôi đã ngồi được vào vị trí quản lý. Và sau đó 2 năm, tôi tiếp tục được thăng chức, trở thành Giám đốc bộ phận Truyền thông.

Đang là Giám đốc doanh nghiệp lớn, đùng cái trở thành người thất nghiệp, tôi nhận ra: Tiền trong túi quyết định sự tự tin trong người!- Ảnh 2.

Chengzi

Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ tự tin 100% vào năng lực làm việc cũng như năng lực lãnh đạo của mình. Dù đã an toàn vượt qua làn sóng sa thải đầu tiên vào năm 2022, nhưng tôi luôn có cảm giác sớm thôi, mình sẽ là người bị loại bỏ. Tôi cũng không chắc vì sao mình lại có linh cảm như vậy. Lý do duy nhất tôi có thể đưa ra chỉ là tôi quá cầu toàn. Sự cầu toàn khiến tôi trở thành người khắt khe quá mức với cấp dưới, và quá cứng đầu với cấp trên. Thực tế, tôi chỉ là Giám đốc của một bộ phận, phía trên tôi vẫn còn những người sếp khác. Tôi không được toàn quyền quyết định tất cả mọi thứ trong công việc.

Tôi cho rằng đây là điểm mạnh, cũng là điểm yếu của bản thân. Ngẫm nghĩ về điều này, tôi nhận ra có lẽ mình hợp với việc làm chủ hơn là đi làm thuê. Bạn biết đấy, Giám đốc bộ phận - nghe thì oai, nhưng thực chất cũng chỉ là làm thuê.

Nghĩ vậy, nên tôi đã âm thầm chuẩn bị tiền bạc, đồng thời tìm hiểu, nghiên cứu thị trường để chuẩn bị cho công việc kinh doanh cá nhân. Có lẽ, việc này đã phần nào khiến tôi xao nhãng công việc chính.

Đầu năm 2023, tôi nhận thông báo sa thải trong tâm thế không quá bất ngờ, không quá đau buồn hay nuối tiếc.

Vì đã chuẩn bị từ trước, nên tôi chỉ mất gần 2 tháng để bắt đầu kinh doanh riêng. Tôi mở một tiệm bán cây cảnh, kết hợp làm studio chụp ảnh. Đây vốn là đam mê từ thuở bé của tôi - một công việc gần gũi thiên nhiên, một không gian kiếm tiền ngập sắc xanh cây cỏ. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm truyền thông tích lũy được sau gần 1 thập kỷ đi làm thuê, tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc đưa tiệm cây cảnh nhỏ của mình tới gần hơn với mọi người.

Hơn ai hết, tôi hiểu rằng muốn đi xa thì phải đi từ từ, ngân sách có hạn, tham “chơi lớn” là rất dễ đổ bể. Vậy nên, cửa tiệm của tôi chỉ rộng 10m2, một mình tôi “cân” tất mọi vai trò, từ làm truyền thông tới thu ngân, bán hàng. Sau hơn 1 năm mở tiệm cây cảnh, tôi càng thấy suy nghĩ “mình nên làm chủ thay vì đi làm thuê” là đúng đắn.

Điểm mạnh nếu đặt sai bối cảnh thì cũng sẽ trở thành điểm yếu. Thứ mà bạn cho rằng là điểm yếu của bản thân, chưa chắc, nó đã thực sự là điểm yếu hay là thứ phải gắng gượng mà thay đổi. Vậy nên mong bạn đừng quá khắt khe với bản thân, điều chúng ta nên làm và cần làm là suy nghĩ đa chiều, lường trước và chuẩn bị thật kỹ cho những tình huống có thể xảy ra. Làm được thế, tôi tin rằng bị sa thải cũng không phải chuyện gì quá to tát, dù trước đó bạn là Giám đốc, hay chỉ là một nhân viên bình thường.

Theo Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
XEM