Đang chăn 7 con bò trên núi, chàng trai bất ngờ nhận giấy báo trúng tuyển Đại học Thanh Hoa: Biết điểm số, nhiều người thán phục
Câu chuyện nam sinh nghèo vượt khó, trúng tuyển trường đại học top đầu tại Trung Quốc đã truyền cảm hứng tới nhiều người trẻ.
Đang chăn bò thì nghe tin trúng tuyển Đại học
Mới đây, câu chuyện một học sinh ở miền nông thôn Vân Nam tên Lý Hồng Phi trúng tuyển đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc) được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, gây chú ý.
Theo Sina, khi thầy giáo cầm giấy trúng tuyển của Đại học Thanh hoa đến, cậu học sinh nghèo này vẫn đang chăn đi chăn 7 con bò trên núi. Thời tiết lạnh giá, cậu khoác lên mình chiếc áo nỉ mỏng manh, gương mặt và đôi tay vẫn đang ửng đỏ vì giá rét. Sự xuất hiện của thầy khiến cậu học sinh vô cùng ngạc nhiên. Nhận trên tay giấy báo trúng tuyển của ngôi trường hàng đầu Trung Quốc và bó hoa chúc mừng, gương mặt cậu bé ngập tràn niềm vui và sự tự hào.
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2024, Lý Hồng Phi đạt 692/750 điểm và trúng tuyển Đại học Thanh Hoa chuyên ngành “Thiết bị và sản xuất thông minh”. Với điểm số này, nam sinh đứng thứ 54 toàn tỉnh Vân Nam.
Lý Hồng Phi vốn xuất thân trong một gia đình khó khăn trong một ngôi làng miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền đi học thêm, phải làm thêm mỗi ngày để phụ giúp gia đình, song kết quả học tập rất cao. Điều này khiến nhiều người thán phục, dành lời khen ngợi: “Tài năng cộng với sự chăm chỉ là chìa khóa thành công", "Làm tốt lắm. Hầu hết những đứa trẻ này sẽ trở thành những nhân tài có ích cho đất nước", “Thật không phụ lòng, chắc chắn cậu bé đã phải cố gắng rất nhiều. Nhìn bề ngoài cũng là một đứa con ngoan, sáng dạ. Chúc cậu có một tương lai xán lạn”, “Giỏi quá, chúc mừng cậu bé, gia đình và nhà trường”,....
Lý Hồng Phi vui mừng, nâng niu mở giấy báo trúng tuyển của Đại học Thanh Hoa.
Trong video ghi lại cảm xúc khi nhận giấy thông báo trúng tuyển, Lý Hồng Phi cho biết cậu hy vọng có thể tự bản thân nỗ lực, chăm chỉ tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn và làm được nhiều điều có ích cho quê hương, đất nước trong tương lai.
Nghèo khó không cản được thành công
Lý Hồng Phi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng thuộc thị trấn Dahai, huyện Huize, tỉnh Vân Nam, trong gia đình anh có 4 anh em. Hiện tại, em út của Lý Hồng Phi đang học tiểu học, chị cả vừa tốt nghiệp và anh hai đang học năm cuối đại học. Bố mẹ nam sinh kiếm sống bằng nghề chăn nuôi gia súc, chắt chiu từng đồng để nuôi các con. Nuôi 4 con ăn học, áp lực kinh tế lên bố mẹ của Lý Hồng Phi rất nặng nề. May mắn thay, bốn đứa trẻ học tập rất chăm chỉ và đạt thành tích cao. Các anh chị của Lý Hồng Phi đều đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Riêng Lý Hồng Phi sau kỳ thi tuyển sinh đại học, nam sinh đã đi làm thêm 2 công việc cùng một lúc, thời gian rảnh về nhà phụ bố mẹ đi chăn 7 con bò. Từ nhỏ, cậu đã là một đứa trẻ ngoan ngoãn và hiểu chuyện, giúp bố mẹ chăn gia súc và làm công việc đồng áng,...
Nơi Lý Hồng Phi đang sinh sống cũng là một tỉnh miền núi, về giao thông, điều kiện học tập còn nhiều hạn chế. Nam sinh cũng không có điều kiện để đi học thêm mà chỉ học tại trường và tự học tại nhà. Trong điều kiện không thuận lợi, Lý Hồng Phi vẫn đạt được thành tích học tập xuất sắc nhờ nỗ lực của bản thân. Một năm trước, cậu cũng được chọn vào học lớp hè của Đại học Bắc Kinh dành cho học sinh trung học xuất sắc và du học sinh. Hiện tại, Lý Hồng Phi lại được nhận vào Đại học Thanh Hoa - ngôi trường hàng đầu Trung Quốc, lọt top tốt nhất thế giới. Theo Sina đánh giá, đây là ví dụ điển hình cho việc vượt khó, học giỏi, truyền cảm hứng tới nhiều người đặc biệt là giới trẻ.
Nhiều người cũng hi vọng cánh cửa mới này sẽ mở ra một tương lai xán lạn hơn cho Lý Hồng Phi và gia đình của cậu. “Một đứa trẻ xuất thân từ một ngôi làng miền núi và thay đổi vận mệnh của mình bằng nỗ lực của chính mình. Thật đáng khâm phục", "Đây là câu chuyện truyền cảm hứng và nó cũng mở ra hy vọng cho những đứa trẻ khác từ những gia đình bình thường”, "Kỳ thi tuyển sinh đại học chính là 'lối tắt' tốt nhất và là cơ hội tốt nhất để thay đổi vận mệnh con người”,... là những bình luận của cư dân mạng.
Nguồn: 163.