Dân văn phòng Việt ở Bắc Kinh tiết lộ trải nghiệm thuê nhà ở ghép với người lạ khác giới
Cô gái người Việt chia sẻ những điểm khác biệt thú vị khi làm việc tại một công ty Bắc Kinh (Trung Quốc).
Câu chuyện thuê nhà ở ghép với người lạ vốn chẳng có gì mới. Hiện tại nhiều dân văn phòng đến làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn ở ghép để “cưa đôi tiền nhà", vừa dư thêm một khoản tiết kiệm vừa có bạn cùng phòng trò chuyện cho vui. Tuy nhiên, nếu không phải người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp… hiếm ai dạn dĩ ở cùng người lạ khác giới.
Thế nhưng Diệu Linh - nữ văn phòng người Việt làm tại một công ty Công nghệ Thông tin ở Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ: “Ở Bắc Kinh, hầu hết các Bắc Phiêu (những người vùng khác đến Bắc Kinh làm việc) để tiết kiệm chi phí thì hầu hết sẽ thuê nhà xa khu trung tâm, tìm người ở ghép - chấp nhận cả người lạ khác giới.”
Thuê phòng ngủ 10 mét vuông giá 10 triệu đồng
Khi nghe Diệu Linh chia sẻ, khoan bàn về các tình huống nguy hiểm với góc nhìn của một người phụ nữ, chỉ cần liệt kê đến những hoạt động sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, vệ sinh, giao tiếp… cũng khá bất tiện.
Tuy nhiên, đây là bài toán tài chính cần chấp nhận.
“Giá thuê nhà ở Bắc Kinh khá đắt đỏ, ở nội thành giá thuê 1 phòng ngủ sẽ dao động tầm 5000 - 6000 tệ (khoảng 17 - 20 triệu đồng). Vì vậy để tiết kiệm chi phí thì những người đi làm như mình sẽ chọn thuê phòng ở ghép tại các ứng dụng cho thuê nhà - nơi kết nối giữa chủ nhà với khách hàng có nhu cầu đi thuê.
Hiện mình đang thuê 1 phòng ngủ có diện tích 10 mét vuông giá 3000 tệ (khoảng 10 triệu đồng) tại một căn có 3 phòng ngủ trong chung cư. Những người khác sẽ ở 2 phòng còn lại, 3 phòng dùng chung khu bếp và nhà vệ sinh. Hầu hết các căn chung cư ở đây đều là nam nữ người lạ ở ghép chung với nhau.”
Trường hợp này rất ít khi gặp tại Việt Nam, vậy nên Diệu Linh chia sẻ đây cũng là một chuyện lớn mà cô nàng cần thích nghi. “Sang nước ngoài làm việc, mình mới biết hoá ra nam nữ người lạ lại có thể ở ghép chung một căn hộ. Ban đầu mình khá ‘sốc' và rất ngại. Tuy nhiên ở lâu dần thành quen, mọi người đều đi làm nên cũng không gặp mặt nhau nhiều.”
Để giảm độ "chát" ví tiền, không chỉ miễn cưỡng ở cùng người lạ khác giới mà cô nàng còn phải ở xa trung tâm. “Mỗi ngày mình mất khoảng 3 tiếng đồng hồ chen chúc trên tàu điện ngầm chật kín người để di chuyển đến công ty. Tính ra thời gian đi làm ngốn 12 - 15 tiếng một ngày, gần như không đủ thời gian nghỉ ngơi và dành cho bản thân.”
Tàu điện ngầm Bắc Kinh giờ đi làm và tan làm đều đông đúc.
Văn hoá chốn công sở ra sao?
Hơn 2 năm làm việc ở Bắc Kinh, Diệu Linh nhận ra điểm khác biệt so với văn hoá công sở của Việt Nam là mọi người phân biệt khá rạch ròi về mối quan hệ đồng nghiệp và bạn bè. “Khi ở Việt Nam, mình và đồng nghiệp như bạn bè, thường hẹn nhau đi ăn uống, vui chơi sau giờ làm hay cuối tuần. Còn ở đây tan làm hầu hết ai về nhà nấy, cuối tuần ngày nghỉ cũng hiếm nhắn tin cho nhau.
Giờ nghỉ trưa, mọi người cũng sẽ giống mình, tranh thủ đi tập gym. Tuy nhiên khá ít bạn mang cơm theo đi làm, đa số sẽ gọi đồ ăn ngoài hoặc ăn nhanh tại căng tin.”
Vì đồng nghiệp khó trở thành bạn bè, nên Linh tâm sự mình có rất ít bạn ở đây.
Về khung giờ làm, cô nàng cho biết thời gian đi làm quy định từ 9h sáng kéo dài đến tận 7h tối. “Hơn nữa, ở đây ít khi mọi người ra về đúng giờ tan làm, thông thường sẽ ở lại tăng ca. Có những hôm mình phải tăng ca đến 11h tối, và tăng ca thì không có lương ngoài giờ. Buổi tối ai tan làm về muộn sẽ được miễn phí taxi.
Đặc biệt, mình nhận thấy công ty bên này họp khá nhiều, trung bình mỗi ngày đều họp. Có những cuộc họp bắt đầu từ 10h sáng và kết thúc lúc 7 - 8h tối, họp không nghỉ trưa mà chỉ được ăn trong khoảng 30 phút ngay trên bàn họp.”
Rất nhiều cuộc họp kéo dài xuyên thời gian nghỉ trưa
Bù lại, Diệu Linh tiết lộ những lúc xế chiều buồn miệng, ở các công ty được phát miễn phí đồ ăn vặt như trà sữa, trái cây tươi... và mỗi khẩu phần ăn đều rất chất lượng.
Làm dân văn phòng Bắc Kinh vì… mùa đông có tuyết
Dù mức sống đắt đỏ, thời gian đi làm chiếm hết ⅔ một ngày, phải phân chia tắm rửa, ăn uống, ngủ nghỉ… trong vòng 8 tiếng còn lại nhưng Diệu Linh cho hay bạn vẫn rất muốn ở lại Bắc Kinh làm việc.
“Trước nhất mình muốn thử thách bản thân, mỗi một trải nghiệm khiến mình càng trưởng thành, dũng cảm, tự lập để dám theo đuổi tự do hơn.
Ngoài ra, lý do khiến mình lưu luyến nơi đây là mùa đông có thể trượt tuyết. Bản thân mình vốn là một người thích thể dục thể thao, từ khi sang đây được tiếp xúc với bộ môn trượt tuyết, mỗi mùa tuyết đến, sân trượt chưa từng thiếu hình bóng của mình.”
Linh cho biết thêm, để tăng thêm thu nhập khi ở đây, bạn thi thoảng sẽ nhận làm mẫu ảnh, dịch thuật và buổi tối sẽ dạy kèm tiếng Trung.
Linh cho biết vì mùa đông Bắc Kinh có thể trượt tuyết khiến cô chưa muốn trở lại Việt Nam.